Cập nhật: 04/03/2020 10:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làng nghề mây tre đan Triệu Xá thuộc xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đã được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2006. Nơi đây hiện vẫn duy trì, phát triển đa dạng các sản phẩm mây tre đan với tính thẩm mỹ cao và là một điểm đến du lịch làng nghề hấp dẫn.

Một cơ sở sản xuất mây tre đan truyền thống ở làng Triệu Xá, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc).

Theo các cụ cao tuổi, từ xa xưa, có một số người trong làng đi học nghề mây tre đan ở các vùng làng nghề của tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội) và Hưng Yên… và sau đó trở về địa phương làm nghề, truyền dạy cho mọi người. Ban đầu sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho đời sống sinh hoạt và lao động, sản xuất như: Rổ, rá, thúng, mủng, nong, nia… rồi sau này được nâng cấp trở thành các sản phẩm mỹ nghệ.

Nghề mây tre đan ở Triệu Xá đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân, nhất là vào dịp nông nhàn và mang lại nguồn thu nhập hiện tại khá ổn định, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cho địa phương. Không giống như các nghề truyền thống khác, nghề mây tre đan không quá khó, ai cũng có thể làm và làm trong thời gian nào trong năm cũng được. Vào những ngày không phải trong mùa vụ, đi dọc theo những con đường nhỏ trong làng không khó để bắt gặp cảnh mọi người từ già đến trẻ tập trung ở các nhà để cùng nhau làm. Ngay cả trẻ con mới sáu, bảy tuổi ở đây cũng đã biết đan, lát... Sau thời gian học hành, nhiều em tham gia phụ giúp bố, mẹ làm nghề. Là một trong những người gắn bó lâu năm với nghề mây tre đan, ông Tạ Đức Trung chia sẻ: “Nghề này nhìn đơn giản, nhưng đòi hỏi người làm phải chăm chỉ, cần mẫn. Nếu chịu khó, một người có thể làm được từ 15 - 20 sản phẩm trong năm đến ba ngày”. Những năm gần đây, bên cạnh các khách hàng thường xuyên tìm về đặt hàng, khá đông khách tham quan, du lịch đến Triệu Xá theo các tua du lịch làng nghề. Họ háo hức tìm hiểu, tập làm sản phẩm và tìm mua những đồ mây tre mỹ nghệ làm quà lưu niệm. Điều này đã mở ra hướng đi cho việc duy trì, phát triển làng nghề từ du lịch.

Tuy nhiên, nếu như trước đây, nhiều gia đình mấy đời gắn bó với nghề mây tre đan thì đến nay số lượng người làm nghề đang ngày càng giảm dần theo thời gian. Lao động chủ yếu cũng là người trung niên, người già và phụ nữ, thu nhập cũng không còn đều đặn. Hầu hết thanh niên trong các thôn đều tìm các công việc khác như làm việc trong các công ty,… Đây cũng là nỗi trăn trở của cấp chính quyền và các nghệ nhân của làng nghề để làm sao có thể giữ nghề truyền thống mà cha ông để lại. Một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mai một là nhận thức của nhiều người về nghề mây tre đan chỉ là một nghề phụ truyền thống, không mang lại nhiều thu nhập, trong khi các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn đã và đang thu hút phần lớn số lao động trẻ của địa phương. Bên cạnh đó, là sự cạnh tranh của các loại sản phẩm cùng loại được sản xuất công nghiệp, mẫu mã phong phú, tiện lợi. Mặt khác, nguồn nguyên liệu để làm mây tre đan hiện cũng khan hiếm hơn do đất trồng tre ít, người dân bỏ trồng tre để xây nhà, các doanh nghiệp thuê đất để sản xuất, kinh doanh…

Để gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống mây tre đan Triệu Xá trong tương lai,các cấp chính quyền xã và thôn đã phối hợp cùng người dân chủ động tìm những hướng đi và giải pháp khắc phục, huy động các nguồn vốn hỗ trợ, mở rộng thị trường mua bán sản phẩm rộng rãi ở địa phương và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sắp tới, chính quyền xã dự kiến cùng các hộ gia đình làm nghề và các nghệ nhân mở lớp đào tạo, dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Mong rằng với tình cảm yêu mến, tự hào về một nghề truyền thống bao đời cũng như sự quan tâm của các chính quyền, cơ quan quản lý, làng nghề Triệu Xá không những đứng vững trước những thay đổi của cơ chế thị trường mà sản phẩm sẽ ngày càng lan tỏa đến các vùng, miền đất nước.

Theo TRẦN BẰNG GIANG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm