Các bậc phụ huynh không phải là những người duy nhất lo lắng về “gánh nặng học hành” (theo nghĩa đen) của con cái. Các chuyên gia cũng rất lo ngại về tác hại của việc đeo những chiếc cặp sách quá nặng đối với cơ thể trẻ em trong thời gian dài.
Ember DeStefani, một y tá tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe gia đình tại NYU Langone ở New York, cho biết toàn bộ trọng lượng thừa của chiếc cặp sách có thể gây đau và tổn thương không chỉ đối với lưng của trẻ.
“Một chiếc cặp sách quá nặng có thể dẫn đến đau cổ, vai và đau lưng”. Trong khi chỉ ra rằng một chiếc cặp sách nặng có thể gây cong vẹo cột sống, thì DeStefani cũng nói rằng trọng lượng tăng thêm có thể tác động xấu đến cơ thể đang phát triển của trẻ. “Tôi vẫn sẽ không khuyên bạn đặt một áp lực lớn lên cột sống trong thời gian phát triển và tăng trưởng cơ xương khớp”, bà nói.
Theo Hội Nhi khoa Mỹ, cặp sách không bao giờ nên nặng hơn 10% đến 20% trọng lượng cơ thể của con bạn. Điều đó có nghĩa là một đứa trẻ 11 tuổi có cân nặng trung bình – 36kg – chỉ nên mang theo một chiếc cặp sách nặng không quá 3,6 – 7,2kg.
Đây cũng là một vấn đề ở các nước khác. Ở Ấn Độ, chính phủ đã cấm giao bài tập về nhà cho trẻ em lớp một và hai vì họ lo ngại về những chiếc cặp sách quá nặng mà học sinh phải mang về nhà. Quy định này được đưa ra sau một cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy 88% trẻ em từ 7 đến 13 tuổi ở Ấn Độ đang mang những chiếc cặp sách nặng bằng gần một nửa trọng lượng cơ thể và tải trọng thừa này tác động xấu đến bộ xương đang phát triển của trẻ em và gây hại cho tư thế của trẻ.
“Đôi khi những đứa trẻ này phát triển một tư thế có thể mất hai năm để điều chỉnh”, bác sĩ Shreedhar Archik, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình ở Mumbai nói. “Chúng tôi phải cho họ tập thể dục để điều chỉnh tư thế”.
Bên cạnh trọng lượng, cách trẻ mang cặp cũng có thể là thủ phạm. Đáng lẽ phải đeo cặp sách hoặc ba lô với cả hai dây đeo để phân bổ trọng lượng đồng đều, thì hầu hết trẻ lại chỉ quàng chúng qua một vai. BS. Rolen Higashida, một chuyên gia chỉnh hình ở Los Angeles, cảnh báo về điều này. “Nếu trẻ đeo cặp sách chỉ ở một bên vai, nó có thể gây ra nhiều vấn đề hơn nữa”, ông nói. Nó sẽ tạo ra sự mất cân bằng cơ bắp. Nếu mang đủ lâu theo cách này, nó có thể gây ra vấn đề về tư thế. Hãy chắc chắn rằng trẻ mang cặp sách đúng cách – đeo cả hai quai và với phần đáy cặp không thấp hơn vòng eo của trẻ”.
Các chuyên gia đồng ý rằng kiểu đeo ở một vai là một trong những khía cạnh tai hại nhất của một chiếc cặp sách nặng. “Những chiếc cặp quá nặng có thể gây đau cho trẻ và khi đeo trên một vai trong khoảng thời gian từ vài tuần đến vài tháng, nó có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của cơ bắp ở một bên”, đó là cảnh báo của bác sĩ nhi khoa Cara Natterson.
Một yếu tố quan trọng khác cần xem xét: Hình ảnh có thể là tất cả đối với trẻ em ở độ tuổi đi học - những người thường sẽ đặt phong cách lên trên sự an toàn hoặc thoải mái. “Một lựa chọn là cặp sách kéo có bánh xe, nhưng hầu hết bọn trẻ đều nói với tôi rằng trông nó không “ngầu” lắm, BS. Higida nói.
Và cặp kéo – tuy có vẻ là một giải pháp hợp lý và được khuyến nghị bởi tất cả các chuyên gia – lại không phải lúc nào cũng thực tế. “Ở nhiều trường học đây là điều bất khả thi”, De Deefefani nói. Các lớp học ở trên tầng và học sinh đi cầu thang bộ. Điểm đón trả trẻ gần nhất cách trường học đến vài trăm mét, và việc kéo chiếc cặp trên một con đường gồ ghề sẽ rất khó khăn.
DeStefani thừa nhận vấn đề hình ảnh và cố gắng khuyến khích học sinh chọn và mang cặp sách một cách “thông thái”. “Nhiều bệnh nhân của tôi quan tâm đến thương hiệu thiết kế và phong cách cá nhân hơn là ergonomics. Tôi khuyến khích bệnh nhân của mình mua ba lô với dây đeo vai rộng, có đệm và dây thắt ở eo.
Cuối cùng, nếu bạn cảm thấy chiếc cặp sách “siêu to khổng lồ” đó gây tổn thương cho lưng của trẻ, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để được tư vấn và cố gắng tìm ra giải pháp cùng với con bạn, giáo viên và trường học của trẻ. Cũng sẽ không hại gì nếu thỉnh thoảng dọn dẹp cặp cho con. Giấy tờ không cần thiết, đồ dùng học tập - và đồ ăn - có thể khiến chiếc cặp nặng thêm rất nhiều.
Theo Cẩm Tú/dantri.com.vn