Cập nhật: 28/01/2020 21:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Gợi ý về cách đón khách đến Việt Nam dịp năm mới, Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân bật mí, hãy giới thiệu và mời họ thưởng thức một mâm cỗ Tết, một mâm cơm gia đình Việt Nam ngày xuân. Đó là cách ngôn ngữ ẩm thực giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa vùng miền hiệu quả và hấp dẫn nhất.

Ông Nguyễn Thường Quân giới thiệu ẩm thực Việt Nam với các đầu bếp nổi tiếng thế giới tại Đà Nẵng.

“Ăn Tết” - Sự trân trọng giá trị truyền thống

Sinh ra trong thời kỳ có nhiều thay đổi - từ nhu cầu “ăn no, mặc ấm” sang thưởng thức “ăn ngon, mặc đẹp”, nên với ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hội đầu bếp Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), ẩm thực cũng nằm trong sự thay đổi chung của nhu cầu xã hội theo thời gian. Tuy nhiên, những giá trị vững bền của ngày Tết, là tấm lòng thành kính tưởng nhớ tổ tiên, ý nghĩa đoàn viên và ước vọng hạnh phúc, thì không bao giờ thay đổi.

Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân tham gia “Ngày ẩm thực Việt Nam tại Pháp” 2019.

Thời của thế hệ 7x háo hức chờ Tết bởi đó là dịp cả nhà được quây quần bên nhau. Ông Quân nhớ lại, “Chúng tôi chờ Tết để được theo bố mẹ về quê, được ra cánh đồng chơi, cùng nhau rửa lá dong, gói bánh chưng, trông nồi bánh vừa chạy tung tăng xem mẹ làm thịt gà, các cô băm thịt làm nem...”.

Trong ký ức của chàng thanh niên ngày ấy, Tết thường đến sớm, từ sau ngày 23 tháng Chạp đã thấy không khí tưng bừng, mọi người đi mua pháo, thử tấm áo mới, sửa sang nhà cửa…

Cùng với những hoài niệm về quê hương, đó cũng là những ngày tháng ai cũng trăn trở với câu chuyện “ăn Tết”. Theo ông Nguyễn Thường Quân, điều không thể không nói đến khía cạnh văn hóa là mâm cỗ Tết của Việt Nam. Ông chia sẻ, mỗi gia đình đều dụng công chuẩn bị mâm cơm ngày Tết không phải là thưởng thức mà là để dâng lên tổ tiên, mang ý nghĩa tâm linh. Mâm cỗ đó để thờ cúng tổ tiên, tạ ơn một năm mùa màng bội thu, nên trong mâm cỗ đó tất cả những sản vật nào thơm ngon nhất trong ruộng trong vườn, trong ao thì chúng ta chuẩn bị, làm những món ngon nhất, đẹp mắt nhất. Chuẩn bị những mâm cơm Tết thịnh soạn, mỗi gia đình đều gửi gắm vào đó ước vọng mong muốn năm tiếp theo tổ tiên phù hộ độ trì cho sung túc, hạnh phúc, ấm no.

Chưa kể, ngay từ mâm cỗ Tết đã có thể thấy sự đa dạng, độc đáo, mang đặc trưng vùng miền rõ rệt, hấp dẫn mỗi người Việt Nam và du khách quốc tế. Ông dẫn chứng, cùng là gạo nếp, mỗi một nơi tạo ra bánh chưng có hình dáng, màu sắc khác nhau, chưa kể tới những biến tấu riêng của người đầu bếp tạo nên những hương vị mới. Góp mặt trong mỗi mâm cơm miền bắc, miền trung, miền nam lại là những món ăn khác nhau, tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa Việt Nam.

“Chơi Tết” - Hành trình khám phá ẩm thực Việt


Lớp học nấu ăn dành cho người khiếm thị của đầu bếp Nguyễn Thường Quân.

Những năm trở lại đây, ngày Tết luôn song hành hai xu hướng: “Ăn Tết” và “Chơi Tết”. Cuộc sống càng hiện đại, mối quan tâm của nhiều người dành cho vấn đề “chơi Tết” càng lớn, với những chương trình du xuân được lên lịch từ sớm, khởi hành ngay trong những ngày đầu năm để du ngoạn, thăm thú các danh lam thắng cảnh, hay đơn giản được quây quần cùng gia đình ở một nơi xa.

Ông Nguyễn Thường Quân lý giải, hai lý do quan trọng khiến xu hướng đón Tết thay đổi - chính là bởi những tiện nghi cùng áp lực của cuộc sống hiện đại. Tiện nghi bởi phương tiện giao thông đi lại thuận lợi, nên mọi người có thể dễ dàng đoàn tụ mỗi khi có thể, cũng luôn sẵn tâm thế lên đường đi chơi. Còn áp lực, bởi với nhiều người, họ có thể đi làm tới tận ngày 29 Tết, công việc chiếm thời gian lớn trong năm, nên nhu cầu nghỉ ngơi đầu năm lớn hơn, cũng làm cho nhiều người quan tâm tới “chơi Tết” hơn “ăn Tết”.

Hơn nữa, hai xu hướng này cũng song hành với nhau, lựa chọn “chơi Tết”, cũng là cách để mỗi người được “ăn Tết” ở những vùng đất mới, trải nghiệm văn hóa với những điều mới mẻ. Đó cũng là lý do giá trị ẩm thực Việt Nam được công nhận trong giới chuyên môn cũng như du khách. Thậm chí năm 2019, Việt Nam còn được tôn vinh là Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.

“Không phải chỉ là món ăn ngon mà họ công nhận chúng ta mà còn có rất nhiều tiêu chí. Trong lĩnh vực du lịch, tiêu chí văn hóa là tiêu chí được đề cao, ẩm thực Việt Nam đặc trưng cho vùng miền, sinh hoạt đời sống, những câu chuyện văn hóa trong mỗi món ăn, nó làm cho những người trải nghiệm ẩm thực Việt Nam đều ấn tượng”, Chủ tịch Hội đầu bếp Việt Nam chia sẻ.

Bởi thế, để trải nghiệm văn hóa Việt Nam, đại diện cho Hội những người làm nghề đầu bếp cho rằng, điều không thể thiếu là giới thiệu mâm cơm ngày Tết, mời du khách thưởng thức mâm cơm trong không khí háo hức, quây quần, đoàn tụ, thân tình như đón người thân trong gia đình. Trong đó, bao hàm cả những giá trị vật chất cũng như tinh thần, cả quá khứ cũng như hiện tại, cả nét đẹp truyền thống cũng như sự thay đổi của đời sống hiện đại.

Không có câu chuyện xung đột văn hóa giữa hai xu hướng này. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cũng nên có những quan điểm thoáng hơn để tiếp cận cuộc sống hiện đại, bởi mọi điều chúng ta làm đều hướng tới những giá trị tốt đẹp, bản chất của mọi điều đều là đạt được hạnh phúc”.

Theo THẢO AN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm