Tại thành phố Hải Dương, những năm qua, một số làng nghề truyền thống vẫn được duy trì và thậm chí ngày càng hưng thịnh, mang lại cuộc sống no đủ cho người dân địa phương.
Bên cạnh những nhà đầu tư máy móc hiện đại, tại Làng nghề bánh đa Lộ Cương, vẫn còn nhiều gia đình sản xuất quy mô nhỏ với phương pháp truyền thống. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
Trong khi nhiều nơi, đô thị hóa khiến không ít làng nghề bị mai một thì tại thành phố Hải Dương, những năm qua, một số làng nghề truyền thống vẫn được duy trì và thậm chí ngày càng hưng thịnh, mang lại cuộc sống no đủ cho người dân địa phương.
"Sống khỏe” với nghề truyền thống
Làng nghề bánh đa Lộ Cương (phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đã có từ lâu đời. Trước kia, tất cả các công đoạn xay bột, tráng bánh, phơi bánh, cắt bánh đều làm hoàn toàn thủ công thì mấy năm trở lại đây, máy móc hiện đại đã được ứng dụng ngày càng nhiều.
Hiện nay, phường Tứ Minh có khoảng 140 hộ làm nghề, tập trung ở thôn Lộ Cương A và Lộ Cương B.
Bên cạnh những gia đình vẫn sản xuất theo phương thức cũ thì vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều hộ sản xuất đầu tư hệ thống máy liên hoàn, khép kín từ khâu làm bột, hấp bánh, sấy bánh và cho ra thành phẩm là những phên bánh mỏng đã được sấy khô. Người thợ chỉ việc chuyển những phên bánh sang máy cắt thành sợi nhỏ.
So với cách làm cũ, việc sử dụng máy làm bánh liên hoàn như hiện nay giúp năng suất cao gấp 10 lần.
Trước kia, nếu làm thủ công mỗi ngày, các hộ làm nghề chỉ sản xuất được 2-3 tạ gạo, phụ thuộc vào thời tiết. Còn hiện nay, mỗi máy liên hoàn sản xuất được khoảng 2-3 tấn gạo mỗi ngày và có thể làm quanh năm.
Chị Liên, chủ cơ sở sản xuất bánh đa Bảo Liên cho biết, với máy liên hoàn, 1 tấn gạo có thể cho 9 tạ bánh thành phẩm. Mỗi ngày, trung bình gia đình chị sản xuất từ 2-3 tấn gạo. Cao điểm vào hai tháng sát Tết, cơ sở này hoạt động liên tục 24/24 giờ và lúc cao điểm có thể đạt 3,3 tấn gạo/ngày.
Nghề làm bánh đa đã và đang giúp đời sống nhiều hộ dân làng nghề ngày một khấm khá. Chị Liên, chủ cơ sở sản xuất Bảo Liên, cho biết trung bình mỗi tháng, thu nhập từ làm bánh mang lại cho gia đình đạt khoảng 60-70 triệu đồng.
Gia đình chị thuê thêm 12 lao động, mỗi tháng 8-10 triệu đồng/người tùy vị trí công việc, cao điểm, lao động làm thường xuyên có thể thu nhập 13 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh những nhà đầu tư máy móc hiện đại, tại Làng nghề bánh đa Lộ Cương, vẫn còn nhiều gia đình sản xuất quy mô nhỏ với phương pháp truyền thống. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
Năm 2018, thành phố Hải Dương và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hải Dương đã phối hợp xây dựng nhãn hiệu tập thể bánh đa Lộ Cương, góp phần khẳng định thương hiệu và chất lượng sản phẩm làng nghề, thuận lợi cho việc mở mang thị trường sản phẩm trong thời gian tới.
Tương tự, làng nghề mộc Đức Minh (phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương) những năm gần đây cũng có bước phát triển vượt bậc.
Thuở sơ khai gần 100 năm về trước, ông Tổ làng nghề mộc Đức Minh tên là Phạm Văn Móng đã có công gây dựng nền móng cho làng nghề như hiện nay. Toàn phường hiện có khoảng 140 hộ biết làm nghề và hoạt động theo mô hình nhóm thợ tại 80 xưởng mộc.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Thanh Bình, cho biết sản phẩm mộc của làng nghề Mộc Đức Minh chủ yếu là các đồ mộc dân dụng như: bàn, ghế, giường, tủ, chạn, khuôn bao cửa. Đồ mộc Đức Minh hôm nay đến với người tiêu dùng ở hầu hết khắp các tỉnh phía Bắc.
