“Càng ngày, tôi càng thấy việc chạy huy chương vàng để lên Nghệ sĩ Nhân dân lộ lắm… Nhiều người được huy chương vàng trong các hội diễn chuyên nghiệp nhưng công chúng chẳng biết là ai”, NSND Thanh Hoa chia sẻ.
Ngày 11/11, Vụ Thi đua Khen thưởng - Bộ VHTT&DL đã tổ chức hội thảo Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT).
Tại sự kiện này, nhiều nghệ sĩ và nhà quản lý đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập khiến các mùa xét tặng danh hiệu vẫn xảy ra những ồn ào không đáng có.
Toàn cảnh hội thảo - hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.
NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, trong các tiêu chí để xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú bao giờ cũng có 4 tiêu chí. Ngoài tiêu chí chấp hành các chủ trương của Đảng và Nhà nước, có tài năng thực sự, có nhiều đóng góp cho lĩnh vực nghệ thuật mình hoạt động, được bạn bè yêu mến… thì còn phải đủ huy chương. Đã đủ huy chương sao lại còn có hội đồng để xét.
Nghệ sĩ Ưu tú khi có thêm 2 huy chương vàng, có đủ số năm cống hiến, không vi phạm gì thì lẽ gì không được vào danh sách xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Các thành viên hội đồng liệu có đủ khả năng, tư cách, trình độ thẩm định hay không?
Tôi thấy giữa hội đồng vênh với quy định xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Vì thế nên có sự điều chỉnh. Hội đồng chỉ đưa vào xét những trường hợp đặc biệt. Những người có đóng góp tích cực, cống hiến thì xét xem hội đồng ấy đồng ý hay không”.
NSND Lê Tiến Thọ đưa ra ví dụ, trong đợt xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 9 vừa qua, có nhiều nghệ sĩ trẻ, tài năng đã được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú gần 10 năm và trong các kỳ hội diễn được 3 huy chương vàng vẫn bị hội đồng bỏ phiếu “không đồng ý”. Với câu chuyện này, lý do gì để trả lời “Tại sao những người này không được danh hiệu?”.
“Vậy Nghị định với Hội đồng ai mạnh hơn?. Có những người ngồi trong hội đồng nhưng thù oán cá nhân hoặc thích người này không thích người kia thế là cả cuộc đời nghệ sĩ không có danh hiệu. Đó là những bất cập trong quá trình làm việc của các Hội đồng. Hội đồng chỉ xét những trường hợp đặc biệt, không nên xét những trường hợp người ta đã đủ rồi”, NSND Lê Tiến Thọ phát biểu thêm.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, việc quy đổi phần trăm huy chương, giải thưởng trong xét tặng danh hiệu hiện nay cũng khá máy móc. Nếu cứ lấy huy chương ra làm tiêu chí thì rất nhiều cuộc liên hoan, hội diễn... nghệ sĩ sẽ bằng mọi cách để có huy chương.
Quá nhiều huy chương khiến cho giá trị các danh hiệu này càng đi xuống. Giải thưởng trong nước còn thẩm định được, còn những giải thưởng quốc tế rất khó để thẩm định. Những giải thưởng đó không tạo ra hiệu ứng tích cực. Vì vậy, giá trị của danh hiệu đang có những vấn đề cần xem lại cho hợp lý hơn.
"Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân càng ngày càng xuống cấp vì vậy rất cần những quy định, tiêu chí cụ thể để ai được danh hiệu cũng đáng trân trọng”, NSND Thanh Hoa nói.
NSND Thanh Hoa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) chia sẻ, việc xét duyệt danh hiệu nghệ sĩ hiện nay còn có nhiều bất cập như việc xét đổi huy chương, không thể xét hai huy chương bạc cộng thành một huy chương vàng được. Nếu nghĩ danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú là một niềm tự hào thì phải cố gắng. Nếu chưa đủ tiêu chuẩn thì là nghệ sĩ có văn hóa phải thấy xấu hổ.
“Càng ngày, tôi càng thấy việc chạy huy chương vàng để lên Nghệ sĩ Nhân dân lộ lắm. Vì nhiều người còn chạy theo thành tích. Nhiều người được huy chương vàng trong các hội diễn chuyên nghiệp nhưng công chúng chẳng biết là ai. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân càng ngày càng xuống cấp vì vậy rất cần những quy định, tiêu chí cụ thể để ai được danh hiệu cũng đáng trân trọng”, NSND Thanh Hoa nói.
Theo giọng ca “Tàu anh qua núi”, cần phải có cái gì đó để khuyến khích các tài năng trẻ và những nghệ sĩ cả đời cống hiến thầm lặng. Những người cả đời chơi violin, đàn, trống, kèn, nhị… không bao giờ được xét dù họ cống hiến cả cuộc đời nhưng vì không được tham gia các vở diễn nên không có huy chương.
“Phải xác định lại Nghệ sĩ Nhân dân là cống hiến cho nhân dân hay trong ngành nghề. Trên cương vị nghệ sĩ biểu diễn, tôi thấy rằng, yếu tố được khán giả công nhận quan trọng hơn nhiều, lan tỏa hơn nhiều. Nghệ sĩ Nhân dân như vậy mới có thể ngẩng cao đầu”, NSND Thanh Hoa bày tỏ thêm.
NSND Ngô Văn Thành - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Việc xét danh hiệu quan trọng nhất vẫn dựa trên tiêu chí, hướng dẫn, thông tư, quy định. Thế nào là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú? Chúng ta đã tạo nên những hình ảnh của các khái niệm xuất sắc, xuất chúng, mang dấu ấn của đất nước, của một nền nghệ thuật, xứng đáng được nhân dân tôn vinh. Từ đó đưa ra định lượng
Không thể cộng năm tháng thành “Ưu tú”, tiết mục lại thành “Nhân dân”. Vai trò của cá nhân trong biểu diễn nghệ thuật nên tuyệt đối, mang lại ánh sáng cho vở diễn, quyết định đóng góp có cống hiến cho đất nước qua nghệ thuật hay không”.
NSND Ngô Văn Thành nhấn mạnh thêm, ông xúc động vì một số nghệ sĩ qua đời trước khi được nhận danh hiệu. Đây là một sự chậm chạp trong công tác phong tặng.
“Có những nhạc công cả đời thầm lặng làm nghề. Các hội đồng cần đề cao trách nhiệm của mình. Mỗi lĩnh vực nên biết cách tôn vinh nghệ sĩ của mình. Độc tấu violin, guitar thì trong lĩnh vực cần có tiêu chí riêng để tôn vinh. Từng ngành tôn vinh điểm sáng của mình, quy củ hơn cách xét huy chương như bây giờ”, NSND Ngô Văn Thành nói.
NSND Nguyễn Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn chia sẻ, việc quy đổi - góp nhặt huy chương, giải thưởng có gì đó không công bằng. Danh hiệu dành cho cá nhân, vì thế thành tích phải xuất chúng, góp nhặt thì không thể là đích thực được.
“Có một thực tế là nhiều người được danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân nhưng việc ảnh hưởng đến quần chúng là rất mờ nhạt, nhân dân không biết nghệ sĩ ấy là ai. Nếu cứ đủ huy chương là xét và 90% nghệ sĩ được xét duyệt là tỷ lệ khá cao. Điều đó khiến nhiều người nghĩ, việc trao giải này quá dễ dãi”.
Theo Hà Tùng Long/dantri.com.vn