Cập nhật: 13/09/2019 08:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay, có khá nhiều Viện dưỡng lão được thành lập đáp ứng nhu cầu của nhiều người cao tuổi. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc đưa cha mẹ già yếu vào sống ở trong Viện dưỡng lão là đi ngược lại với truyền thống, con cái muốn “vứt bỏ” bố mẹ. Song, thực tế cho thấy ngày càng nhiều người cao tuổi lựa chọn vào viện dưỡng lão vì họ cảm thấy sống thoải mái vui vẻ ở không gian chung của những người cao tuổi. Điều này cho thấy nhận thức của xã hội cũng như của người cao tuổi đã thay đổi rất nhiều. Còn theo các chuyên gia xã hội, tâm lý học, quan niệm này cần phải thay đổi và nên nhìn nhận nó một cách khoa học, nhân văn hơn.

Cần thay đổi quan điểm, cách nhìn về viện dưỡng lão

Cụ B.M.Quốc, 80 tuổi ở Tp. Hồ Chí Minh cho biết, cụ “xung phong” vào viện dưỡng lão để ở và cụ cảm thấy hết sức vui vẻ thoải mái khi vào đây.  Cụ Quốc chia sẻ, trước đây cụ từng làm qua giám đốc của nhiều công ty nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản... sau khi về hưu, cụ dành thời gian đi du lịch khắp thế giới, đến khi đi không được nữa thì cụ chủ động đăng ký vào viện dưỡng lão để an dưỡng. “Tôi có hai đứa con, một trai, một gái, con gái lớn lấy chồng và mở công ty riêng, và nó cũng có gia đình riêng của nó, công việc của nó suốt ngày bận rộn, còn cậu con trai thì hiện đang làm việc ở Pháp, thời gian về Việt Nam cũng không có mấy. Một mình tôi lủi thủi thì không ngại, nhưng con gái vì lo cho bố nên dù công việc bận rộn nó vẫn phải bận tâm. Tôi cũng thương con ngược xuôi lo cho bố. Nên tôi đăng ký vào viện dưỡng lão Bình Mỹ. Từ khi vào đây, tôi cảm thấy rất thoải mái. Ăn uống và vệ sinh thì có người chăm lo. Bên cạnh đó, tôi cũng kết bạn được với rất nhiều bạn bè ở trong viện, không còn buồn chán như ngày trước, suốt ngày ru rú trong nhà, chỉ có mỗi chị giúp việc làm bạn. Thời gian rãnh rỗi tôi còn tranh thủ nghiên cứu thêm về Truyện Kiều của Nguyễn Du nữa”... cụ Quốc vui vẻ chia sẻ.

Chăm sóc sức khỏe cho Người cao tuổi ở Viện dưỡng lão Bình Mỹ, Tp. Hồ Chí Minh

Cũng giống như cụ Quốc, cụ B.T. Quyên, 98 tuổi có đến tất cả 124 người con cháu, chắt nhưng các cháu chắt đang sống ở Pháp, lúc trẻ cụ đi khắp nơi nào Pháp, Campuchia nhưng đến khi về già cụ chọn vào một trại dưỡng lão ở Việt Nam.  Hào hứng kể với chúng tôi về 124 người con, cháu, chắt đang sinh sống ở Pháp, cụ cho biết, con cháu thường xuyên gọi điện hỏi han cụ, thi thoảng về Việt Nam vào viện dưỡng lão thăm cụ. "Tôi vào đây được chăm sóc tận tình từ bữa ăn giấc ngủ. Tôi cảm thấy rất vui vẻ và thoải mái", cụ Quyên nói.

Theo số liệu thống kê năm 2017, cả nước có trên 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số. Dự báo, nước ta sẽ chỉ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số, tức là chuyển từ giai đoạn “đang già” sang “già” – một tốc độ thuộc hàng cao nhất thế giới, thậm chí đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Dân số Việt Nam đang dần bước vào quá trình già hóa.

