Cập nhật: 24/09/2019 17:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Có người uống dấm để giảm cân; có người nhịn ăn đến ngất xỉu; hay có người lạm dụng trà giảm cân không rõ nguồn gốc. Chuyện cô gái trẻ 19 tuổi suy thận, suy gan sau khi giảm 5kg trong hai tuần là lời cảnh báo cho việc giảm cân thiếu hiểu biết của chị em.

Trước đó, cô gái trẻ P.T.H (19 tuổi, Hà Nam) được gia đình đưa đến bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng nguy kịch, suy gan, suy thận. Trước đó, bị bạn bè chê béo, cô gái đã mua trà giảm cân trên mạng để uống và giảm tới 5kg chỉ trong vòng hai tuần.

Cô quyết định tìm hiểu, uống loại trà này sau khi bị bạn bè chê "mũm mĩm". Và chỉ trong hai tuần, cô gái trẻ giảm đến 5kg nhưng cơ thể luôn mệt mỏi, khát nước, đầy bụng, người lả đi.

Tại Bệnh viện Nội tiết, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân không chỉ đơn giản giảm sút 5kg, mà kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có lượng đường huyết trong máu tăng, men gan tăng gấp 30 lần bình thường gây tổn thương, hủy hoại tế bào gan, có dấu hiệu của suy gan, suy thận.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mong muốn giảm cân mãnh liệt như bạn gái trẻ này, gặp ở rất nhiều chị em phụ nữ, thậm chí cả nam giới bị thừa cân, béo phì.

Rất nhiều người tìm đủ mọi cách để giảm cân, từ uống dấm, nhịn ăn, uống trà giảm cân đến tập thể dục đến kiệt sức nhưng cân nặng vẫn không nhúc nhích, thậm chí tiếp tục tăng lên.

PGS Nguyễn Thị Lâm cho biết, giảm cân là nhu cầu chính đáng cho cả sắc đẹp và sức khoẻ. Vì  béo phì gây ra nhiều hệ luỵ cho sức khoẻ và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường. "Đây là 2 trong 4 bệnh hiểm nghèo (cùng với bệnh ung thư và hô hấp) gây ra 76% tỉ lệ tử vong chung ở Việt Nam. Béo phì cũng gây ảnh hưởng tâm lý, bệnh xương khớp, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa, hô hấp, suy giảm trí nhớ, rối loạn nội tiết, nguy cơ ung thư…”, PGS cảnh báo.

Tại hội thảo khoa học Ứng dụng phương pháp Keto trong sản xuất viên sủi hỗ trợ giảm béo, PGS. Lâm cho biết tình trạng béo phì tại Việt Nam đang gia tăng.

Kết quả điều tra thừa cân, béo phì và một số yếu tố liên quan ở người Việt Nam 25- 64 tuổi cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì (BMI > 23) là 16,3%, trong đó tỷ lệ tiền béo phì là 9,7% và tỷ lệ béo phì độ I và II là 6,2% và 0,4%. Tỷ lệ thừa cân/ béo phì đang gia tăng theo tuổi, nữ giới cao hơn so với nam giới, ở thành thị cao hơn so với ở nông thôn (32,5% và 13,8%).

PGS Lâm khuyến khích mỗi người tự tính chỉ số BMI để đánh giá tình trạng béo phì của mình. Chỉ số BMI được tính bằng cân nặng của bạn (kg) chia cho bình phương chiều cao (mét hoặc cm). Trong đó, chiều cao tính bằng m và cân nặng tính bằng kg. Với người Việt Nam, chỉ số BMI trên 23 là mức độ thừa cân.

Ngoài ra, có thể nhận biết béo phì qua việc tích tụ mỡ khắp cơ thể, đặc biệt tại vùng eo, bụng, đùi... Các nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này phải kể đến chế độ ăn uống không lành mạnh; lười vận động; sử dụng nhiều chất kích thích, rượu bia; căng thẳng, stress thường xuyên; bệnh rối loạn hoocmon, di truyền…

Chế độ ăn giàu lipid hoặc có đậm độ nhiệt cao dẫn đến béo phì. Khi vào cơ thể, các chất protid, lipid, glucid dễ trở thành chất béo dự trữ. Những thức ăn có hàm lượng mỡ cao có vẻ làm ngon miệng khiến chúng ta ăn nhiều, dễ ăn thừa. Trong khi đó, đa số người Việt có hoạt động thể lực kém, lười tập luyện thể dục thể thao khiến cho thừa cân, béo phì là vấn đề đáng ngại.

Để phòng ngừa và kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm tư vấn, cần duy trì chế độ ăn lành mạnh và tăng cường vận động thể lực, ít nhất 30 phút/ngày, giữ lối sống năng động.

Nên tránh tất cả các thực phẩm có nhiều chất béo, nhiều cholesterol. Tăng cường sử dụng gluxit có nhiều chất xơ như bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ... Cần chú ý bổ sung vitamin và khoáng chất.

Tăng cường rau xanh 400g/ngày, quả chín 100-300g/ngày. Hạn chế muối ăn nên < 5g/ngày. Uống nhiều nước và nên tránh các thức ăn giàu năng lượng như đường mật, mứt, kẹo, bánh ngọt, chocolate, nước ngọt, các loại trái cây ngọt nhiều đường...

Về trào lưu ăn Keto, PGS Lâm cho biết đây là phương pháp giảm cân nhờ vào chế độ ăn kiêng làm giảm thiểu lượng carb trong cơ thể, chuyển hóa chất béo thành ketone và thải ra qua đường nước tiểu. Phương pháp này được áp dụng nhiều ở Nhật và đang rất được chị em ưa chuộng.

Tuy nhiên, PGS Lâm khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi áp dụng các phương pháp giảm béo vì nếu nhịn ăn để giảm cân thì cơ thể dễ duy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng, suy sụp nhanh. Trong khi nếu dùng các thuốc giảm cân thần tốc, không rõ nguồn gốc dễ dẫn đến giảm cân do mất nước, giảm khối cơ, rối loạn điện giải và nước...

GS.TS Đào Văn Phan, Nguyên Trưởng Bộ môn Dược lý, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết trên thị trường cơ quan chức năng đã từng thu hồi các sản phẩm thực phẩm chức năng giảm cân quảng cáo là thảo dược nhưng lại chứa thuốc chống béo phì như sibutramine.

Sibutramine là một loại thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn, là hoạt chất có tác dụng giúp những người béo phì giảm cân, nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với người tiêu dùng, nhất là người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp do gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch và bị cấm sử dụng.

Vì thế, GS Phan khuyến cáo chị em để giảm cân nên điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường tập luyện thể dục. Theo nguyên tắc năng lượng nạp vào ít hơn năng lượng tiêu hao sẽ giảm được cân nặng. Nếu sử dụng các sản phẩm giảm cân cần lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Hiện nay nhiều dược liệu của Việt Nam từ cao lá sen, trà đen, trà xanh... đều được ứng dụng giúp chuyển hoá chất béo, hỗ trợ giảm cân.

Theo Hồng Hải/ dantri.com.vn

 

 

Tệp đính kèm