Theo GS, TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, quá trình mang thai bà mẹ, dinh dưỡng bà mẹ, tình trạng dinh dưỡng và phát triển trẻ trong 1.000 ngày đầu đời có mối liên quan chặt chẽ với nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong suốt cuộc đời.
(Ảnh minh họa)
GS, TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, tiền thụ thai và mang thai chiếm 70% sức khỏe tương lai mỗi cá nhân. Do đó, giai đoạn 1.000 ngày đầu đời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phòng bệnh không lây nhiễm suốt đời. Ở giai đoạn tiền sản, thiếu bổ sung vi chất dinh dưỡng cho mẹ, cân nặng thấp khi sinh dẫn đến các bệnh không lây nhiễm sau này. Giai đoạn trẻ sơ sinh, nếu cho con bú và cho ăn bổ sung thích hợp, sẽ làm giảm thừa cân, tiểu đường tuýp 2, cholesterol cao và huyết áp cao cho tương lai của trẻ.
Hệ vi khuẩn chí đường ruột có liên quan đặc biệt tới quá trình phát triển trong bào thai, khi sinh, sau sinh. Nó thiết lập chức năng miễn dịch trong cơ thể, chống lại bệnh tật, và nó cũng liên quan tới bệnh sinh các bệnh không lây nhiễm, ung thư, bệnh tâm thần, thoái hóa thần kinh tâm thần.
Theo GS, TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, có nhiều nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam trong 1.000 ngày đầu đời. “Hiện có 27,4% phụ nữ lứa tuổi sinh sản thiếu năng lượng trường diễn; 27% phụ nữ mang thai thiếu dinh dưỡng; BMI thấp 30% ở phụ nữ thành thị; 20% thiếu pr năng lượng; có 29,5% phụ nữ quá cân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tỷ lệ trẻ đẻ non, đẻ thấp cân, suy dinh dưỡng bào thai, suy dinh dưỡng, thấp còi nhẹ cân 14,5%, thấp còi 24,6%, thiếu máu 27,8%, thiếu kẽm 69,4%, thiếu vitamin A. Tình trạng trẻ béo phì chiếm 10-20% tại các thành thị lớn; tỷ lệ trẻ tăng động, dị tật bẩm sinh rối loạn chuyển hóa gia tăng", GS Khánh cho biết.
Viện Dinh dưỡng quốc gia nhấn mạnh, việc bổ sung dinh dưỡng không hợp lý gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Nghiên cứu của viện này năm 2012 cho thấy, chỉ 60% trẻ được bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh; chỉ 24,3% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu; chỉ 22% trẻ được bú mẹ đến 24 tháng tuổi; có 73% trẻ (6-24 tháng tuổi) được nuôi đúng đủ. Những điều này, sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ sau này.
Kết quả nghiên cứu của Lancet 2013 đã chứng minh, việc không cân bằng dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời sẽ gây hậu quả với trẻ khi còn bé bị suy dinh dưỡng nặng, dẫn đến 45% các ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, tương đương hơn ba triệu ca tử vong trẻ em mỗi năm trên toàn cầu. Đây là nguyên nhân tử vong chính đối với trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ cũng có hệ miễn dịch yếu hơn và có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm cao hơn bao gồm tiêu chảy và viêm phổi.
Hậu quả đối với sức khỏe lâu dài chính là dễ mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, béo phì… tạo ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế và bảo hiểm y tế trong suốt cuộc đời.
“Suy dinh dưỡng có liên quan đến giảm khả năng và năng suất lao động, làm giảm 10% thu nhập suốt đời, làm tăng trưởng kinh tế giảm ít nhất 8%”, nghiên cứu cho biết.
Vì thế, GS, TS Nguyễn Gia Khánh nhấn mạnh, giai đoạn đầu đời là giai đoạn cửa sổ có thể tác động thông qua chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, không những giúp trẻ có phát triển não bộ, thể chất tinh thần vận động, mà còn giảm các nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm trong suốt cuộc đời.
TRẦN NGUYÊN
Theo nhandan.com.vn