“Mỗi người nên có một bát nước chấm riêng, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm không chỉ Covid-19, mà còn nhiều bệnh truyền nhiễm khác.”
Sáng 28/2, Báo Nhân Dân điện tử đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tăng sức đề kháng phòng chống dịch Covid-19”.
Về việc tăng cường dinh dưỡng hợp lý, bảo đảm sức khỏe trong mùa dịch, đặc biệt là dịch Covid-19 hiện nay, các chuyên gia y tế cho rằng, ngoài việc tiêm vaccine để tạo ra các miễn dịch, cần tăng cường đảm bảo dinh dưỡng, ăn uống hợp lý.
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia.
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, hiện Viện Dinh dưỡng đã xây dựng 6 tháp dinh dưỡng cho các độ tuổi khác nhau, các tháp dinh dưỡng này đã được phổ biến đến cơ sở y tế cấp xã và người dân có thể tìm hiểu dễ dàng. Nguyên tắc cần tuân thủ với chế độ dinh dưỡng là ăn uống đa dạng, đáp ứng đủ các dưỡng chất như: đạm, bột đường, chất béo, vitamin và chất khoáng. Đặc biệt, cần tăng cường các loại thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng như: iot, sắt, kẽm, vitamin... nếu thiếu vi chất dinh dưỡng thì không thể xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Đồng thời, GS Lê Danh Tuyên cũng khuyến cáo, trong vấn đề nội trợ, cần dùng riêng thớt thực phẩm chín và thực phẩm sống để tránh lây nhiễm chéo. Khi mua thực phẩm về cần bỏ túi nilon ở chợ và thay đồ đựng riêng ở nhà, trước khi cho vào tủ lạnh. Ngoài ra, không nên dùng đũa riêng vào tô canh chung, mỗi người cũng nên có một bát nước chấm riêng, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm không chỉ Covid-19, mà còn nhiều bệnh khác như vi khuẩn HP hay viêm gan B.
Theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, nếu có một hệ vi khuẩn đường ruột tốt, có lợi sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch. Vì vậy, cần phải có chế độ ăn uống hợp lý và đủ chất xơ. Bởi, chất xơ là thức ăn của các vi khuẩn probiotic. Ngoài ra, có thể bổ sung các thực phẩm lên men mà có probiotic như sữa chua và các sản phẩm lên men khác.
“Chúng ta cũng nên sử dụng đủ lượng rau khuyến cáo cho người trưởng thành, đó là 3-4 đơn vị rau mỗi ngày, tương đương với 3-4 lần ăn rau, để vừa cung cấp các vitamin và khoáng chất, cũng như là thức ăn do hệ vi khuẩn đường ruột. Ngoài ra nên thường xuyên sử dụng lượng vừa phải một số thực phẩm/gia vị chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển… giúp kích thích hệ thống miễn dịch”- PGS.TS Bùi Thị Nhung cho biết.
Cũng tại buổi tọa đàm, chia sẻ về công tác dự phòng và điều trị của Việt Nam trước dịch Covid-19, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, Việt Nam may mắn vì hệ thống y tế dự phòng cũng như hệ thống kiểm dịch biên giới hoạt động tích cực từ giai đoạn đầu tiên. Vì vậy, đến thời điểm này, chỉ có 16 ca mắc bệnh.
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
“Với số bệnh nhân thấp như vậy, chúng ta có thể bảo đảm cung cấp cho bệnh nhân sự chăm sóc tốt nhất. Điều này khác hẳn so với tình hình dịch bệnh ở thành phố Vũ Hán vì các bệnh viện đều rất quá tải nên không thể chăm sóc tốt cho bệnh nhân được”- BS Nguyễn Trung Cấp cho biết.
Cũng theo BS Cấp, việc điều trị hiệu quả các ca bệnh Covid-19 vừa qua cũng xuất phát từ việc ngăn ngừa, phòng chống dịch hiệu quả. “Tôi hy vọng, với việc tích cực ngăn ngừa cùng với sự tham gia tích cực của toàn dân, các cấp chính quyền, các đoàn thể, kiểm soát phòng bệnh chặt, không để bùng phát thì khâu điều trị sẽ bảo đảm hiệu quả”- BS Cấp chia sẻ.
Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tăng sức đề kháng phòng chống dịch Covid-19”.
Tại buổi tọa đàm, BS Nguyễn Trung Cấp cũng chia sẻ, Việt Nam có bản lĩnh chống dịch và được rèn luyện từ lâu. Ngay từ khi dịch chưa xâm nhập vào Việt Nam, tất cả các hệ thống chống dịch đã được khởi động.
Đối với dịch Covid-19 rất gần với dịch SARS năm 2003 do cùng 1 chủng của virus corona. Do đó, những kinh nghiệm từ dịch SARS cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc chống dịch Covid-19.
“Một trong những kinh nghiệm sống còn trong việc chống dịch SARS là việc mà chúng ta không sử dụng khu cách ly đóng kín mà sử dụng các khu cách ly mở. Do vậy đối với dịch Covid-19, việc cách ly và điều trị, chúng ta có thể đưa về địa phương và thậm chí có thể đưa về đến phòng khám khu vực như ở Vĩnh Phúc mà vẫn bảo đảm được chất lượng điều trị tốt. Bên cạnh đó, việc điều trị mặc dù là ở các tuyến khác nhau nhưng quy trình điều trị và kỹ thuật cũng không khác nhau do có sự liên kết, chuyển giao kỹ thuật cũng như tăng cường hỗ trợ cho tuyến dưới”- BS Nguyễn Trung Cấp cho biết.
BS Cấp cũng cho biết, một điều cũng vô cùng quan trọng là sự tham gia của người dân. Qua mỗi một mùa dịch, nhận thức của người dân đều tăng lên rõ rệt như việc rửa tay, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người ... Vì vậy, đây không phải là kinh nghiệm của riêng Bộ Y tế mà là của toàn dân. Điều đó cũng đóng góp một phần cho năng lực chống dịch của nước ta tăng lên.
Theo Minh Khánh/VOV.VN