Rất ít người biết cách để tránh nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm tươi sống và thực phẩm không qua chế biến. Ban Quản lý An toàn Thực phẩm hướng dẫn những giải pháp cơ bản, mỗi gia đình cần biết để bảo vệ thực phẩm và sức khỏe những ngày Tết.
Vi khuẩn nhiễm chéo từ khi mua đến khâu chế biến
Vi sinh vật nói chung, vi khuẩn và virus nói riêng là một trong những tác nhân lớn gây nên sự hư hỏng của thực phẩm. Lâu nay, người nội trợ thường để việc nhiễm chéo xảy ra trong quá trình đi chợ khi mua các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua chế biến và để chúng chung với nhau cho tiện việc vận chuyển các thực phẩm mua được từ chợ về nhà. Hậu quả của cách làm trên là việc những vi khuẩn, virus lây nhiễm chéo với nhau nguy cơ dẫn đến ngộ độc cho người dùng.
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống luôn chứa nhiều vi rút, vi khuẩn
Trong những ngày Tết, mỗi gia đình đều chuẩn bị đa dạng các loại thực phẩm với lượng nhiều hơn so với ngày thường. Một bộ phận gia đình truyền thống còn có thói quen trữ thực phẩm cho cả Tết để không mất công đi chợ mua sắm mà chỉ tập trung ăn uống, vui chơi, thăm viếng lẫn nhau trong những ngày đầu xuân, năm mới. Thực phẩm được mua với khối lượng lớn, bảo quản trong tủ lạnh nhiều cũng gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo vi khuẩn, virus ngay trong quá trình mua sắm, vận chuyển, bảo quản và chế biến.
Nhiễm chéo xảy ra khi vi khuẩn và virus được chuyển giao từ một bề mặt bị nhiễm khuẩn đến một bề mặt khác chưa bị nhiễm. Các vi khuẩn và virus có thể truyền từ con người, các bề mặt của các thiết bị và giữa các loại thực phẩm với nhau. Virus, vi khuẩn có thể nhiễm chéo từ thịt sống sang các loại rau củ quả, chúng chỉ bị tiêu diệt khi được nấu chín. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có các loại thịt, cá mới nấu chín còn nhiều loại rau củ quả được ăn sống, đây là nguồn lây bệnh cho con người.
Bàn tay con người chính là “thủ phạm” số 1 trong việc chuyển vi khuẩn từ các thực phẩm chưa được nấu chín sang các thực phẩm không qua chế biến, thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chưa chế biến, thớt bẩn, dao và đồ dùng nấu ăn khác. Ngoài ra, các loại thớt, đĩa và dao nếu vừa dùng cho các thực phẩm tươi sống, chưa chế biến cần phải được rửa kỹ bằng nước ấm và xà phòng rửa chén, sau đó để cho ráo nước và để khô trước khi dùng cho các thực phẩm đã nấu chín hoặc thực phẩm không qua chế biến.
Khi mua những loại rau quả không qua chế biến cần được bao gói cẩn thận, để riêng biệt với thực phẩm tươi sống phải qua chế biến
Việc lưu trữ thực phẩm tươi sống, chưa chế biến không đúng cách trong tủ lạnh, để chúng tiếp xúc trực tiếp với các thực phẩm đã được nấu chín, làm cho nước của thịt sống chảy ra và nhỏ giọt lên các thực phẩm đã được nấu, trái cây hay những thực phẩm không qua chế biến khác sẽ gây nhiễm chéo ngay thiết bị bảo quản tưởng như hữu dụng nhất.
Cách tránh vi khuẩn nhiễm chéo, bảo quản an toàn
Để chất lượng thực phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe trong những ngày tết cũng như suốt cả năm, người nội trợ và các thành viên trong gia đình cần hạn chế để các thực phẩm bị nhiễm chéo, thực phẩm cần phải có bao gói cẩn thận. Sử dụng bao gói hợp vệ sinh chứa tách biệt các loại thực phẩm tươi sống và các loại thực phẩm không qua chế biến ngay thời điểm chọn mua tại chợ, siêu thị để hạn chế việc vi khuẩn, virus lây nhiễm từ bề mặt thực phẩm tươi sống (cá, tôm, thịt gia súc, gia cầm… chưa chế biến) sang các thực phẩm không qua chế biến (các loại rau ăn sống, trái cây, thịt cá đã được nấu chín).
Các dụng cụ sơ chế, chế biến như dao, thớt, kéo… trước khi dùng và sau khi sử dụng (nhất là khi sử dụng cho các thực phẩm tươi sống) phải được vệ sinh sạch sẽ bằng nước rửa chén hoặc nước nóng, phơi khô các dụng cụ sau khi rửa để hạn chế các dụng cụ đó không bị gỉ sét hoặc bị nấm mốc bám trên bề mặt dụng cụ.
Tủ lạnh là nơi tưởng như an toàn nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm chéo vi khuẩn gây hại trong quá trình bảo quản
Nếu có điều kiện, mỗi gia đình nên có 3 chiếc thớt riêng biệt, một dùng để chặt, thái thức ăn sống, một dùng để thái thức ăn chín và một để thái trái cây, rau củ để tránh lây nhiễm chéo các vi khuẩn. Ngoài ra, chúng ta cũng nên thay thớt khi thấy trên bề mặt của thớt đã có nhiều vết xước bởi vi khuẩn có thế mắc trong các kẽ xước. Dao kéo bị rỉ sét là nguồn lây nhiễm trực tiếp lên thực phẩm cũng cần phải thay thế. Giữ thớt, dao và vật chứa thực phẩm thực sự sạch sẽ và trong tình trạng tốt đảm bảo bữa ăn được an toàn vệ sinh thực phẩm bảo vệ sức khỏe bản thân và người dùng.
Các loại thực phẩm, như thịt gia súc, gia cầm hay cá phải được lưu trữ trong một hộp nhựa cứng hoặc để ở dưới cùng của tủ lạnh để ngăn không cho tiếp xúc với các thực phẩm không qua chế biến hoặc để nước thịt không được nhỏ giọt vào thực phẩm khác. Các thực phẩm không qua chế biến khác cần phải được bọc cẩn thận khi để trong tủ lạnh để giảm thiểu nguy cơ rủi ro bị nhiễm chéo.
Ngày Tết, mỗi gia đình thường bảo quản thức ăn rất nhiều trong tủ lạnh, công suất hoạt động của tủ không đủ làm lạnh ở nhiệt độ cần để ngăn chặn sự phát triển của vi rút, vi khuẩn. Tủ lạnh có thể sẽ trở thành nơi nguy hiểm, gây bệnh về đường tiêu hóa cho con người trong những ngày tết. Để tránh nguy cơ trên, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM khuyến cáo mỗi gia đình chỉ nên mua sắm lượng thực phẩm đủ dùng trong 24 giờ sau đó đi chợ, siêu thị mua thực phẩm cho những ngày kế tiếp. Khi thực phẩm đã biến chất (thay đổi màu sắc, mùi vị) tuyệt đối không nên sử dụng để tránh nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra.
Theo Vân Sơn/ dantri.com.vn