Với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay việc chăm sóc, bảo vệ cũng như phát huy người cao tuổi càng cần được chú trọng, quan tâm hơn nữa. Với tinh thần đó, thời gian qua nhiều cơ sở viện dưỡng lão đã được thành lập. Tuy nhiên số lượng các viện dưỡng lão chuyên biệt về chăm sóc người gia vẫn ở con số khiêm tốt và hầu hết chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong thời kỳ 4.0.

Ở viện dưỡng lão cũng được “hưởng’ công nghệ 4.0

Nhiều người quan niệm Viện dưỡng lão chỉ đơn thuần có không gian, có hoạt động vui chơi giải trí và  có nhân viên chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho các cụ là đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, đằng sau những công việc tưởng như đơn giản ấy lại là những việc phức tạp. Ví dụ như việc nắm được và cập nhật thường xuyên chỉ số dữ liệu về cân nặng, huyết áp, chỉ số SPO2 của các cụ cũng như thông tin khám bệnh, tái khám, dùng thuốc, sữa, rồi bệnh mãn tính… nếu chỉ đơn thuần làm bằng thủ công chưa nói đến độ chính xác thì đã phải có một bộ máy nhân sự cồng kềnh

Bên cạnh đó, việc thông tin sức khỏe của các cụ đến gia đình cũng gặp nhiều bất cập bởi hình thức chuyển phát đã lỗi thời và phải mất nhiều thời gian, gọi điện có thể không gặp ngay người nhà mà phải liên lạc qua nhiều lần, chưa kể đến người nhà có thể ở nước ngoài. Từ những bất cập trong quản lý và vận hành thủ công, Viện Dưỡng lão đã chủ trương đưa CNTT vào quản lý theo chủ trương ứng dụng CNTT trong y tế của ngành y tế và giảm tải bộ máy nhân sự. Và Viện dưỡng lão Bình Mỹ, Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh là một trong những viện tư nhân đầu tiên của cả nước tiên phong trong ứng dụng phần mềm quản lý viện dưỡng lão E-nursing home.

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý viện dưỡng lão giúp giải quyết triệt để những bất cập trong điều hành và chăm sóc sức khỏe người già

Ông Bùi Anh Trung – Giám đốc Viện Dưỡng lão Bình Mỹ, TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc ứng dụng phần mềm quản lý viện dưỡng lão đã giúp viện dưỡng lão Bình Mỹ giải quyết được triệt để những bất cập còn tồn tại trong công tác quản lý điều hành và chăm sóc sức khỏe người già tại đây. Từ khi ứng dụng phần mềm, mọi hình ảnh, mọi chỉ số của người cao tuổi như cân nặng, chỉ số huyết áp, chỉ số SPO2 chúng tôi đều cập nhật, lưu trữ trên hệ thống và liên hệ báo cáo cho người nhà thường xuyên ở bất kì nơi đâu kể cả ở Anh, Pháp, Mỹ... giúp người nhà an tâm hơn khi nắm bắt được tình trạng của người cao tuổi đang sinh sống tại viện dưỡng lão”.

Ngoài ra, một trong những điểm đặc biệt nhất của phần mềm đó là khả năng hỗ trợ các bác sĩ tại viện trong công tác điều trị. Ngay từ khi các cụ đến ở tại viện dưỡng lão, toàn bộ dữ liệu thông tin tình hình sức khỏe của các cụ như trước đó các cụ có những bệnh gì, các cụ được khám ở đâu, điều trị như thế nào, uống các loại thuốc gì... đều được cập nhật trên phần mềm.

Theo ông Nguyễn Minh Kiều, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Song Ân, đơn vị cung cấp sản phẩm phần mềm quản lý viện dưỡng lão E-nursing home: "Trong bối cảnh dân số Việt Nam đang dần bị già hóa, số lượng người già cần được chăm sóc ngày một tăng thì các mô hình viện dưỡng lão công nghệ như viện Bình Mỹ đang ngày càng trở nên cần thiết, đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ 4.0 như hiện nay. Điều này sẽ giúp cho các viện dưỡng lão có nhiều nguồn lực hơn để tập trung vào công tác chuyên môn chăm sóc thay vì tập trung cho công tác hành chính, giấy tờ”.

Tâm An

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm