Cập nhật: 27/09/2019 15:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em trên mạng xã hội như: bị đe dọa, bôi nhọ, xúc phạm đang diễn ra nhức nhối đáng báo động.

Trong khuôn khổ “Diễn đàn một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 2019” do Văn phòng Quốc hội tổ chức tại thành phố Huế, sáng 27/9, các đại biểu bàn thảo về văn hóa xã hội. Bạo lực học đường, trẻ em bị xâm hại tình dục, gian lận trong thi cử, đạo đức học đường xuống cấp là những nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận.

Một vụ bạo lực học đường được đưa lên mạng xã hội. (Ảnh minh họa)

Theo Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam, trong 2 năm 2017- 2018, cả nước xảy ra gần 3.000 vụ với 3.400 đối tượng trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục chiếm đến 50%. Các vụ xâm hại tình dục có độ tuổi nhỏ, trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm 6,8%. Các trường phổ thông dân tộc nội trú tiềm ẩn những nguy cơ xâm hại trẻ em và xâm hại tình dục càng cao. Trong khi đó, cơ chế bảo vệ, hướng dẫn kiểm tra, giám sát chất lượng chăm sóc và bảo vệ trẻ em tại các cơ sở giáo dục nội trú chưa được quan tâm. Tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em trên mạng xã hội như: bị đe dọa, bôi nhọ, xúc phạm đang diễn ra nhức nhối đáng báo động.

Theo bà Hoàng Thị Tây Ninh, chuyên viên Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam, bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng nhức nhối, trong khi công tác chăm sóc, bảo vệ còn hạn chế. Hiện nay, cả nước mới có 5% số xã, phường có cán bộ chuyên trách bảo vệ trẻ em.

Luật Trẻ em năm 2016 quy định, trẻ em là người dưới 16 tuổi, còn nhóm từ 16 đến dưới 18 tuổi chưa được xem là trẻ em thì chưa phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em - CRC, chưa được quan tâm đầy đủ. Ngân sách bố trí thực hiện quyền trẻ em hạn chế, đặc biệt là các tỉnh nghèo, miền núi…Theo bà Hoàng Thị Tây Ninh, Luật cần sửa đổi một số qui định, trong đó cần nâng độ tuổi trẻ em dưới 18 tuổi thay vì dưới 16 tuổi như hiện nay.

Bạo lực học đường, trẻ em bị xâm hại tình dục...là những nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận.

“Cần tiến hành sửa đổi một số văn bản pháp luật về độ tuổi của trẻ em, chúng tôi rất là mong Quốc hội sẽ đưa ra, trong đó sẽ qui định trẻ em phải là người dưới 18 tuổi. Người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên vẫn cần phụ thuộc của gia đình và người giám hộ. Cần có các biện pháp đảm bảo lồng ghép các chỉ tiêu, chỉ số về trẻ em trong các văn bản kế hoạch chiến lược cấp quốc gia và địa phương như là yêu cầu cần thiết để vấn đề trẻ em được quan tâm đầy đủ”- bà Hoàng Thị Tây Ninh cho biết.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội nói chung và đạo đức học đường nói riêng, ngày càng bức xúc. Chất lượng đào tạo không thực, nền giáo dục dựa vào chất lượng điểm số đã không còn thật, dẫn đến đổ vỡ niềm tin về chất lượng giáo dục…

Theo Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đức Viên, sự gian lận trong thi cử cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy giảm niềm tin, đạo đức học đường xuống cấp. Thậm chí, nhiều Giáo sư, Tiến sỹ cũng gian lận, đạo văn khi làm luận án dẫn đến kiện tụng, tranh chấp nhưng lại đứng trên bục giảng để giảng dạy, vô tình nuôi dưỡng sự giả đối đối với thế hệ trẻ.

“Xuống cấp trong đạo đức xã hội nói chung và trong môi trường học đường nói riêng đã trở nên bức xúc, làm đổ vỡ niềm tin. Điều đó phản ánh thực trạng, gian lận thi cử đến mức báo động đỏ, nếu không chúng ta sẽ có một thế hệ mới giả dối. Bản chất con người là hướng thiện, phải hướng cái thiện càng ngày càng nhiều hơn. Mục đích của giáo dục là đào tạo con người có tự trọng, hướng thiện, phát triển tối đa trí thông minh, nhân cách, phẩm hạnh, có tư duy độc lập và dám tin vào chân lý”- GS-TS Trần Đức Viên cho biết./.

Theo Đình Thiệu-Lê Hiếu/VOV.VN

Tệp đính kèm