Theo các chuyên gia, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, mọi người cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý, giàu dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.
Theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia, để có cơ thể khỏe mạnh, điều đầu tiên là chúng ta có chế độ ăn đủ năng lượng và chất đạm.
PGS.TS Bùi Thị Nhung nêu rõ, cần ăn đa dạng thực phẩm với số lượng cụ thể trong tháp dinh dưỡng cho người Việt Nam. Các vitamin và khoáng chất giúp tăng cường miễn dịch không chỉ có vitamin C mà còn có vitamin A, D, E, các chất khoáng như sắt, kẽm, selen và các chất chống oxy hóa như Flavonoid. Chế độ ăn nền tảng nhất của một người bình thường là phải đáp ứng đủ theo khuyến nghị đối với từng lứa tuổi...
PGS.TS Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia.
Cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết, như vitamin A; C; D; E; sắt; kẽm; selen. Đây là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Về chế độ ăn, phải thực hiện nghiêm ngặt việc ăn chín uống sôi, ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường các loại thực phẩm cung cấp các vi chất. Vì vi chất tham gia vào các phản ứng của cơ thể, đặc biệt là thành phần của các enzym. Vì vậy, khi thiếu vi chất dinh dưỡng, sẽ không đủ khả năng để xây dựng hệ miễn dịch tốt cho cơ thể.
Tháp dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.
Trẻ nhỏ và bà mẹ đang mang thai cần lưu ý điều gì?
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho rằng, phải có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý để bảo đảm thể lực và hệ miễn dịch tốt. Trẻ em là cơ thể phát triển chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, cần phải chú ý trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ nhỏ. Với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, phải cho bú sữa mẹ, để trẻ có được kháng thể tự nhiên từ sữa mẹ.
Với bà mẹ mang thai, phải được cung cấp đủ dinh dưỡng để nâng cao khẩu phần ăn của người mẹ. Do đó, phải cung cấp đa dạng thực phẩm, thuộc nhiều nhóm khác nhau: đạm, dầu mỡ, tinh bột, rau xanh…
“Đặc biệt với đối tượng nguy cơ cao như trẻ em và bà mẹ mang thai, phải tránh yếu tố lây nhiễm, tránh đến nơi đông đúc hoặc tiếp xúc người có nguy cơ cao. Khi đó, phải rửa tay thường xuyên khi sờ vào các vật dụng như nắm cửa, tay vịn cầu thang…, sử dụng khẩu trang. Bà mẹ và trẻ em phải thường xuyên duy trì mức độ ăn uống tốt, đa dạng, đủ chất”- GS.TS Lê Danh Tuyên cho biết.
TS Nghiêm Nguyệt Thu, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng chia sẻ, đối với những người bệnh bị tiểu đường và huyết áp là các bệnh mãn tính, không lây nhiễm, bệnh nhân cần tuân thủ uống thuốc điều trị đúng và đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Về chế độ chăm sóc dinh dưỡng, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn điều trị bệnh tiểu đường và tăng huyết áp như bác sĩ đã hướng dẫn.
“Đối với bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, việc quan trọng là phải kiểm soát được lượng bột đường trong thực phẩm của mình. Bệnh nhân nên ăn các thực phẩm có chất bột đường như cơm, bún, phở, ngô, khoai… với số lượng ổn định, ưu tiên các loại gạo lức, gạo giã dối. Ăn đa dạng thực phẩm trong bữa ăn, ăn nhiều rau, ăn rau trước khi ăn cơm, quả chín ưu tiên ăn nguyên dạng hơn là vắt nước quả, xay sinh tố, ăn đủ các loại thịt cá, đậu đỗ…”- TS Nghiêm Nguyệt Thu cho biết.
Bên cạnh đó, đối với bệnh nhân tiểu đường và cao huyết áp, họ cần có chế độ ăn đa dạng thực phẩm, phải bảo đảm đủ các loại thực phẩm cung cấp các chất đạm tốt cho cơ thể.
Ngoài ra, đối với bệnh nhân tiểu đường và cao huyết áp, cần tuân thủ chế độ ăn giảm muối, không ăn mặn, hạn chế các loại nước ngọt, bánh kẹo…Đồng thời, cần duy trì hoạt động thể lực và giữ cho tinh thần thoải mái để tăng cường khả năng miễn dịch./.
Viện Dinh dưỡng quốc gia đã xây dựng Tháp dinh dưỡng hợp lý cho từng lứa tuổi, với mục đích hướng dẫn cho người dân lượng thực phẩm cần sử dụng trong một ngày để có thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng và các vi chất dinh dưỡng cho cơ thể. Đó là
1. Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 3-5 tuổi
2. Tháp dinh dưỡng hợp lý cho trẻ từ 6-11 tuổi
3. Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 12-14 tuổi
4. Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 15-19 tuổi
5. Tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành
6. Tháp dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và nuôi con bú
Tháp dinh dưỡng có sáu tầng từ trên xuống (từ đỉnh tháp xuống đáy tháp), mỗi bữa ăn cần có hơn 10 loại thực phẩm từ các tầng của tháp. Các thực phẩm ở tầng càng cao thì càng cần hạn chế khi cho trẻ em ăn. Tuy vậy, không phải cứ thực phẩm ở tầng dưới là có thể ăn thoải mái mà chỉ nên ăn theo mức đã được khuyến cáo. Để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết với tỷ lệ cân đối phù hợp với nhu cầu khuyến nghị, cần ăn theo đúng số lượng đơn vị ăn tương ứng với mỗi nhóm thực phẩm được thể hiện trên tháp.
Theo Minh Khánh/VOV.VN