Việc tạm dừng và không tổ chức các lễ hội trong cả nước do dịch Covid-19 dù tạo ra không ít “hụt hẫng” trong các cộng đồng dân cư địa phương, tuy nhiên, đều nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của mọi người. Đây cũng là dịp để nhìn nhận và đánh giá một cách rõ ràng hơn về công tác tổ chức, quản lý lễ hội, cho thấy nếu nghiêm túc thực hiện thì những mùa lễ hội sẽ an toàn, lành mạnh và thật sự mang nhiều ý nghĩa nhân văn.
Một lễ hội tại vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.
Lễ hội ở nước ta từ xa xưa thường gắn với sản xuất nông nghiệp, cho nên có thể coi lễ hội cũng là một công đoạn của chu trình sản xuất nông nghiệp khi kết thúc một chu trình cũ, mở đầu một chu trình mới. Lễ hội được mở ra để người dân được nghỉ ngơi, đáp ứng được yêu cầu về đời sống tâm linh, thụ hưởng các giá trị văn hóa, củng cố sự cố kết cộng đồng, mở rộng giao lưu xã hội và sự hiểu biết. Ngày nay, tuy sản xuất nông nghiệp không còn giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, nhưng các giá trị nêu trên của lễ hội không nhiều thay đổi. Trong điều kiện kinh tế - xã hội cùng điều kiện cơ sở vật chất ngày càng phát triển, lễ hội mở ra còn tăng cường đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch trên diện rộng để mở mang sự hiểu biết; giúp cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng bá sản phẩm, tiếp xúc và ký kết các hợp đồng thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ. Như vậy, lễ hội tuy là nhân tố phi kinh tế, nhưng có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, những năm qua, bên cạnh phần lớn các lễ hội tuân thủ đúng quy định về việc tổ chức, đi theo đúng kịch bản của lễ hội truyền thống, phản ánh được các giá trị truyền thống của địa phương, có tác dụng thật sự trong việc đáp ứng các nhu cầu của các tầng lớp cư dân, lại có khá nhiều lễ hội đã bị biến tướng, trục lợi từ ban tổ chức đến người tham gia. Ở các hội có các trò diễn, tranh tài, giành lộc, như hội đền Sóc và hội Gióng ở Sóc Sơn và Gia Lâm, hội Giằng bông ở Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) thuộc TP Hà Nội, hội cướp phết ở Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ)…, diễn ra tình trạng tranh giành quá đà, mang tính bạo lực khiến dư luận xã hội bức xúc. Một số lễ hội không có trong thực tế, nhưng vì lợi nhuận, nhiều nơi đã tìm cách phục dựng, tổ chức như các hội chọi trâu ở các địa phương như: Phù Ninh (Phú Thọ), Hàm Yên (Tuyên Quang), Nghi Lộc (Nghệ An). Công tác tổ chức ở nhiều hội lộn xộn, khiến cho dư luận bức xúc đòi phải “dừng hội”...
Bước vào mùa lễ hội năm nay, trước tình hình diễn biến của dịch Covid-19, để phòng, chống dịch bệnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương đã triển khai việc tạm dừng tổ chức tất cả các lễ hội, hạn chế đến mức thấp nhất các sự kiện tụ tập đông người. Thực tế là các địa phương đã thực hiện khá nghiêm túc chỉ đạo này. Không những vậy, rất nhiều điểm di tích không có hội lễ, song đông người tham quan cũng đóng cửa một thời gian, ngừng phục vụ khách đến thăm viếng, hành lễ. Có thể nói, việc phải tạm dừng các lễ hội đã tạo ra một khoảng trống trong nhu cầu về đời sống tâm linh và văn hóa của cộng đồng cư dân ở các địa phương và khách du lịch. Một phần nguyên nhân là bởi bao năm nay, đã thành nếp, đến hẹn lại lên, cứ tháng Giêng trở đi, lễ hội các nơi lại mở, người dân nơi có hội lại háo hức để đón một kỳ lễ hội với bao hy vọng mới, tốt lành đầu năm. Người dân và khách thập phương tấp nập trảy hội, cầu mong những điều tốt lành, vui chơi, giải trí. Nay, lễ hội không được mở, thậm chí nhiều điểm di tích đóng cửa, cho nên tâm lý nhiều người có phần hụt hẫng là điều dễ hiểu.
