Bệnh đái tháo đường không thể chữa lành nhưng người bị tiền đái tháo đường có thể trở lại bình thường. Bạn nên thay đổi lối sống, giảm cân, ăn uống hợp lý, bỏ thuốc, tập thể dục đều đặn mỗi ngày 30 phút, một tuần 150 phút, không được nghỉ quá 2 ngày.
Chia sẻ tại buổi họp báo nâng cao nhận thức tiền đái tháo đường diễn ra tại Hà Nội ngày 23/11, GS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam cho biết tỷ lệ mắc đái tháo đường trong cộng đồng gia tăng theo cấp số nhân sau từng thập kỷ. Bệnh là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, suy thận, gây cụt chi (chỉ sau tai nạn giao thông), nhồi máu cơ tim, đột quỵ, rối loạn nhận thức, giảm tuổi thọ…
Tuy nhiên, một vấn đề nhức nhối không kém là bệnh nhân thường trải qua thời kỳ tiền đái tháo đường trước khi mắc đái tháo đường mà không hề hay biết. Tiền đái tháo đường sẽ tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 trong vòng 5-10 năm hoặc sớm hơn.
GS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam
Vì thế, GS Dàng cho rằng đã đến lúc cần quan tâm nghiêm túc và đúng mức về tiền đái tháo đường.
Tiền đái tháo đường là tình trạng cơ thể có nồng độ đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán là bệnh đái tháo đường. Chỉ số đường huyết người mắc tiền đái tháo đường được xác định ở mức 100 - 125mg/dL so với mức <=90mg/dL ở người bình thường và mức >= 126mg/dL ở người mắc đái tháo đường.
Thống kê cho thấy tỷ lệ mắc tiền đái tháo đường tại Việt Nam cũng gia tăng rất nhanh, gần gấp đôi trong vòng 10 năm.
Có đến 11% những người bị tiền đái tháo đường sau một năm trở thành thành đái tháo đường, 15-30% thì sau 5 năm. 70% những người tiền đái tháo đường trong suốt cuộc đời sẽ biến thành đái tháo đường. Đặc biệt là những phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ, sau khi sinh đường huyết trở về bình thường nhưng vẫn có đến 60% có thể bị đái tháo đường trong 5-10 năm tới.
Tỷ lệ mắc đái tháo đường và tiền đái tháo đường tại Việt Nam.
90% các trường hợp mắc đái tháo đường tuýp 2 không có triệu chứng gì. Thông thường một người khi được chẩn đoán mắc bệnh thì đồng nghĩa đã bị bệnh từ khoảng 5 năm trước đó. Và 10 năm trước họ đã có giai đoạn tiền đái tháo đường. Tương tự những người bị tiền đái tháo đường cũng không có triệu chứng.
Theo GS Dàng không giống như mắc đái tháo đường, bị tiền đái tháo đường người bệnh vẫn còn cơ hội để thay đổi. Người bệnh có thể trở lại với mức đường huyết bình thường bằng cách thay đổi lối sống, giảm cân, tập luyện thể dục đều đặn, dinh dưỡng hợp lý, không ăn quá mức, ăn quá nhiều đồ ngọt… Nếu can thiệp không cải thiện sau 3-6 tháng có thể cần dùng thuốc hoặc sử dụng ngay từ đầu với một số đối tượng riêng biệt.
Những trường hợp nên tầm soát tiền đái tháo đường gồm người trên 45 tuổi, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, thừa cân béo phì, có kèm theo một trong các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình, thích đồ ngọt, phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang, tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, mỡ máu, lười vận động…
Sau buổi họp báo cũng diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ chương trình tầm soát tiền đái tháo đường vì phúc lợi bệnh nhân. Chương trình giúp chẩn đoán sớm tiền đái tháo đường ở những bệnh nhân có nguy cơ cao… Ngoài ra, chương trình cũng nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng về tiền đái tháo đường – giai đoạn nguy cơ trước khi tiến triển thành đái tháo đường để giúp người bệnh có thể phát hiện bệnh sớm, tiếp cận điều trị kịp thời và phòng ngừa tốt hơn.
Chương trình dự kiến thực hiện từ tháng 11/2019 cho đến năm 2020 trên 2.500 đối tượng nguy cơ cao tiền đái tháo đường tại 6 bệnh viện gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội.
Theo Nam Phương /dantri.com.vn