Cập nhật: 17/09/2019 16:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày nay, mìn vẫn được nhiều nước đầu tư nghiên cứu phát triển, và vẫn là một trong những loại vũ khí rẻ, hiệu quả và nguy hiểm nhất.

Mìn - vũ khí rẻ và hiệu quả

Mìn sát thương (mìn quân dụng) là một thiết bị nổ, được bố trí tại những vị trí cố định, thường được kích hoạt nhờ tác động, trực tiếp hoặc gián tiếp của chính "nạn nhân". Các loại mìn sử dụng thuốc súng đã xuất hiện từ thế kỷ 13 ở Trung Quốc; loại mìn kích nổ bằng cơ học đầu tiên được phát triển trong cuộc Nội chiến Mỹ. Mìn ban đầu chỉ là gói thuốc nổ đen gắn dây cháy chậm, đến cuối thế kỷ 19 kíp nổ an toàn và các loại thuốc nổ khác mới xuất hiện.

Mìn thông minh chống bộ binh XM-7 của Mỹ. Ảnh: cont.ws.

Mục đích của mìn là làm tiêu hao sinh lực và phương tiện, kiểm soát, làm chậm, hay giới hạn khả năng di chuyển chiến thuật của địch; ngăn cản không cho quân địch sử dụng một số vùng đất, tuyến đường nào đó, hay lừa địch vào một vị trí để tiêu diệt. Bãi mìn cũng có thể được bố trí để bảo vệ một địa điểm hay khu vực nhỏ hẹp cả khi không có sự hiện diện của các lực lượng mặt đất.

Trong Thế chiến I, người Đức đã chế tạo các loại mìn chống tăng thô sơ thực chất là quả đạn pháo được gắn kíp nổ áp lực, hoặc hộp gỗ được kích hoạt bằng áp lực. Thế chiến II mới thực sự là khởi đầu của chiến tranh mìn hiện đại, trong giai đoạn đầu, bộ binh hầu như không thể diệt được xe tăng bằng vũ khí gì khác ngoài mìn. Cánh bắc Chiến dịch Kursk, Hồng Quân lập những bãi mìn lớn và dùng bộ binh, pháo binh bảo vệ những bãi mìn này, quân Đức đã không thể vượt qua, trong khi ở cánh Nam, do sơ suất, mìn bị quân Đức vô hiệu hóa và chọc thủng phòng tuyến.

Trong chiến tranh Việt Nam, Afghanistan, Trung Đông, rất nhiều loại mìn đã được chế tạo, sử dụng và gây thương vong lớn cho binh lính Mỹ được trang bị vũ khí và khí tài hiện đại. Ngày nay, mìn vẫn được nhiều nước đầu tư nghiên cứu, cải tiến và phát triển, chúng đa dạng về cơ chế kích nổ và vẫn là một trong những loại vũ khí rẻ, hiệu quả và nguy hiểm nhất trên thế giới. Hàng năm, trên toàn cầu có từ 15 - 20 nghìn người chết vì mìn mặt đất do các cuộc chiến tranh, xung đột và tổ chức tội phạm.

Hiệp ước Cấm mìn (Hiệp ước Ottawa) có tên chính thức “Công ước về cấm sử dụng, tàng trữ, sản xuất, chuyển giao và phá hủy mìn sát thương người” được thông qua tại Oslo (Na Uy), vào tháng 9/1997 và được ký kết bởi 122 quốc gia tại Ottawa (Canada) ngày 3/12/1997. Đến nay, đã có 164 quốc gia ký và 31 quốc gia không tham gia Hiệp ước Ottawa, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Israel...

Mìn thông minh - xu hướng mới không kém phần nguy hiểm

Các thành tựu mới nhất của kỹ thuật và công nghệ đã được áp dụng vào quân sự, và lĩnh vực mìn không phải là ngoại lệ. Sự ra đời của mìn thông minh (smart mine) gắn liền với việc áp dụng các công nghệ tiên tiến bởi các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển... Mìn thông minh là thế hệ mới của mìn mặt đất, được thiết kế để tự hủy hoặc tự hủy nhờ kích hoạt khi kết thúc chiến sự hay được thiết kế để tự triển khai lại nếu quả bên cạnh phát nổ hoặc bị loại bỏ. Sự phát triển của mìn là một động thái để “lách” chiến dịch quốc tế cấm mìn nhằm giảm thương tích cho những người không chiến đấu và dân sự, né các điều khoản cấm của Công ước về mìn.

Mìn thông minh chống bộ binh XM-7 “Spider” và chống tăng XM1100 “Scorpion” được phát triển bởi công ty Textron và Trung tâm phát triển vũ khí đạn TACOM-ARDEC Picatinny Centre của quân đội Mỹ. XM-7 là phiên bản hoàn thiện sớm, được chế tạo theo mô hình hoạt động của M18 “Claymore”, khởi điểm được đặt tên là “Matrix”, được sử dụng trong chiến tranh Iraq. XM-7 và XM1100 cho phép giải quyết các vấn đề quan trọng trong tác chiến - phòng ngự trên diện rộng, phòng ngự chống lại các đợt tấn công ồ ạt với quân số đông của địch. Theo thông tin từ quân đội Mỹ, XM-7 đã đáp ứng khá tốt các yêu cầu của quân đội Mỹ tại Afghanistan.

