Hóa chất BPA trong đồ nhựa từ lâu đã được biết đến như một chất gây rối loạn nội tiết liên quan đến từ bất thường thai kỳ đến ung thư, bệnh tiểu đường và béo phì. Nghiên cứu mới đây cho thấy, chất này tồn tại trong cơ thể chúng ta ở mức độ cao gấp 44 lần so với công bố trước đây.
Sử dụng cốc nhựa chất BPA sẽ tồn dư nhiều trong cơ thể.
BPA là viết tắt của bisphenol A, là một hóa chất công nghiệp được sử dụng để sản xuất một số loại nhựa từ những năm 1960. BPA được tìm thấy trong nhựa polycarbonate và nhựa epoxy. Nhựa polycarbonate thường được sử dụng trong các thùng chứa thực phẩm và đồ uống như chai, cốc nước hoặc trong các mặt hàng tiêu dùng khác. Nhựa epoxy được sử dụng để phủ bên trong các sản phẩm kim loại, như lon thực phẩm, nắp chai và ống nước. Một số chất trám răng và vật liệu tổng hợp cũng có thể chứa BPA.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng BPA có thể thấm vào thực phẩm hoặc đồ uống từ các thùng chứa được làm bằng BPA. Tiếp xúc với BPA là một mối quan tâm vì ảnh hưởng sức khỏe có thể có của BPA đối với não và tuyến tiền liệt của thai nhi, trẻ sơ sinh và trẻ em. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi của trẻ em. Nghiên cứu bổ sung cho thấy mối liên hệ có thể có giữa BPA và huyết áp tăng.
Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã tuyên bố rằng sử dụng nhựa chứa BPA là an toàn vì nó luôn ở mức rất thấp trong một số thực phẩm. Đánh giá này dựa trên đánh giá của hàng trăm nghiên cứu.
Mới đây, nhà nghiên cứu Patricia Hunt, Đại học bang Washington cho biết, những tuyên bố này có thể được “dựa trên số đo không chính xác.”
Ông Hunt và các đồng nghiệp đã phát triển một cách đo nồng độ BPA chính xác hơn trong cơ thể bằng cách đo trực tiếp các chất chuyển hóa BPA trong nước tiểu. Họ đã tìm thấy mức độ BPA lên tới 44 lần so với mức được sử dụng làm cơ sở cho các quy định của FDA, dựa trên các phép đo gián tiếp.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy điều này đáng báo động, và họ cho rằng các quy định đối với một số chất khác cũng có thể dựa trên các phép đo không chính xác tương tự. Đó là các chất paraben sử dụng trong bảo quản mỹ phẩm, dược phẩm; chất benzophenone sử dụng trong son dưỡng môi, sơn móng tay và kem chống nắng; chất triclosan để kháng khuẩn và kháng nấm có trong một số sản phẩm tiêu dùng như kem đánh răng, xà phòng, chất tẩy rửa, đồ chơi và tẩy trùng trong phẫu thuật; chất phthalates hóa dẻo thường được thêm vào nhựa để tăng tính linh hoạt, trong suốt, độ bền và tuổi thọ. “Giả thuyết của chúng tôi là nếu điều này đúng với BPA, thì nó có thể đúng với tất cả các hóa chất khác được đo gián tiếp”, đồng tác giả Roy Gerona, trợ lý giáo sư tại Đại học California nói trong một tuyên bố.
Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục xem xét nghiên cứu các hóa chất đó, cũng như các hợp chất được sử dụng để thay thế BPA trong các sản phẩm được dán nhãn không chứa BPA và không phân hóa tương tự như BPA.
Theo HẢI PHONG/nhandan.com.vn