Chúng ta nói nhiều đến chuyện chảy máu chất xám, nhân tài Việt đi học ở nước ngoài không về để phát triển đất nước. Nhưng có một thực tiễn không ai nói đến chuyện mỗi năm vài trăm nghìn sinh viên đến Hà Nội, TPHCM học không trở lại quê hương sau khi tốt nghiệp.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng phát biểu về vấn đề những thay đổi chính sách tác động đến giáo dục công - tư
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT chia sẻ băn khoăn này khi nhắc đến chủ đề “Thay đổi chính sách tác động đến giáo dục công - tư” tại Hội nghị Giáo dục năm 2019 diễn ra mới đây tại TP.HCM. Hội nghị có hàng trăm khách trong và ngoài nước quan tâm đến giáo dục tham dự.
Trong 20 năm tỷ lệ sinh viên ngoài công lập gần như không thay đổi
Theo TS Lê Trường Tùng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, với ngân sách hạn chế và mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì việc tăng chi phí trên đầu người học là hết sức cần thiết. Như vậy việc tham gia của giáo dục ngoài công lập (NCL) là một điều tất yếu. Theo ông Tùng, bức tranh hiện nay và tương lai vẫn chưa lạc quan cho giáo dục NCL, thậm chí có thể nói hệ thống NCL dường như chỉ mang tính chất trang trí thêm cho giáo dục công lập mà thôi.
Bức tranh giáo dục trong 20 năm qua được TS Lê Trường Tùng phân tích
Điểm lại bức tranh giáo dục trong 20 năm qua, ông Tùng cho biết, đến năm 2019, có 5 trường ĐH có vốn đầu tư nước ngoài trên tổng số hơn 200 trường ĐH trong cả nước. Mặc dù con số rất nhỏ nhưng vẫn có những điểm sáng với việc triển khai các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài với các trường ĐH Việt Nam. Đến nay có trên 500 chương trình liên kết với khoảng 200 trường nước ngoài trong số đó có những trường trong top 500 của thế giới.
Nếu xét toàn bộ hệ thống giáo dục từ phổ thông đến ĐH thì tỷ trọng NCL hiện nay, đối với số lượng trường thì chiếm khoảng 7% là NCL; còn xét trên số lượng học sinh, sinh viên thì khoảng 6% NCL. Tuy nhiên xét riêng phổ thông thì tỷ lệ còn thấp hơn rất nhiều với con số cụ thể (cả về số trường lẫn số người học) là NCL chỉ chiếm dưới 2% còn trên 98% là công lập.
"Tỷ trọng sinh viên tư thục gần như không thay đổi trong vòng 20 năm qua. Trong đó, tỷ lệ sinh viên ĐH tư năm 1999 chiếm 13,3% thì năm 2019 là 13,8%. Những con số này rất thấp so với trung bình của thế giới và khu vực. Việt Nam là một mô hình tương đối đặc biệt trên thế giới vì không phải là nước kém phát triển hay quá giàu có nhưng nhà nước vẫn “bao sân” cho giáo dục”, ông Tùng nói.
Ông Tùng cho rằng Nghị quyết 14/2005/NQ-CP đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH VN 2005-2020 đã đặt chỉ tiêu đạt 200 sinh viên/1 vạn dân (2010), 450 sinh viên/1 vạn dân (năm 2020) và 40% sinh viên NCL. Tuy nhiên thực tế thì mới đạt hơn 13%, như vậy còn cách rất xa mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, chính sách trong thời gian vừa qua rất lúng túng giữa vấn đề tăng hay không tăng hệ thống NCL.
Quy hoạch các trường ĐH ở địa phương để không phát triển lệch
Để tháo gỡ những vướn mắc của giáo dục ĐH nói chung và trường công - tư nói riêng, ông Lê Trường Tùng nêu lên hàng loạt kiến nghị. Trong đó, theo ông Tùng về chính sách cần thay cho những chỉ tiêu (được đưa ra trong các kế hoạch, chiến lược) là số sinh viên/1 vạn dân và chuyển thành số sinh viên/số người học trong độ tuổi sau phổ thông (tuổi từ 18-23). Đồng thời, đâu là chỉ tiêu để xác định chất lượng thì một trong những yếu tố quan trọng là tính được tổng chi phí cho một người học/cấp học/năm.
