Cập nhật: 10/04/2020 09:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dinh dưỡng không hợp lý, dinh dưỡng thiếu lành mạnh là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây gia tăng các bệnh lây nhiễm, làm thay đổi mô hình bệnh tật và tử vong ở Việt Nam với 75% tỷ lệ tử vong là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó đứng đầu là các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, gout...

Chế độ dinh dưỡng với bệnh không lây nhiễm

Theo thống kê, bệnh mạn tính không lây bao gồm béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư đang... là nguyên nhân dẫn đến tử vong của 40 triệu người trên thế giới mỗi năm. Ở Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng, là nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, chiếm 73% các trường hợp.

Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế và toàn cầu hóa thị trường đã có những ảnh hưởng nhất định đến lối sống, chế độ ăn, tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của quần thể dân cư, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Mức sống cải thiện, thực phẩm sẵn có tràn ngập... đã làm gia tăng các hậu quả liên quan đến thay đổi lối sống và thói quen ăn uống không hợp lý, giảm hoạt động thể lực và sử dụng thuốc lá thường xuyên dẫn đến sự gia tăng các bệnh mạn tính không lây nhiễm có liên quan tới ăn uống.

Càng ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chứng mình rằng việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng có tác động mạnh mẽ tới sức khỏe suốt cả cuộc đời của mỗi người. Sự điều chỉnh chế độ ăn không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe hiện tại mà còn có thể xác định là nguyên nhân của sự phát triển các bệnh như ung thư, tim mạch và đái tháo đường sau này hay không.

Khuyến cáo về chế độ dinh dưỡng hợp lý

Chế độ dinh dưỡng hợp lý phòng chống bệnh không lây nhiễm được khuyến nghị là: Ăn đủ so với nhu cầu, ăn đa dạng các loại thực phẩm, các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn gốc động vật và nguồn gốc thực vật.

Lương thực: Ngũ cốc là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể hoạt động. Ngoài ra, cũng nên ăn thay đổi các loại ngũ cốc khác nhau (như khoai lang, khoai tây, ngô...) để làm đa dạng bữa ăn và các chất dinh dưỡng, tăng cường lợi ích cho sức khỏe. Năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55-67% tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do các chất béo cung cấp chiếm 20-25% và phần còn lại 13-20% là từ chất đạm. Mỗi người trưởng thành có mức lao động thể lực trung bình nên ăn trung bình mỗi bữa 2 lưng bát cơm.

Nên ăn đầy đủ các loại thực phẩm để đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Chất đạm: Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật từ các loài gia súc, gia cầm, hải sản và đạm thực vật từ các loại đậu, đỗ... Ăn thịt ở mức vừa phải (không quá 100g/ngày/người trưởng thành). Trung bình 1,5kg thịt/tháng. Các loại thịt đỏ không sử dụng quá 10% năng lượng, ưu tiên thịt gia cầm. Khuyến khích ăn cá: ít nhất 3 bữa cá/tuần.

Tăng sử dụng đậu tương và chế phẩm từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành... và các hạt họ đậu khác...

Chất béo: Cần đảm bảo một tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất béo động vật (mỡ, thịt mỡ...) và chất béo thực vật (dầu, đậu tương, vừng, lạc...). Dầu, mỡ để rán chỉ dùng một lần rồi đổ bỏ; hạn chế ăn đồ nướng. Thực phẩm chế biến sẵn nếu tiêu thụ quá nhiều cũng dễ gây thừa cân béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mỗi người trưởng thành mỗi ngày trung bình nên ăn khoảng 25-30g dầu, mỡ tương đương 5-6 thìa cà phê dầu, mỡ.

Rau và quả chín:  Nên ăn ít nhất 400g rau, quả mỗi ngày có tác dụng phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng. Những người thừa cân, béo phì, rối loạn glucose máu, đái tháo đường nên lưu ý hạn chế các loại quả chín ngọt và nhiều năng lượng như chuối, xoài, mít, vải...

Nên hạn chế ăn mặn. Thói quen ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như tăng huyết áp, ung thư dạ dày. Chỉ nên ăn < 5g muối/ngày/người (gần bằng một thìa cà phê).

Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia và tăng cường vận động mỗi ngày là yếu tố quan trọng để có sức khỏe tốt, phòng chống mắc các bệnh không lây nhiễm.

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm