Hơn 140 giáo sư, nghệ sĩ cùng các giảng viên, sinh viên chuyên ngành sân khấu biểu diễn đến từ 19 trường nghệ thuật sân khấu, thuộc 16 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã hội ngộ về Hà Nội tham gia Liên hoan Sân khấu - Du lịch quốc tế.
Nhận lời mời của đạo diễn Lê Quý Dương - Ủy viên BCH Hiệp hội Sân khấu Thế giới, Chủ tịch Diễn đàn Festival Quốc tế - ITI/UNESCO, 19 trường nghệ thuật sân khấu, thuộc 16 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã cùng hội ngộ về Hà Nội trong chương trình Sân khấu - Du lịch quốc tế với chủ đề "Hội ngộ Hà Nội".
Đây là một trong những sự kiện ý nghĩa mà các nghệ sĩ muốn dành tặng cho Hà Nội nhân dịp kỉ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 2019) và 20 năm được công nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình".
Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ về chương trình Liên hoan Sân khấu – Du lịch đã diễn ra từ ngày 23-28/9.
Đây cũng là lần đầu tiên tại Hà Nội, nhiều sinh viên sân khấu biểu diễn xuất sắc được tuyển chọn từ 19 trường nghệ thuật trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với những nét truyền thống văn hóa hết sức khác nhau cùng hội nhập với sự thân thiện, chuyên nghiệp và sáng tạo.
Với chủ đề "Hội ngộ Hà Nội", liên hoan vừa kết thúc sau một tuần làm việc với lịch diễn dày đặc, thành viên của các trường nghệ thuật sân khấu quốc tế đã giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy và học tập chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn. Đặc biệt, các buổi giao lưu về kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và hiệu ứng hình ảnh sân khấu, phương pháp tổ chức thị trường cho một vở diễn sân khấu, cách tiếp cận và sáng tạo các chương trình giao lưu sân khấu quốc tế cộng hợp nhiều bản sắc văn hóa, đã diễn ra hết sức sôi nổi và lý thú.
Nét văn hóa của mỗi quốc gia mang đậm phong cách riêng trên sân khấu tại Liên hoan.
Một trong những nội dung đặc sắc của cuộc hội ngộ liên hoan lần này là việc trao đổi chuyên môn sâu qua các bài tập mẫu của từng trường, giúp các thành viên có thể hình dung ra bức tranh tổng thể của công tác giảng dạy và học tập chuyên ngành sân khấu biểu diễn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiện nay.
"Các bài tập thực hành và phát triển kỹ năng mẫu đã thể hiện trong chương trình đào tạo của từng trường. Quan niệm truyền thống sân khấu phải diễn ra trong nhà hát và chỉ có nhà hát mới có nghệ thuật sân khấu đã được thay thế bằng một thông điệp hiện đại hơn: Ở bất cứ nơi đâu có người nghệ sĩ sân khấu với tài năng, lòng đam mê, sự tôn trọng khán giả và truyền thống văn hóa thì ở đó sẽ có nghệ thuật sân khấu xuất hiện. Những không gian của phòng ăn, phòng họp, sân vườn, sảnh khách sạn đã được các thành viên với năng lực thích nghi đầy sáng tạo biến hóa thành những không gian thể hiện các kỹ năng sân khấu vô cùng độc đáo và mới lạ", đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ.
Giáo sư Tobias Biancone, Tổng Giám đốc Hiệp hội Sân khấu Thế giới ITI, đồng thời là Chủ tịch mạng lưới Giáo dục và Đào tạo Toàn cầu của UNESCO bày tỏ: "Tôi đã tham dự Festival các trường Nghệ thuật Sân khấu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại TP. HCM. Điều này đã làm thay đổi nhận thức của tôi và trở thành một bước ngoặt to lớn đối với Hiệp hội Sân khấu Thế giới. Qua các buổi trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và các bài biểu diễn thực hành được tổ chức và dàn dựng rất sáng tạo, tôi nhận ra một Châu Á - Thái Bình Dương với sự giàu có và đa dạng về về văn hóa, đặc biệt là sân khấu biểu diễn. Ngay sau đó, Hiệp hội Sân khấu Thế giới đã lên chương trình thành lập văn phòng tại Thượng Hải và điều này đã làm nên lịch sử khi sân khấu Châu Á - Thái Bình Dương thực sự cần xuất hiện trong toàn cảnh sân khấu thế giới".
Các nghệ sĩ quốc tế đã có nhiều hoạt động giao lưu và chia sẻ đầy ý nghĩa.
Trong thời gian tham dự Liên hoan tại Hà Nội, trên 140 đại biểu của Hiệp hội Các trường Nghệ thuật Sân khấu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APB - Asia - Pacific Bond Theatre Schools) đã thích thú khi xem chương trình múa rối nước truyền thống tại Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội).
Các nghệ sĩ diễn viên của Nhà hát Múa rối Thăng Long và các sinh viên của đạo diễn Lê Quý Dương đã giao lưu với các giảng viên và sinh viên của các trường sân khấu, giới thiệu nghệ thuật múa rối truyền thống Việt Nam và cùng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng biểu diễn với các đồng nghiệp quốc tế.
Các thành viên trong đoàn cũng đi thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử và đặc biệt ấn tượng khi đến thăm Văn Miếu - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Một số đoàn đã ở lại đi thăm vịnh Hạ Long, thăm cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.
Theo Nguyễn Hằng/dantri.com.vn