Trung bình người Việt Nam hơn 60 tuổi có 2,6 bệnh; người hơn 80 tuổi có 6,8 bệnh. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc dự phòng cho nhóm người cao tuổi (NCT) là rất quan trọng vì họ là những người có sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng.
Nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh để ngăn chặn dịch Covid-19.
Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Trưởng Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19: Số liệu thống kê, nghiên cứu cho thấy NCT, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn, bệnh cảnh nặng hơn, điều trị kéo dài, tăng chi phí và tỷ lệ tử vong cao hơn. Trong khi đó, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu NCT, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành... Việc chủ động dự phòng đối với NCT là vô cùng quan trọng. Vì vậy, Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phòng, chống dịch Covid-19 cho NCT tại cộng đồng”. Tài liệu này được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm hướng dẫn cán bộ y tế cơ sở phối hợp y tế tuyến trên và chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương vừa thực hiện nhiệm vụ dự phòng lây nhiễm Covid-19 cho NCT vừa bảo đảm điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh. Dịch Covid-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, đòi hỏi mỗi NCT và thành viên gia đình, người chăm sóc cho NCT cũng cần có kiến thức, kỹ năng cần thiết.
Các biện pháp phòng bệnh được nêu trong hướng dẫn là: NCT hãy ở nhà, hạn chế ra ngoài, nhất là với những người mắc các bệnh lý mạn tính như: Bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành…), bệnh phổi (hen phế quản, bệnh phổi mạn tính…), đái tháo đường… Vì đây là nhóm đối tượng nếu không may bị mắc Covid-19 thì dễ diễn biến nặng và nguy cơ tử vong cao. Với những trường hợp bắt buộc phải ra ngoài thì cần thực hiện biện pháp dự phòng phù hợp. Mặt khác cần tránh đến những nơi đông người như chợ, lễ hội, đám cưới…; hạn chế đi lại bằng máy bay, tàu thủy; tham gia phương tiện công cộng như xe buýt, tàu…
Các chuyên gia khuyến cáo NCT khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang. Ðeo khẩu trang đúng cách, giặt sạch khẩu trang hằng ngày bằng xà-phòng để dùng lại cho lần sau... Không tiếp xúc gần hay dùng chung đồ ăn, uống với người có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi... hoặc người từ vùng dịch trở về; chủ động bố trí nơi sinh hoạt riêng của NCT cách nơi sinh hoạt chung hơn 2 m; thường xuyên rửa tay (bằng xà-phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn) và giữ vệ sinh cá nhân, nơi ở.
NCT nên duy trì chế độ luyện tập đều đặn, ngay cả khi không thể ra ngoài; có thể duy trì và nâng cao sức khỏe tại một góc nhà, ban công, trước màn hình ti-vi. Tập luyện mang lại sức mạnh về tinh thần đồng thời giảm căng thẳng, lo lắng. NCT cần ăn đủ dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm để phòng tránh suy dinh dưỡng, sụt cân. Chế độ ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, cá, tôm, trứng và có thể phối hợp các loại đậu đỗ như đậu tương, đỗ xanh, đỗ đen… Có thể sử dụng một số gia vị, thực phẩm chứa các chất giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, nghệ, sả, nấm, tảo biển, trà xanh, sữa chua... Thực hiện ăn chín, uống sôi để bảo đảm an toàn thực phẩm. Những NCT mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hay suy thận, suy tim thì thực hiện chế độ ăn điều trị các bệnh do bác sĩ đã hướng dẫn. Uống nước đủ mỗi ngày.
Đáng chú ý, với những NCT có các bệnh mạn tính như: đái tháo đường, bệnh phổi mạn, bệnh tim mạch, huyết áp…, cần bảo đảm đủ thuốc và dùng theo hướng dẫn của bác sĩ; không tự ý bỏ thuốc, thay đổi thuốc, tăng liều, giảm liều. Theo dõi tình hình sức khỏe bản thân hằng ngày, bất cứ sự thay đổi nào dù nhỏ hay thoáng qua về sức khỏe phải báo ngay cho người thân và nhân viên y tế. Cập nhật thông tin về dịch Covid-19 qua phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng, chống dịch, tránh hoang mang, lo lắng trước các thông tin chưa được kiểm chứng. Chuẩn bị trước một số việc cần làm nếu không may bản thân bị ốm hoặc bị cách ly như: có sẵn thông tin, số điện thoại của trạm y tế xã, phường, bác sĩ đang chăm sóc sức khỏe cho NCT để được tư vấn khi cần thiết; lưu số điện thoại của người thân, hàng xóm…
Về phía gia đình và người chăm sóc, cần tuân thủ đúng những hướng dẫn về y tế như: thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh cho bản thân; không trực tiếp chăm sóc và tiếp xúc gần với NCT khi người đó có biểu hiện bệnh đường hô hấp như ho, sốt, tức ngực, khó thở… hoặc từ vùng dịch về; bố trí nơi sinh hoạt riêng cho NCT (nếu có thể). Tìm hiểu thông tin sức khỏe của NCT bảo đảm có đầy đủ thuốc đang sử dụng và các phương tiện đơn giản để theo dõi sức khỏe; liên hệ với cơ sở y tế NCT đang điều trị bệnh để được tư vấn cấp phát thuốc theo quy định. Các thành viên trong gia đình cần hiểu rõ về lịch trình sinh hoạt hằng ngày, chế độ dinh dưỡng, tập luyện tùy theo tình trạng bệnh và thói quen của NCT để có thể bố trí phối hợp chăm sóc NCT hợp lý nhất...
Theo THANH MAI/ nhandan.com.vn