Cập nhật: 10/01/2020 10:16:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mất ngủ, khó ngủ dường như là nỗi sợ hãi mà rất nhiều bà bầu gặp phải, nhất là những người đang ở vào giai đoạn cuối thai kỳ.

Tình trạng mất ngủ, khó ngủ diễn ra thường xuyên sẽ làm cho các thai phụ cảm thấy rất mệt mỏi và khó chịu.

Nguyên nhân do đâu?

Thông thường, bà bầu sẽ ngủ nhiều hơn vào những tháng đầu của thai kỳ, khi cơ thể quá mệt mỏi do phải huy động máu và ôxy để hình thành nhau thai, nuôi dưỡng bào thai. Tuy nhiên, đến khoảng giữa và cuối thai kỳ, đa phần các bà mẹ tương lai đều gặp rắc rối khi tìm một giấc ngủ ngon. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng mất ngủ trong giai đoạn này như sau:

Thai nhi ngày một lớn hơn: Em bé ngày một phát triển, bụng bạn ngày càng to và khó tìm một tư thế ngủ thích hợp để cảm thấy thư giãn, thoải mái.

Nhịp tim tăng: Nhịp tim của bạn sẽ tăng để bơm máu nhiều hơn tới dạ con. Tim bạn phải làm việc mệt nhọc hơn bình thường rất nhiều.

Hô hấp: Giai đoạn đầu thai kỳ, do tác động của hormon khi mang thai làm hơi thở chậm và sâu, cảm giác hít thở khó khăn. Càng về sau càng khó thở hơn khi dạ con chiếm chỗ và ép lên cơ hoành khiến cử động của cơ hoành giảm bớt nên thai phụ càng phải thở sâu, thở nhiều hơn để lấy nhiều không khí chứa ôxy. Điều này làm khiến bà bầu càng cảm thấy khó chịu hơn, ảnh hưởng đến cả chất lượng nghỉ ngơi và giấc ngủ.

Tăng cường thực phẩm giàu vitamin B như các loại rau lá xanh, ngũ cốc nguyên cám có thể giúp bạn ngủ ngon.

Tiểu đêm và tăng lượng urê: Thận của bạn phải làm việc thêm 30-50% để lọc thêm khối lượng máu trong suốt quá trình mang bầu, kết quả là lượng urê tăng vọt và bàng quang chứa nhiều nước tiểu hơn. Hơn nữa, dạ con ngày một lớn và chèn ép bàng quang khiến bạn khó chịu và phải đi tiểu thường xuyên, kể cả ban đêm.

Đau lưng và chuột rút: Cơn chuột rút thường diễn ra đột ngột ở đùi, bắp chân, sau đó là cơn đau tại chỗ chuột rút làm bà bầu phải thức giấc vì đau. Tình trạng này thường diễn ra vào cuối thai kỳ. Hơn nữa, lưng và chân ngày càng phải chịu đựng sức nặng của em bé nên thai phụ dễ gặp phải chứng đau vùng lưng, đây là nguyên nhân phá vỡ giấc ngủ.

Lo âu và căng thẳng: Những lo lắng về tình trạng phát triển của thai nhi, về tình hình tài chính gia đình, các khó khăn trong công việc hay các mối quan hệ xã hội, quan hệ vợ chồng không như mong muốn... có thể là nguyên nhân gây mất ngủ ở bà bầu, nhất là khi bạn lại đem các vấn đề này lên giường ngủ.

Tiêu hóa: Cùng với thời gian, thai nhi ngày càng lớn hơn, ép vào dạ dày, đẩy thức ăn từ dạ dày trào ngược thực quản. Đồng thời, hệ tiêu hóa trong giai đoạn mang thai cũng hoạt động kém và yếu đi, dẫn đến thức ăn lưu lại trong dạ dày và ruột lâu hơn, gây chứng khó tiêu, ợ nóng và táo bón. Mọi việc sẽ càng tệ hơn vào những tháng cuối thai kỳ, khi thai nhi ngày càng lớn tạo lực ép ngày càng tăng cho dạ dày hoặc ruột già. Hơn nữa, việc bổ sung nhiều dưỡng chất trong thời gian mang thai khiến cơ thể bạn không thể hấp thụ hết cộng với những thay đổi hormon trong cơ thể gây ra những vấn đề về tiêu hóa trên và đương nhiên những triệu chứng này sẽ làm bạn khó tìm đến giấc ngủ, ngủ không sâu và mất ngủ.

Giải pháp nào giúp bà bầu dễ ngủ?

Chế độ dinh dưỡng: Thai phụ không ăn no trước khi đi ngủ, nên ăn tối trước lúc đi ngủ từ 2 - 3 giờ để cơ thể có thời gian tiêu hóa hết phần thức ăn. Tăng cường thực phẩm giàu vitamin B như các loại rau lá xanh, ngũ cốc nguyên cám có thể giúp bạn ngủ ngon. Nên chia bữa ăn làm nhiều bữa nhỏ, khi ăn nên ăn một cách chậm rãi, nhai kỹ để dạ dày không bị quá sức, tránh tình trạng ợ nóng. Hạn chế thức ăn có vị ngọt vì ở phụ nữ mang thai, chức năng thải đường sẽ giảm, nếu đường trong máu quá cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thai phụ và làm cho bạn khó ngủ. Giảm các loại đồ uống gây kích thích như: cà phê, trà, sôcôla và sôđa hoặc chỉ uống chúng vào buổi sáng. Tránh uống quá nhiều nước hoặc ăn quá no trong vòng vài giờ trước khi ngủ.

Hãy lưu ý đến chế độ ăn có muối và canxi vì thiếu 2 chất này cũng là nguyên nhân dẫn đến chứng chuột rút ở bà bầu.

Tư thế ngủ: Bà bầu nên tập cho mình thói quen ngủ tốt với tư thế nằm nghiêng sang trái, đầu gối uốn cong, chân gác lên cao. Đây được xem là tư thế ngủ thoải mái nhất cho thai phụ vì giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch chân, hạn chế tình trạng phù nề, tăng lượng cung cấp máu cho tim, giảm hội chứng huyết áp thấp, có lợi cho việc cải thiện tuần hoàn máu huyết của nhau thai.

Chế độ luyện tập: Luyện tập thể dục không chỉ tốt cho việc lưu thông khí huyết mà còn giúp cho phụ nữ mang thai giảm được stress. Điều này giúp cho giấc ngủ của bạn tốt hơn rất nhiều. Tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng, nên đi bộ mỗi ngày để cải thiện chứng chuột rút. Hoặc bạn có thể thực hiện các bài tập thư giãn nhưng không nên tập sát giờ đi ngủ. Trước khi ngủ, nên tắm nước ấm (có thể pha chút tinh dầu cho tinh thần thư thái), uống 1 ly sữa ấm nhỏ... Ngâm chân trước khi ngủ vào nước gừng và muối ấm, thêm lá hương nhu, lá sả thì càng tốt giúp mạch máu lưu thông và dễ ngủ.

Nghỉ ngơi hợp lý: Nên có những giấc ngủ ngắn trong ngày, lý tưởng nhất là vào buổi sáng và buổi trưa. Giấc ngủ ngắn từ 30 - 60 phút tăng khả năng nhanh nhạy, trí nhớ tốt hơn và giảm triệu chứng mệt mỏi trong thời kỳ thai nghén. Không nên ngủ nhiều giấc ngủ dài vào ban ngày vì như vậy sẽ khó ngủ vào ban đêm. Cần tập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ. 

Theo BS. Lê Thu Hà/suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm