Cập nhật: 08/04/2020 09:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chịu tổn thất nặng nề do dịch Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam đang “nín thở” chờ dịch đi qua, lặng lẽ đóng cửa, chờ cơ hội hồi phục.

Các điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử - văn hóa ở Hà Nội tạm dừng đón khách. Ảnh: VŨ AN

Hiện chưa địa phương nào đưa ra được việc điều chỉnh mục tiêu trong năm dù biết kế hoạch đã “đổ bể” vì không biết tình hình rồi sẽ đến đâu, dịch khi nào mới kết thúc.

Khủng hoảng chưa từng thấy

Tháng 3.2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt chưa đầy 450.000 lượt, thấp nhất trong hơn chục năm trở lại đây. Ở Hà Nội, tháng 3 ước tính khách du lịch (cả quốc tế và nội địa) đạt 321.000 lượt khách, giảm 87,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước giảm 80%, khách du lịch nội địa giảm 90%. Tổng thu ước đạt 1.585 tỉ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ năm trước (giảm 7.714 tỉ đồng). Ước tính quý I năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội đạt 3,85 triệu lượt khách, giảm 47,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ du lịch quý I ước đạt 15.687 tỉ đồng, giảm 38,8% (giảm 9.938 tỉ đồng). Công suất sử dụng phòng bình quân của các cơ sở lưu trú quý I chỉ đạt 43,06%, giảm 26,16% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tháng 3, trong số 10 thị trường gửi khách đến Việt Nam đông nhất chỉ có thị trường Nga là tăng 4,9% so với tháng 3 năm 2019, đạt 72.000 lượt người. Thế nhưng, Khánh Hòa - địa phương đón khách Nga nhiều nhất cả nước vẫn chịu thiệt hại nghiêm trọng vì lượng khách giảm, khách sạn đóng cửa, lao động du lịch thất nghiệp. Theo ước tính của Sở Du lịch Khánh Hòa, dịch Covid-19 đã khiến khoảng 17.100 lao động trong ngành Du lịch bị mất việc, trong đó lĩnh vực lưu trú giảm khoảng 15.000 người (chiếm 30% tổng số lao động lĩnh vực lưu trú), lĩnh vực lữ hành giảm 2.100 người (giảm 60%). Số lượng xe kinh doanh vận tải lĩnh vực du lịch bị ngưng hoạt động là 1.780 xe. Hàng loạt khách sạn ở ngoại thành lẫn trung tâm thành phố Nha Trang đang rao bán với giá từ 20-30 tỉ đồng (ngoại thành) hoặc 100- 300 tỉ đồng (trung tâm).

Lượng khách quốc tế đến TP.HCM trong tháng 3 ước đạt 117.000 lượt khách, giảm 84,23% so cùng kỳ năm 2019. Tổng số khách quốc tế trong 3 tháng đầu năm đến TP.HCM chỉ đạt hơn 1.300.000 lượt khách, đạt 14,49% kế hoạch năm 2020 và giảm 42,26% so với cùng kỳ. Thống kê của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy: Doanh thu du lịch lữ hành trong tháng 3 của TP.HCM đạt 554 tỉ đồng, giảm 64% so với tháng 2 và giảm 77,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I.2020, doanh thu du lịch lữ hành của TP.HCM ước đạt 4.505 tỉ đồng, giảm 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những ngành chịu tổn thất nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Cũng giống như ngành lữ hành, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống của TP.HCM cũng giảm 30,3% doanh thu quý I.2020 so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 19.793 tỉ đồng. Doanh thu tháng 3 đạt 2.943 tỉ đồng, giảm 59% so với tháng 2 và giảm 68,4% so với cùng kỳ năm trước, ngành này cũng đang rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề và có mức tăng trưởng âm.

Sở Du lịch TP.HCM cho biết, tổng doanh thu của ngành du lịch TP.HCM trong tháng 3 ước đạt 3.496 tỉ đồng, giảm 65,26% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung tổng thu từ du lịch 3 tháng đầu năm 2020 của thành phố chỉ đạt 25.591 tỉ đồng, tương ứng 18,28% so với kế hoạch năm 2020 và giảm 26% so với cùng kỳ; ước tính thiệt hại gần 10.000 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái.

Hầu như tất cả các công ty du lịch trên cả nước, kể cả công ty lớn nhất đều đã cắt giảm nhân sự, cắt giảm giờ làm, chuyển sang làm việc trực tuyến tại nhà, không tiếp nhận tour mới, thậm chí nhiều công ty đóng cửa, doanh thu trong tháng 3 không có hoặc âm.

Không biết đường nào mà tính

Việt Nam vẫn là nước kiểm soát dịch tốt nhưng do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến nhanh, khó lường, để lại hậu quả lớn trên thế giới nên ngành Du lịch xác định “nằm im” chờ dịch đi qua. Có thể thấy rõ, những thị trường nguồn, thị trường trọng điểm của Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, đặc biệt là châu Âu, Mỹ… đều vẫn đang lo chống đỡ với dịch bệnh nên kể cả khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn cũng phải mất một thời gian để ổn định tâm lý và tích lũy tài chính sau đó mới tính đến chuyện đi du lịch. Vì thế, đến nay ngành Du lịch cũng chưa công bố sự điều chỉnh nào về kế hoạch, mục tiêu của năm 2020 dù trên thực tế, kế hoạch và mục tiêu cũ sẽ không thể thực hiện được. Hơn nữa, cũng chưa thể biết dịch bệnh sẽ diễn biến tiếp theo thế nào nên giờ muốn tính cũng không biết đường nào mà tính.

Lãnh đạo Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết: Nếu dịch bệnh sớm được khống chế, Sở sẽ tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông với chủ đề “Sống an toàn”, “Việt Nam an toàn”, trong đó tập trung khẳng định Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng là điểm đến an toàn cho du khách. Sở Du lịch cũng sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa và các đơn vị liên quan triển khai chương trình kích cầu quốc tế và nội địa, giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp vì chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cơ quan quản lý nhà nước thì tính thế, các doanh nghiệp du lịch, khách sạn trên địa bàn tỉnh thì chỉ biết cắt giảm tối đa chi phí hoặc tạm đóng cửa để tránh thiệt hại nặng hơn, lay lắt chờ qua dịch.

Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, Sở Du lịch Hà Nội lên kế hoạch sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, xây dựng giải pháp khắc phục những thiệt hại, rủi ro trong kinh doanh khi dịch bệnh xảy ra và sau khi hết dịch. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết: Sở cũng sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng điểm đến và nâng cao chất lượng điểm đến; xây dựng đề án nâng cấp chất lượng một số khu điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hoá gắn với di sản, di tích lễ hội, làng nghề, ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh, tiếp tục đầu tư năng cao chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch; triển khai các chương trình kích cầu trong nước và quốc tế sau khi dịch qua đi. Trong dài hạn, Sở thúc đẩy việc thu hút đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao; thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch và khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch cao cấp; xây dựng điểm dừng chân, không gian nghệ thuật, điểm trung chuyển khách, giới thiệu sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố.

Sở cũng sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng điểm đến và nâng cao chất lượng điểm đến; xây dựng đề án nâng cấp chất lượng một số khu điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hoá gắn với di sản, di tích lễ hội, làng nghề, ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh, tiếp tục đầu tư năng cao chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch; triển khai các chương trình kích cầu trong nước và quốc tế sau khi dịch qua đi.

(Ông TRẦN ĐỨC HẢI, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội)

Theo NGUYỄN ANH/baovanhoa.vn

Tệp đính kèm