Việc phải tạm dừng các lễ hội để đề phòng tác hại của dịch Covid-19 là điều không ai mong muốn, tác động không nhỏ đến đời sống tâm linh và văn hóa tinh thần của nhân dân cũng như ngành du lịch các địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận lại về công tác tổ chức lễ và thực trạng không ít lễ hội đang dần biến tướng, nhiều hành vi tham dự hội bị dư luận lên án trong những năm qua. Cũng từ đó, có thể thấy việc tạm dừng lễ hội trong thời gian này lại là khoảng lặng, một bước dừng cần thiết để ngành văn hóa và các địa phương nhìn lại việc tổ chức lễ hội trong những năm qua, đánh giá đúng những ưu khuyết điểm, để có giải pháp phát huy những mặt được và khắc phục những mặt bất cập, nhất là phải hướng tới việc loại dần, loại bỏ những biến tướng, các cảnh bạo lực trong hội.
Để hoạt động chấn chỉnh lễ hội thật sự hiệu quả, trước hết, cần tuân thủ đúng quy định tổ chức hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tránh tâm lý thích mở lễ hội, đua tranh với mọi lý do để mở hội. Ngay cả việc quy định vài năm mới tổ chức lễ hội một lần không phải là điều gì mới, mà đã có từ lâu. Xưa kia, cha ông ta không mở hội tràn lan, tùy tiện, vì hội mở ra không chỉ tốn kém về tiền của so với nguồn thu chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, mà còn tiêu phí thời gian, phải đối phó với việc lợi dụng hội để trục lợi (như tệ cờ bạc, tệ mê tín dị đoan), rồi còn vấn đề bảo đảm trật tự an ninh. Cha ông ta chỉ mở hội vào những năm “phong đăng hòa cốc”, tức thật sự được mùa; còn nếu không được mùa thì chỉ tổ chức hội lệ, tức chỉ tế lễ và nếu có đám rước thì chỉ ở phạm vi hẹp.
Bên cạnh đó, tổ chức lễ hội phải đi đúng kịch bản truyền thống, từ diễn trình và nội dung của các lễ thức, đến cử người tham gia, hạn chế tới mức thấp nhất việc cải biên lễ hội, nhất là cải biên để thu hút khách tạo ra lợi nhuận cho lễ hội. Điều này có được hay không phụ thuộc rất lớn vào vai trò, tinh thần trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội, sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền và ý thức tham gia của người dân, vào công tác thanh tra của ngành văn hóa. Cùng với đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp trước và trong lễ hội về nội dung, diễn trình, ý nghĩa và giá trị của lễ hội, để mọi người hiểu đúng và có hành xử đúng khi đến với lễ hội với tư cách người tham dự hoặc người tham quan; có nội quy phù hợp cho từng lễ hội, nhằm bảo đảm an ninh, vệ sinh, an toàn.
Trong việc tổ chức lễ hội, vai trò tư vấn của các nhà khoa học cần được coi trọng và phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các lễ hội trên tất cả các mặt; xử lý kiên quyết, nghiêm khắc các hành vi vi phạm, nhất là việc lợi dụng lễ hội để trục lợi. Cần đưa vào luật để xử lý, chứ không thể chỉ tuyên truyền, nhắc nhở hoặc cao nhất là xử phạt hành chính. Không có biện pháp răn đe hiệu nghiệm thì không thể ngăn ngừa, đẩy lùi các hành vi vi phạm. Cái cần tránh nhất trong tổ chức lễ hội là tâm lý tổ chức “bù trừ” khi nhiều lễ hội năm nay không được tổ chức do dịch Covid-19 gây ra. Tâm lý này có thể mang lại những việc làm, những hành vi quá đà nếu hội được mở lại, nhất là những hội tạo ra nguồn thu lớn.
Theo PGS, TS BÙI XUÂN ĐÍNH/nhandan.com.vn