Cập nhật: 08/11/2019 08:41:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Gió lạnh tràn về cũng là lúc những cơn đau nhức xương khớp “trỗi dậy”: Đau lưng, đau vai gáy, tê cứng cổ, sưng khớp.

Buổi sáng thức dậy đã bao giờ bạn bị cứng khớp? Thông thường, bệnh xương khớp không có nhiều triệu chứng hay dấu hiệu nhận biết trong thời gian ủ bệnh; người bệnh chỉ tìm đến bác sĩ khi bị những cơn đau hành hạ. Và những cơn gió lạnh tràn về lại hành hạ ta bằng những cơn đau…

Điều gì khiến khớp đau nhức?

Nhóm tuổi được xác định mắc bệnh khớp nhiều nhất là sau tuổi 40, nhóm bệnh viêm khớp tăng cao nhất trong các bệnh lý của con người, hơn cả tim mạch và ung thư. Đặc biệt, thoái hóa khớp chiếm đến 50% trong nhóm bệnh viêm khớp. Tại Việt Nam, tỷ lệ người thoái hóa khớp trên 35 tuổi là 30%, trên 65 tuổi là 60% và trên 80 tuổi lên đến 85%.

Trong khi đó, kết quả một cuộc thăm dò đối với 1.000 người cao tuổi gặp vấn đề chung về bệnh tật lúc giao mùa cho thấy, cứ 10 người được hỏi thì có tới 8 người trả lời thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt làm cho các khớp xương của họ bị đau nhức. Với tỷ lệ này, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh khớp cao của khu vực và thế giới.

Gia tăng trương lực cơ chi đau cho người bệnh.

Cứng khớp lưng, đầu gối hoặc cứng khớp bàn chân là tình trạng than phiền rất phổ biến từ những người có tuổi. Người ta thường nói về hiện tượng này như là: “ Chỉ là già đi thôi mà” nhưng tuổi cao không phải là nguyên nhân gây khô cứng khớp vào mỗi buổi sáng. Nó thường là dấu hiệu chỉ ra việc các khớp bị mòn, căng cơ hoặc bị viêm khớp.

Khi khớp của bạn càng có “tuổi”, lớp đệm xốp của sụn bắt đầu khô và trở nên cứng lại. Khớp cũng sản xuất hoạt dịch ít đi, đây là loại chất lỏng để bôi trơn khớp. Yếu cơ hoặc cứng các gân cũng có xu hướng cứng khớp khi ngủ.

Phục hồi chức năng cho khớp

Cử động khớp: Khớp bất động lâu sẽ bị cứng do cơ co ngắn lại, bao khớp bị co rúm, bao hoạt dịch tăng sản mỡ, sụn bị mỏng. Do vậy cử động khớp là cách tốt để bơm cho dịch khớp ra vào, khớp được nuôi dưỡng và trở nên mềm mại, tốc độ cho một lần co duỗi là 45 giây, mỗi lần tập10 – 15 phút, ngày 4 – 6 lần.

Gia tăng lực cơ chi đau: Tập tăng sức căng của cơ (độ dài bó cơ không thay đổi, khớp không cử động), tập co cơ (sao cho khớp cử động, co cơ ngắn lại). Khi khớp cử động còn đau nhiều thì tập căng cơ, khi khớp đỡ đau thì tập co cơ.

Dùng nhiệt: Tác dụng của dùng nhiệt là giúp người bệnh giảm đau, giãn cơ, lưu thông tuần hoàn máu, tăng cường dinh dưỡng tuần hoàn tại chỗ, tăng cường sức mạnh của cơ,… Sau 4 tuần phẫu thuật có cứng, dính khớp gối hoặc cơ lực đùi yếu có thể hỗ trợ điều trị: sóng ngắn, hồng ngoại, điện phân, điện xung kích thích cơ.

Vận động trị liệu: Tùy vào tình trạng bệnh và mức độ tổn thương của khớp gối mà các bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh tập các bài tập vận động phù hợp. Khi chưa vận động được bệnh nhân sẽ được tập các bài tập thụ động có sự trợ giúp của bác sĩ và kỹ thuật viên. Khi người bệnh đã có thể vận động nhẹ thì sẽ được hướng dẫn tập các bài tập vận động chủ động như tập làm động tác trong sinh hoạt: đạp xe đạp, lên xuống cầu thang, bậc thềm nhà, tập ngồi xổm đứng lên...

ThS. Thái Thị Xuân - Giám đốc BV PHCN Nghệ An

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm