Nghề muối ba khía ở huyện Ngọc Hiển và nghề gác kèo ong ở các huyện U Minh và Trần Văn Thời, vừa được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ba khía sống dưới tán rừng ngập mặn. (Nguồn: camau.gov)
Ngày 24/12, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau, cho biết nghề muối ba khía ở huyện Ngọc Hiển và nghề gác kèo ong ở các huyện U Minh và Trần Văn Thời, vừa được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đây là cơ hội tốt để tỉnh tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời khai thác, phát triển du lịch.
Nghề gác kèo ong tự nhiên là một nghề truyền thống đã có từ rất lâu đời.
Nghề này gắn liền với sinh kế người dân và hệ sinh thái rừng tràm. Người dân U Minh Hạ đã thích nghi với vùng đất ngập nước và hệ sinh thái rừng tràm.
Nghề gác kèo ong phụ thuộc vào rừng tràm và hệ sinh thái đất ngập nước.
Nghề gác kèo ong U Minh Hạ cũng cần làm “đúng quy trình.” Theo các thợ rừng có kinh nghiệm, gác kèo ong tự nhiên thu hoạch mật 06 lần trong năm, từ 3-4 lần trong mùa khô (mùa hạn), từ 2-3 lần trong mùa mưa (mùa nước).
Trung bình, mỗi lần lấy mật (ăn ong), thu được từ 3-5 lít mật/tổ, có nhiều tổ ong lên đến hơn 10 lít mật.
Gác kèo ong cần phải có kỹ thuật, kinh nghiệm và bí quyết. Thông thường quy trình gác kèo ong được thực hiện qua nhiều bước như chuẩn bị kèo; chọn điểm gác kèo; gác kèo; kiểm tra kèo; khai thác mật ong (người địa phương gọi là ăn ong); vắt và bảo quản mật ong.
Tất cả các bước đều thực hiện rất công phu và đều có “bí quyết” để sao cho ong cho mật nhiều, ngon.
Theo Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Cà Mau, chính vì vậy, nghề truyền thống gác kèo ong cần phải được bảo tồn và phát triển, đặc biệt là tuyên truyền và truyền dạy quy trình kỹ thuật, kinh nghiệm, bí quyết gác kèo ong cho cộng đồng vùng rừng tràm U Minh Hạ.
Ban đầu, đây chỉ là các hoạt động riêng lẻ, sau phát triển thành lập tập đoàn làm nghề và hiện nay là liên kết lập tổ hợp tác, hợp tác xã; qua đó gắn hoạt động kinh tế với trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo chất lượng, uy tín sản phẩm mang thương hiệu mật ong U Minh Hạ.
Mùa “ăn nên làm ra” của người làm nghề gác kèo ong chủ yếu vào mùa khô. Chất lượng mật ong lúc này luôn nguyên chất, không bị ảnh hưởng bởi nước mưa nên giá bán tăng cao.
Mật ong U Minh Hạ lâu nay có tiếng trên thị trường vì hàm lượng dinh dưỡng cao, được ưu tiên dùng làm thuốc hay bồi bổ sức khỏe…
Nghề muối ba khía tập trung nhiều tại các huyện Năm Căn, Đầm Dơi hay Phú Tân…
Ba khía là một loài cua nhỏ sống tập trung ở vùng nước lợ, nước mặn. Đặc biệt, loài này sống nhiều nhất ở vùng bãi bùn nước lợ của Cà Mau. Đặc biệt nhất vẫn là con ba khía ở vùng Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển.
Do có ba dấu gạch ở trên lưng nên người ta mới gọi nó là con ba khía. Ba khía có hình dáng và kích cỡ như con cua đồng.
Con ba khía có thể ăn sống hoặc dùng để làm món mắm ba khía, ba khía rang, ba khía rim, ba khía hấp bia...
Ba khía là món ăn dân dã, đạm bạc thường xuất hiện trong các bữa cơm của người dân miền Tây.
Ba khía ngon là những con có kích cỡ nhỏ, nhiều gạch vì loại này thịt chắc. Đặc biệt, phải vào những ngày mưa thịt ba khía càng ngọt và chắc hơn.
Nhiều người thích ba khía ở Cà Mau vì họ cho rằng thịt ba khía ở đây chắc và thơm ngon hơn các nơi khác.
Tháng 10 là mùa ba khía. Khi đó, ba khía bám dày đặc trên các gốc cây trong rừng ngập mặn.
Món ba khía muối hay còn gọi là mắm ba khía mang đầy đủ nét đặc trưng về văn hóa ẩm thực của vùng đất phương Nam.
Tuy dân dã nhưng ba khía muối giờ đã trở thành món ăn được ưa thích, có mặt tại các nhà hàng sang trọng, nhiều thực khách lựa chọn vì cảm giác đến Cà Mau mà không ăn ba khía muối sẽ mất đi sự thú vị của chuyến đi.
Nghề muối ba khía được duy trì qua nhiều thế hệ cư dân vùng rừng ngập Cà Mau và được biến tấu với nhiều cách làm khác nhau.
Tuy nhiên, người dân vẫn giữ được nét làm nghề truyền thống và hương vị rất riêng, tạo nên thương hiệu đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Đất Mũi-Cà Mau.
Tỉnh Cà Mau có lợi thế riêng biệt được đánh giá là giàu tiềm năng về phát triển du lịch.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cũng đã có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Để thực hiện kế hoạch này, Cà Mau sẽ lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với các di sản: Lễ hội nghinh Ông-Sông Đốc (năm 2020), Lễ hội Đền thờ Vua Hùng (năm 2021), Nghề truyền thống làm tôm khô (năm 2022), Lễ vía Bà Thủy Long (năm 2023), Lễ vía Bà Thiên Hậu (năm 2024)./.
Theo Vietnam+
https://www.vietnamplus.vn/ca-mau-nghe-muoi-ba-khia-va-gac-keo-ong-thanh-di-san-van-hoa/614805.vnp