Cập nhật: 08/04/2020 10:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dịch Covid-19 bùng phát, du lịch là một trong những ngành đầu tiên bị “xướng tên”. Dịch bệnh khiến thị trường “đóng băng”, du lịch “ngủ đông”. Trong gian khó, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", những người làm du lịch vẫn bám trụ với tinh thần quyết tâm cao nhất. Càng khó khăn, càng thấy rõ giá trị về những đóng góp của cán bộ, nhân viên ngành du lịch đối với đất nước và cộng đồng...

Sát cánh cùng tuyến đầu

Tại bệnh viện, các bác sĩ, y tá là những người tiếp xúc trực tiếp, tham gia công tác chẩn đoán và chữa trị cho bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm Covid-19. Họ chính là những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao từ bệnh nhân. Vào lúc tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhất là khi Bệnh viện Bạch Mai-một trong những bệnh viện tuyến đầu có nguy cơ trở thành “ổ dịch”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẩn trương chỉ đạo: “Lúc này các thầy thuốc cần được cung cấp những bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng để họ có thể tái tạo năng lượng, chữa trị và chăm sóc người bệnh tốt nhất. Lo cho thầy thuốc lúc này không chỉ là nghĩa tình, mà còn là trách nhiệm”. Hiểu rõ tầm quan trọng trong chỉ đạo của Phó thủ tướng, bà Đỗ Hồng Xoan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam đã thể hiện sự sẻ chia của ngành du lịch: “Chúng tôi luôn sẵn sàng đứng bên cạnh những chiến sĩ áo trắng trên trận tuyến chống dịch. Đó là tấm lòng của chúng tôi thể hiện sự biết ơn đối với đội ngũ thầy thuốc”.

Với tinh thần ấy, ngành du lịch đã "đăng cai" nơi ở trong thời gian cách ly từ ngày 1 đến 15-4 đối với cán bộ, thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai. "Nhà" của các bác sĩ tạm thời là khách sạn 4 sao Mường Thanh Grand Xa La (Hà Đông, Hà Nội). Sau ca làm việc kéo dài vài ba ngày tại bệnh viện, các thầy thuốc được đón đến khách sạn, nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động trước khi trở lại tiếp tục công việc trong bệnh viện. Thời gian này, khách sạn luôn tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về cách ly y tế. Bên cạnh việc tài trợ phòng nghỉ, khách sạn Mường Thanh Grand Xa La còn hỗ trợ nấu ăn và những dịch vụ khác cho các y sĩ, bác sĩ. Toàn bộ hoạt động đều được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể theo quy trình khép kín, bảo đảm vệ sinh, an toàn.

Ông Nguyễn Thế Cường, Trưởng ban phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 của Tập đoàn Mường Thanh cho biết: “Các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai là những người hùng tuyến đầu trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Họ đang trải qua khoảng thời gian thực sự căng thẳng và vô cùng vất vả. Chính vì vậy, việc hỗ trợ nơi ăn, ở, tiện nghi hiện đại theo tiêu chuẩn 4 sao sẽ giúp các thầy thuốc bảo đảm sức khỏe tốt nhất để phục vụ cho trận chiến khó khăn trước mắt”.

Hai công dân nước ngoài làm thủ tục ra viện sau khi kết thúc thời gian cách ly ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2). Ảnh: ĐINH TRỌNG HẢI

Những chiến binh dũng cảm

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, đầu tháng 3-2020, Sở Ngoại vụ TP Hà Nội ban hành công văn gửi các công ty lữ hành, du lịch, dịch thuật, hướng dẫn viên du lịch quốc tế, đề nghị hỗ trợ dịch phục vụ công tác PCD Covid-19. Nội dung công việc là hỗ trợ đơn vị kiểm dịch y tế trong hướng dẫn thực hiện các biện pháp kiểm dịch theo quy định; phiên dịch hỗ trợ tại các cơ sở cách ly của thành phố. Bà Lê Phương Thúy, Trưởng phòng Lễ tân, Sở Ngoại vụ TP Hà Nội, đầu mối tiếp nhận tình nguyện viên cho biết đã nhận được thư, tin nhắn, đăng ký tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vì cộng đồng từ đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Sau đợt 1 (14 ngày), tất cả tình nguyện viên đều nhận được giấy xác nhận của các cơ sở cách ly. Trong đó, đề cao ý thức chấp hành nội quy, quy định khu cách ly tập trung; thực hiện chức năng phiên dịch; thường xuyên phối hợp với cán bộ, nhân viên y tế, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Tình nguyện hỗ trợ phiên dịch cho công dân nước ngoài tại khu cách ly Pháp Vân-Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) liên tiếp hai đợt, anh Đoàn Xuân Hiệp chia sẻ: “Tôi thấy hoạt động này rất ý nghĩa. Mình giúp người nước ngoài và người Việt ở khu cách ly cũng chính là giúp cho cuộc sống của mình. Càng nhanh hết dịch, cuộc sống càng sớm trở lại bình thường. Thời gian đầu tôi giúp những người phải cách ly nhận phòng, phối hợp với nhân viên y tế đo thân nhiệt cho người cách ly. Rồi vận động, giải thích để những người nước ngoài hiểu rõ chính sách tổ chức cách ly tập trung 14 ngày của Đảng, Nhà nước ta. Thật mừng, sau khi hiểu ra, họ đều khen Việt Nam chống dịch rất tốt. Cảm ơn nước ta đã chăm lo cho họ trong vòng 14 ngày. Tất cả mọi người sau khi hoàn thành thời gian cách ly đều vui vẻ, biết ơn Việt Nam...”. Bên cạnh những người tham gia trực tiếp, ngành du lịch còn đóng góp bằng vật chất cần thiết, như: Nước sát khuẩn, khẩu trang y tế... Mới đây, khách hàng và cán bộ, nhân viên Vietravel đã trao tặng 5.000 khẩu trang y tế chuyên dụng N95 và 10.000 khẩu trang y tế thông dụng đến Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) với tổng kinh phí trị giá 600 triệu đồng. Tập đoàn Mường Thanh cũng hỗ trợ 100 tấn gạo...

Những tấm lòng thơm thảo, tinh thần sẻ chia, sẵn sàng hy sinh lợi ích của nhiều cá nhân, đơn vị trong ngành du lịch giữa lúc khó khăn đã cho thấy họ thực sự là những chiến binh dũng cảm trên trận tuyến chống "giặc Covid-19".

LAN DỊU/Báo điện tử Quân đội nhân dân

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/nganh-du-lich-siet-chat-doi-ngu-gop-phan-day-lui-dich-benh-614583

Tệp đính kèm