Các lễ hội trên địa bàn Hà Nội cơ bản đã khắc phục được những hình ảnh phản cảm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày một chuyên nghiệp hơn.
Thành phố Hà Nội có khoảng 1.200 lễ hội, chủ yếu diễn ra vào dịp đầu xuân, trong đó có hàng chục lễ hội với quy mô lớn, thu hút hàng vạn khách tham quan. Ngày mùng 6 tháng Giêng là ngày khai hội chùa Hương, vấn đề đảm bảo cho một mùa lễ hội văn minh an toàn lại tiếp tục được đặt ra với chính quyền địa phương và thành phố.
Du khách nườm nượp đổ về chùa Hương.
Lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Đức) và lễ hội Đền Gióng (huyện Sóc Sơn) cùng khai mạc vào ngày 30/1 (tức mồng 6 tháng Giêng) là hai lễ hội lớn mở đầu chuỗi lễ hội trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết, mùa lễ hội này giá vé tham quan thắng cảnh, vé dịch vụ tại chùa Hương cơ bản giữ nguyên như năm trước. Cụ thể, giá vé tham quan toàn bộ 21 di tích thắng cảnh Hương Sơn là 80.000 đồng/người, đã bao gồm cả bảo hiểm cho khách du lịch; giá vé đò trên suối Yến là 50.000 đồng cả lượt vào và ra.
Năm nay, huyện Mỹ Đức tiếp tục thực hiện nghiêm cấm các hoạt động bói toán, mê tín dị đoan, đồng thời bố trí sắp xếp khu dịch vụ bán hàng hạn chế gây ảnh hưởng đến giao thông trong suốt thời gian diễn ra lễ hội từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết, để giữ gìn môi trường, phương tiện giao thông đường thủy vào khu danh thắng chủ yếu sẽ là đò chèo lái thủ công. Huyện đã nghiêm cấm tất các các loại xuồng sử dụng động cơ, trừ các lực lượng công an, thanh tra giao thông, Ban tổ chức, nhà chùa, cấp cứu, điện lực mới được sử dụng.
Đối với Lễ hội Đền Sóc, dù chỉ diễn ra trong 3 ngày mùng 6,7,8 tháng Giêng, nhưng công tác chuẩn bị đã được hoàn tất từ nhiều tháng trước.
Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, lễ hội vẫn duy trì đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Tuy nhiên cũng tiến hành đổi mới một số nghi lễ để đảm bảo văn minh như không tổ chức lễ rước giò hoa tre và trầu cau xuống đền Hạ, đền Mẫu; bỏ tục tán lộc; lễ vật được đưa vào đền Thượng và tổ chức phát lộc cho du khách theo sự kiểm soát của Ban Tổ chức, để tránh tình trạng tranh cướp lộc phản cảm trước đây.
Huyện Sóc Sơn sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao, và các trò chơi dân gian để phục vụ du khách đến lễ hội. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy, chống ùn tắc giao thông và tuyên truyền để người dân và du khách tham gia lễ hội văn minh. Đồng thời sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra để đảm bảo về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, thu các giá dịch vụ.
"Xử lý nghiêm các trường hợp mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình. Đến nay kế hoạch tổ chức lễ hội đền Sóc đã được hoàn tất, triển khai đến tất cả các đơn vị, các thôn làng tham gia lễ hội" - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội cho hay, toàn thành phố có khoảng 1.200 lễ hội diễn ra chủ yếu vào dịp đầu xuân, trong đó có khoảng 40 lễ hội quy mô lớn, kéo dài như: chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, Đền Sóc, Gò Đống Đa...
Các lễ hội trên địa bàn thành phố cơ bản đã khắc phục được những hình ảnh phản cảm, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày một chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên đa số lễ hội vẫn còn tồn tại về công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng giá trông giữ xe, tăng giá dịch vụ vận chuyển, chèo kéo khách, hàng quán lấn chiếm lối đi gây ùn tắc giao thông…
“Một số ít lễ hội còn có hiện tượng mê tín dị đoan, các hoạt động biến tướng... chính quyền địa phương đã có kế hoạch cụ thể. Năm nay thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, ban tổ chức lễ hội và Sở cũng có kế hoạch cụ thể. Đặc biệt là sẽ tăng cường kiểm tra thực tế tại các lễ hội, đặc biệt là kiểm tra đột xuất để phát hiện vi phạm, yêu cầu chính quyền địa phương có xử lý ngay" - bà Bùi Thị Thu Hiền cho biết.
Để bảo đảm các lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra an toàn, văn minh, tiết kiệm, giữ gìn được những nét đẹp truyền thống, cùng với việc tăng cường kiểm tra, mở đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin về lễ hội, các địa phương cần bố trí lực lượng hướng dẫn nhân dân và du khách tham quan thực hiện nghiêm nếp sống văn minh nơi thờ tự và lễ hội./.
Theo Nguyên Nhung/VOV.VN