Mỗi hệ thống XM-7 bao gồm 63 block kiểm soát nổ (munition control unit - MCU) ở giữa; 6 ống phóng bao quanh là các bình chứa hơi cay, gel dính và thuốc nổ với liều lượng có thể gây chết người, có tác dụng đa hướng (360 độ) và có thể tích hợp 6 mìn Claymore thông qua một block đồng bộ. XM-7 không gây nguy hiểm cho con người khi bị thất lạc - có khả năng tự vô hiệu hóa sau khi chiến tranh kết thúc, có thể điều chỉnh được mức độ sát thương. Khi mục tiêu tác động, MCU sẽ gửi tín hiệu thông báo cho người điều khiển ở cách bãi mìn 3,8km; việc phát nổ một hoặc nhiều mìn cùng lúc sẽ chỉ xảy ra khi có xác nhận của người điều khiển qua máy tính xách tay.

Mìn thông minh chống bộ binh POM-3 của Nga. Ảnh: novorusmir.ru.

Mỗi MCU có thể hoạt động được 30 ngày với lượng pin cung cấp 1 lần. Khi ở trạng thái hoạt động, mìn sẽ thường xuyên phát tín hiệu đã được mã hóa về tọa độ của mình thông qua 1 con chip GPS được tích hợp, nhờ vậy, người ta có thể nắm được vị trí của các thiết bị trị giá 5000 USD này phục vụ cho việc thu hồi. Khi hết pin, MCU sẽ tự động vô hiệu hóa mìn, trong trường hợp bị thất lạc hay một trong các dây dẫn bị đứt, mìn cũng không tự phát nổ.

Phiên bản XM1100 Scorpion là tổ hợp mìn thông minh (Intelligent Munitions System IMS) được điều khiển hoạt động từ xa để tiêu diệt xe tăng, thiết giáp, cơ giới và bộ binh đi cùng. Mìn thực hiện đồng thời một nhóm nhiệm vụ như quản lý không gian chiến trường từ khoảng cách xa, trinh sát phát hiện mục tiêu, theo dõi và tấn công tiêu diệt. Các tổ hợp mìn MX1100 được triển khai trên địa bàn tác chiến sẽ liên kết với nhau và kết nối với máy tính bảng điều khiển. Khi cảm biến địa âm phát hiện chấn động, sẽ kích hoạt các cảm biến khác như cảm biến từ trường, cảm biến âm thanh microphone, radar phát xung, thông tin về mục tiêu sẽ được chuyển tải về người điều khiển.

Dựa trên cường độ địa chấn, âm thanh và từ trường, phần mềm tự động xác định mục tiêu là bộ binh hoặc tăng, thiết giáp, xe cơ giới đồng thời chuyển trạng thái sẵn sàng. Trong trường hợp mục tiêu là tăng, thiết giáp hoặc bộ binh cơ giới, khối nổ trong ống phóng sẽ phóng đạn chống tăng lên trên không, đầu thu hồng ngoại xác định chính xác hướng nguồn phát hồng ngoại mạnh nhất (buồng động lực xe tăng) để đầu đạn chống tăng đánh trúng thân xe và phá hủy mục tiêu. Trong trường hợp là bộ binh, người điều khiển sẽ sử dụng đầu đạn chống bộ binh nổ trên không tiêu diệt sinh lực. Ắc quy trong XM1100 có khả năng hoạt động trong 30 ngày, sau đó, mìn sẽ ngừng hoạt động. Nếu chưa sử dụng, người điều khiển qua máy tính bảng có thể ra mệnh lệnh dừng hoạt động và thu hồi mìn hoặc ra lệnh tự hủy.

Các nhà sản xuất vũ khí của Nga hiện đang hoàn thiện một loại mìn sát thương thông minh chống trực thăng hoàn toàn mới mang tên Medalyon POW-3. Khi được kích hoạt, POW-3 sẽ bắn ra những mảnh kim loại hình ngôi sao 360 độ theo phương nằm ngang. Sự khác biệt lớn nhất của loại mìn này với mìn thông thường là bộ não điện tử của nó có khả năng loại bỏ lỗi bị nổ sớm hoặc thối ngòi, được gắn vi mạch điện tử siêu thông minh nên rất khó vô hiệu hóa ngòi nổ; thời gian tự nổ có thể cài đặt, thay đổi hoặc hủy bỏ tình trạng sẵn sàng chiến đấu; có thể phân biệt rõ binh lính với dân thường và chỉ phát nổ khi bị binh sĩ đối phương chạm phải.