Từ chỗ sản xuất với dụng cụ thô sơ, đến nay, người dân đã đầu tư trang bị hàng loạt máy móc hiện đại. Ông Nguyễn Xuân Cách, người có thâm niên gần 50 năm gắn bó với nghề mộc ở Đức Minh cho biết: “Xưởng nhà tôi có đủ loại máy hiện đại, nhập khẩu từ Nhật Bản như máy đục, máy phay, máy rọc, máy bào, máy mài, máy cuốn. Tháng nào nhà tôi cũng có công trình, làm không hết việc, nhất là 4 tháng trước Tết. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng lãi khoảng 70 triệu đồng.”
Cải thiện môi trường
Cũng như nhiều làng nghề khác, quá trình hoạt động ở những làng nghề trong lòng thành phố Hải Dương không tránh khỏi những bất cập về môi trường ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt người dân khu vực làng nghề.
Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh, thực tế sản xuất nghề mộc ở phường Tứ Minh khó tránh khỏi việc phát tán bụi gỗ và tiếng ồn, mùi sơn gỗ. Quan điểm của địa phương là giữ gìn làng nghề, nâng cao giá trị sản phẩm, khuyến khích người dân quan tâm sản xuất song song với giữ môi trường.
“Phường cũng muốn có quy hoạch một khu riêng cho các xưởng sản xuất tách khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, quỹ đất hiện không đáp ứng được,” ông Tĩnh chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Cách, người có thâm niên gần 50 năm gắn bó với nghề mộc ở Đức Minh đầu tư máy thu gom bụi, mùn cưa để góp phần giảm phát thải bụi gỗ từ sản xuất ra môi trường. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
Hiện tại, địa phương một mặt tăng cường nhắc nhở các hộ làm nghề nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho mình, mặt khác, bảo đảm giảm thiểu việc phát tán bụi, tiếng ồn ra môi trường xung quanh.
Thực hiện khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhiều hộ dân đã đầu tư máy thu gom mùn cưa, giảm thiểu phát tán bụi gỗ, đồng thời xây dựng tường bao xung quanh xưởng sản xuất.
Trước mắt, việc giảm số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cũng đã góp phần hạn chế phát sinh các yếu tố có nguy cơ ô nhiễm. Ông Nguyễn Đức Vang, Trưởng khu dân cư số 5 phường Thanh Bình cho biết: “Trước kia, gia đình tôi cũng làm riêng tại nhà nhưng sau này vì không gian sản xuất trong nhà hẹp, khó đảm bảo điều kiện sản xuất và môi trường nên tôi đã chuyển sang làm công cho xưởng quy mô lớn hơn. Một số hộ sản xuất quy mô nhỏ cũng theo hướng đi này.”
Việc hạn chế ô nhiễm trong quá trình phát triển làng nghề bánh đa cũng là trăn trở của phường Tứ Minh. Ông Trần Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy phường Tứ Minh cho biết phường đang nghiên cứu cải tạo hệ thống thoát nước thải trên địa bàn thay về mương đất như hiện nay. Phường cũng vận động người dân sử dụng lò hơi công nghệ mới có thể thu gom triệt để khí thải trong quá trình sản xuất, tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ...
Ông Trần Hồ Đăng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Dương cho biết: “Chủ trương của thành phố hiện nay là di dời các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, đối với các làng nghề truyền thống là giữ nguyên trạng, quy mô và tập trung hỗ trợ, khuyến khích các hộ sản xuất kinh doanh đổi mới công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; đồng thời, Thành phố cũng đang cân đối nguồn vốn; trong đó, có vốn vay ODA để thực hiện dự án “Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - thành phố Hải Dương.”
Dự kiến, năm 2020 sẽ triển khai dự án; trong đó, có nội dung xử lý nước thải và hệ thống thoát nước cho khu vực phía Tây thành phố, nơi có làng nghề bánh đa Lộ Cương và làng nghề mộc Đức Minh.
Sau khi dự án hoàn thành, hy vọng sẽ góp phần cải thiện vấn đề về nước thải cho các làng nghề. Tuy nhiên, để giữ được môi trường làng nghề phát triển bền vững, đòi hỏi cơ quan chức năng cần có những chương trình tập huấn, tìm hướng đi và công nghệ phù hợp để các làng nghề phát triển theo hướng vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu trên thị trường, đưa sản phẩm làng nghề ngày càng vươn xa, đồng thời vẫn bảo đảm được môi trường./.
Theo Mạnh Minh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/suc-song-moi-o-nhung-lang-nghe-trong-thanh-pho/603974.vnp