Thời tiết ẩm ướt rất thuận lợi cho các loại nấm phát triển, trong đó có bệnh nấm phổi.
Nấm lây nhiễm chủ yếu qua con đường không khí. Người hít phải những bào tử nấm nhỏ bay lơ lửng trong không khí, vào phổi, nếu có điều kiện thuận lợi sẽ phát triển và gây bệnh. Bệnh hay gặp ở người suy giảm miễn dịch, già yếu, mắc bệnh mạn tính lâu ngày. Tỷ lệ bệnh nấm phổi chỉ chiếm 0,02% các bệnh phổi, tuy nhiên khi bị nấm phổi không phát hiện điều trị kịp thời khả năng tử vong có thể lên tới 50-70%.
Trường hợp điển hình
Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ mắc nấm sợi Aspergillosis xâm lấn vào phổi. Trước khi nhập viện vài ngày, bệnh nhân N.T.L. (trú tại Hà Giang) xuất hiện tình trạng sốt cao, ho nhiều, đau ngực âm ỉ, người mệt mỏi không thể đi lại và không nói được trong khi trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Sau khi được chuyển tuyến từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang đến Bệnh viện Phổi Trung ương, các bác sĩ Khoa Hô hấp đã nhanh chóng tiến hành thăm khám. Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị bệnh nấm phổi phức tạp, nhiều bộ phận hô hấp của người bệnh trên đã bị tổn thương viêm loét nặng, hoại tử do nấm sợi Aspergillosis xâm nhập và lan rộng. Đồng thời, bệnh nhân cũng có tiền sử bị nhiều bệnh khác như suy gan, K tuyến giáp nên phương án điều trị khó khăn hơn, đòi hỏi sự kiên trì, thường xuyên theo sát để thay đổi phác đồ phù hợp. Bệnh nhân được điều trị trong thời gian tương đối dài với 2 liệu trình liên tục kéo dài hơn 1 tháng. Ở liệu trình đầu tiên, cơ thể người bệnh không đáp ứng thuốc tốt nên tình trạng sức khỏe ít cải thiện. Sau rất nhiều lần hội chẩn xem xét các phương án điều trị, sự thay đổi phác đồ thuốc ở liệu trình thứ 2 đã mang lại hiệu quả rất tốt, hiện nay các người bệnh đã khỏe hơn rất nhiều tiếng nói rõ hơn, cắt ho... và đặc biệt là xét nghiệm nấm Aspergillosis trở về âm tính.
Nấm phổi chủ yếu lây nhiễm qua đường không khí.
Ai có nguy cơ mắc nấm phổi?
Nấm phổi tuy ít gặp hơn nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus phổi nhưng cũng là một vấn đề đáng quan tâm trong các bệnh phổi do viêm nhiễm nói chung. Bệnh dễ xảy ra với những người làm việc ở vùng đất ẩm, đặc biệt là đất có nhiều phân gà, vịt, chim hoặc phân dơi. Những người quét dọn hoặc tiếp xúc với chuồng gà vịt, vùng đất dưới gốc cây có nhiều chim đậu, dưới hang dơi rất dễ mắc bệnh. Ngoài ra, người bị suy giảm miễn dịch trong các bệnh ung thư máu, tủy xương, u lympho và hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV/AIDS). Đối tượng suy giảm miễn dịch cũng bao gồm những người đang phải dùng các thuốc ức chế miễn dịch như người sau khi được ghép tạng, bệnh nhân bị bệnh khớp mạn tính, bệnh nhân bị các bệnh tự miễn, dị ứng, bệnh nhân bị các bệnh hệ thống như bệnh Lupus ban đỏ, thậm chí những bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản... lạm dụng thuốc corticoid. Một đối tượng nữa cũng rất dễ bị nấm phổi đó là những bệnh nhân lao phổi, nhất là lao thể hang... cũng góp phần vào việc tăng tỷ lệ bệnh nhân nhiễm nấm, trong đó có nấm phổi.
Dấu hiệu nhận biết
Nguyên nhân gây bệnh nấm phổi là do các loại nấm: Candida, Aspergillus, Cryptococcus. Trong đó, hay gặp nhất là các loại Aspergillus như A. fumigatus, A. flavus, A. niger... Hầu hết bệnh nhân thường đến khám vì ho ra máu kéo dài không rõ lý do, sốt kéo dài kèm đau ngực, ho khạc đàm kéo dài kèm khó thở như hen. Cùng với đó là các trường hợp chẩn đoán viêm phổi điều trị kháng sinh kéo dài không khỏi.
Các triệu chứng của nấm phổi tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh. Các triệu chứng ban đầu như sốt kéo dài, mệt mỏi, sụt cân; ho ra máu, ho khạc đờm có nút nhầy. Khám phổi triệu chứng thường nghèo nàn, có thể nghe ran rít, ran ngáy. Trong trường hợp diễn tiến cấp, bệnh nhân có thể khó thở nhanh, ho khan, đau ngực, sốt cao.
Bệnh nấm phổi nếu kéo dài không được điều trị thì các bào tử nấm sẽ lan tràn và gây bệnh cơ quan khác như nấm não - màng não, tổn thương da, viêm cơ, viêm nội nhãn... thậm chí là nhiễm nấm huyết. Bệnh nhân sẽ tử vong do nhiễm trùng nhiễm độc, suy kiệt hoặc biến chứng nặng nề như ho ra máu ồ ạt.
Dự phòng nhiễm nấm phổi
Để phòng bệnh nấm phổi, cần thường xuyên rèn luyện thân thể, ăn nhiều hoa quả tươi, nâng cao sức đề kháng. Tránh để nấm mốc trong nhà, đồ đạc sắp xếp gọn gàng, đủ ánh nắng, thông gió tránh ẩm ướt. Những đoạn tường có nấm mốc cần phải cạo đi và phủ bằng sơn chống bám. Không để thực phẩm rơi vãi trong nhà là điều kiện cho nấm sinh sôi phát triển. Khi vệ sinh nhà cửa cần mang khẩu trang để tránh hít phải bụi nấm.
Khi làm việc hay sinh hoạt ở những vùng đất ẩm, đặc biệt là đất có nhiều phân chim, phân dơi, người quét dọn chuồng gà, chuồng nuôi gia cầm, thủy cầm phải mặc quần áo bảo hộ lao động, đội mũ và đeo khẩu trang để chống nấm xâm nhập, ngăn chặn hít phải nấm vào phổi. Khi phát hiện các triệu chứng nghi nhiễm nấm ở phổi, cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Theo suckhoedoisong.vn