Mìn chống tăng thông minh PTKM-1R đang được Nga phát triển với hệ thống cảm biến hồng ngoại và địa chấn có thể tự phát hiện và tấn công xe tăng, thiết giáp hay các mục tiêu cơ giới trong bán kính lên đến 150-200m, sẽ nâng năng lực diệt xe tăng thiết giáp trong phòng thủ của quân đội Nga lên một tầm cao mới. Mìn này có hình trụ và kích thước tương đương bình chữa cháy nặng 20kg. Phần đáy mìn có các cánh sẽ xòe ra khi triển khai để giữ cho mìn ở vị trí thẳng đứng, có thể được đặt ngay trên mặt đất, thời gian triển khai 10 ngày trong điều kiện nhiệt độ từ âm 40 đến 30 độ.

Khi mục tiêu thâm nhập phạm vi sát thương, nó sẽ phóng một đầu đạn lên độ cao vài chục mét. Cảm biến hồng ngoại trên đầu đạn sẽ khóa mục tiêu và tấn công kiểu “đột nóc” từ trên cao xuống vào khu vực tháp pháo - vùng giáp mỏng và dễ bị tổn thương nhất của xe tăng. PTKM-1R sẽ đơn giản hóa công việc của các nhóm chiến đấu tiền tiêu vì không cần bố trí mìn kiểu rải thảm như trước, giúp tiết kiệm thời gian, công sức. Sau 10 ngày nếu không được thu hồi, nó sẽ tự hủy để tránh gây nguy hiểm cho thường dân.

Tại Diễn đàn quốc tế "Army-2019", Nga đã giới thiệu một loại mìn độc đáo - các cat-xet (mìn con) nổ mảnh của mìn POM-3 chống bộ binh. KROM-3 - mìn sát thương đầu tiên trên thế giới có ngòi nổ gắn với đầu cảm biến địa chấn, được tích hợp trí tuệ nhân tạo, có thể nhận biết mục tiêu xe tăng, bọc thép hoặc xe chiến đấu bộ binh, người và động vật. Việc đặt thời gian hoạt động của mìn cho phép giải phóng mặt bằng tự động sau khi kết thúc chiến sự. Một loại mìn mới khác được trình bày tại diễn đàn là KPTM-4, băng cassette với mìn chống tăng PTM-4 có ngòi nổ gắn với sen sơ cảm biến từ tính và thuốc nổ mạnh, có thể xâm nhập vào gầm và tiêu diệt sâu xe tăng.

Quân đội Mỹ đang có chương trình phát triển mìn cho chiến trường hiện đại (Program Manager Close Combat Systems), theo đó, các bãi mìn thông minh được nối mạng có thể được phân tán trong vài phút, có thể thu lại và sử dụng khi cần, và người chỉ huy có thể nhìn thấy từ khắp nơi trên thế giới thông qua liên lạc vệ tinh; trực thăng UH-60 Black Hawk có thể tạo bãi mìn dài hơn 304m (1.000 feet) trong vòng chưa đầy một phút. Tương lai, các loại mìn thông minh của Nga cũng có khả năng kết nối tạo nên mạng lưới thống nhất. Các cảm biến sẽ truyền dữ liệu thu được về trung tâm chỉ huy, người điều khiển sẽ chọn loại mìn ở vị trí phù hợp để tấn công, những quả mìn khác sẽ ở chế độ chờ, giúp nâng cao hiệu suất chiến đấu.

Theo Army Times, các hệ thống mìn tương lai phải có khả năng kết nối ở khoảng cách 2-300km, khả năng kích hoạt và tắt, tự hủy hoặc sửa đổi chế độ làm việc từ xa, tự báo trạng thái để người quản lý biết một khi mìn đã bị can thiệp hoặc bị hỏng. Tuy nhiên, xuất hiện vấn đề gây nhiễu và hack mạng với hệ thống mìn, khiến các quả mìn bị vô hiệu hóa. Nếu phải áp dụng biện pháp chống hack và chống nhiễu thì chi phí sẽ tăng cao.

Cho đến nay trên lãnh thổ của 78 nước có khoảng 110 triệu quả mìn các loại, một phần trong số đó vẫn còn có khả năng hoạt động tốt, số còn lại tạo ra các nguy cơ chết người bất kể lúc nào. Những người phản đối mìn cho rằng, công nghệ mới không đáng tin cậy, và quan niệm về "mìn an toàn" sẽ dẫn đến việc tăng cường triển khai mìn trong các xung đột trong tương lai. Các hướng dẫn hiện tại cho phép tỷ lệ mìn hỏng 10%, khiến một số lượng đáng kể mìn không được kiểm soát, tạo ra mối đe dọa lớn, chưa kể, không được tiếp cận vùng đất đã bị rải mìn, và dân thường vẫn có nguy cơ bị thương khi mìn thông minh tự hủy hay có thể bị thương tích do mìn trong chiến tranh./. 

Theo CTV Lê Ngọc/VOV.VN

 

Tệp đính kèm