Những kiến nghị của ông Tùng đối với chính sách giáo dục Việt Nam
"Chúng tôi ước tính chi phí cho một sinh viên ĐH ở các nước phát triển khoảng 20.000 USD/năm, còn Việt Nam chỉ bằng 10% con số ấy. Chúng ta có thể tiêu pha tiết kiệm nhưng với nguồn lực rất thấp như hiện nay thì thật nghịch lý khi Việt Nam đang cung cấp chi phí (không phải là học phí) cho giáo dục gần như thấp nhất thế giới nên chúng ta không thể xuất khẩu sang nơi nào”, ông Tùng nói.
Còn ở góc độ quy hoạch, TS Tùng chia sẻ: "Chúng ta nói nhiều đến dịch chuyển nhân lực, chảy máu chất xám, thanh niên Việt Nam đi học ở các nước khác mà không về để phát triển đất nước. Nhưng có một thực tiễn không ai nói đến chuyện có sự “dịch chuyển chất xám” ngay giữa các địa phương đến các thành phố lớn ở ngay tại Việt Nam. Hàng năm vài trăm nghìn sinh viên đến Hà Nội, TPHCM học ĐH và đa số không trở lại quê hương sau khi tốt nghiệp. Điều đó dẫn đến tình trạng 63 tỉnh thành của Việt Nam thì chỉ độ 20 tỉnh thành là đủ thu chi cân đối còn lại các tỉnh khác đều chi nhiều hơn là thu. Đồng thời rất khỏ khăn để tính bài toán phát triển kinh tế khi không có nguồn lực. Vấn đề là cơ sở giáo dục phải làm thế nào để gắn với việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.
TS Lê Trường Tùng là một trong các diễn giả có phân tích và kiến nghị đóng góp cho giáo dục Việt Nam trong Hội nghị Giáo dục năm 2019
Chính vì thế, ông Tùng bày tỏ e ngại với những quan điểm "không nên phát triển ĐH ở các địa phương”, điều này dẫn đến chuyện tiếp tục phát triển lệch về các thành phố lớn.
Để phát triển thêm trường tư, ông Tùng cho rằng nên bổ sung thêm mô hình PPP (Public Private Partnership) hiểu theo nghĩa công đầu tư còn tư vận hành và ngược lại, hoặc các mô hình mới phù hợp với thời buổi chuyển sang công nghệ số như công nhận và chuyển đổi tính chỉ hoặc học mà không đến trường.
Ông Tùng cho rằng không riêng Việt Nam mà ở nhiều nước cũng rơi vào tình trạng "sức ì" khiến giáo dục luôn đi sau những thay đổi nhanh chóng của các lĩnh vực kinh tế xã hội khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ số thì đây là cơ hội để giáo dục có thể thay đổi nhanh chóng hơn về công nghệ thông tin, công nghệ giáo dục và quản lý để vượt lên đi trước. Nếu có chính sách phù hợp kèm theo sự năng động của giáo dục NCL thì khả năng sẽ hiện thực hoá mục tiêu phát triển giáo dục hơn nữa.
Còn xét riêng tương quan công và tư, ông Tùng cho rằng nên chăng giảm tỷ lệ trường và sinh viên trường công. “Rất khó để tăng trường tư nhưng nhà nước hoàn toàn có thể chủ động trong chính sách giảm trường công mà không phải làm gì nhiều”. Đồng thời để bình đẳng hơn, nhà nước chỉ cần phân biệt trường công do nhà nước đầu tư, trường tư do thành phần ngoài nhà nước đầu tư, và cả hai đều phải hoạt động trên cùng một quy định.
Theo Lê Phương/dantri.com.vn