Tỷ lệ thất nghiệp với tốc độ phi mã đang phá vỡ mọi kỷ lục từng có trong lịch sử nhân loại hiện đại và tước đi nguồn thu nhập của hơn một phần ba dân số thế giới. Đây là nhận định được đăng tải trên tờ “Báo Độc lập” của Nga, tối 21-4 vừa qua.
Theo đó, tác giả bài báo cho rằng, người lao động tại Pakistan, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thất nghiệp và thu nhập giảm. Kết luận này dựa theo khảo sát toàn cầu về tình hình tài chính của cư dân Trái đất trong đại dịch Covid-19, do Gallup International và Romir, có trụ sở tại Thụy Sỹ, tiến hành.
Cụ thể, khoảng 17 nghìn người tại 18 quốc gia đã tham gia cuộc khảo sát này, trong đó 37% số người được hỏi cho biết thu nhập của họ giảm đáng kể và 15% số khác thừa nhận bị mất việc làm. Ngoài ra, 12% cho biết họ buộc phải chịu cảnh cắt giảm nửa thời gian làm việc và 28% nói rằng họ đã bị cho nghỉ việc, song hy vọng đây chỉ là tình trạng tạm thời.
Theo khảo sát, có tới 84% số người tham gia khảo sát tại Pakistan, 63% tại Thái Lan và 61% số người tại Indonesia cho biết thu nhập của họ giảm đáng kể. Pakistan cũng là nơi tình trạng thất nghiệp được cho là tồi tệ nhất thế giới với 68% số người tham gia khảo sát cho biết bị mất việc. Người lao động tại Malaysia và Philippines cũng lâm tình cảnh thất nghiệp nặng nề với tỷ lệ lần lượt là 47 và 34%. Tại Nga, tỷ lệ người thất nghiệp là 12%.
Tình trạng giảm thu nhập và thất nghiệp khả dĩ nhất được ghi nhận tại Áo, với 9% số người bị giảm thu nhập. Tỷ lệ này ở Đức là 11%, Thụy Sĩ và Nhật Bản có tỷ lệ như nhau - 14%. Tuy nhiên, Nhật Bản là nơi có tỷ lệ thất nghiệp do đại dịch Covid-19 thấp nhất, chỉ là 1%. Tỷ lệ này ở Đức là 2% và Hàn Quốc là 3%.
Tính chung trên toàn thế giới, tỷ lệ người lao động dưới tuổi 30 bị mất việc chiếm 19%, trong khi 42% số lao động trong độ tuổi từ 30 đến 49 lại đối mặt tình cảnh thu nhập giảm đáng kể. Tại Nga, đại dịch Covid-19 đã khiến 20% người lao động mất việc, đồng nghĩa không còn nguồn thu nhập hoặc mất một phần nguồn thu nhập.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy tình hình tài chính của các doanh nghiệp tư nhân tồi tệ hơn hẳn, với 41% doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc một phần. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp vẫn hy vọng rằng đây chỉ là tình trạng tạm thời, trong khi chỉ có 10% doanh nghiệp cho biết sẽ không thể duy trì hoạt động trong vòng ba, bốn tháng tới, và 21% số khác cho biết họ hy vọng nguồn doanh thu tăng trưởng nhẹ.
Một cuộc thăm dò khác được tiến hành tại Nga cho thấy 51% số người tham gia cho rằng thu nhập giảm trong mùa dịch là hệ luỵ tất yếu. Cuộc khảo sát mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Nga cũng cho biết, 20% số doanh nghiệp có ý định cắt giảm lương của nhân viên do khủng hoảng. Trong khi đó, Bộ trưởng Lao động Nga Anton Kotyakov mới đây cũng đã báo cáo với Tổng thống nước này Vladimir Putin rằng chỉ trong thời gian một tuần qua, đã có 180 nghìn người chính thức nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, chưa kể 44.000 người bị mất việc kể từ đầu năm đến nay, nâng tổng số “đội quân” thất nghiệp tại Nga lên 735.000 người, chiếm 6,36% số người trong độ tuổi lao động. Bộ trưởng Kotyakov cũng cảnh báo số người mất việc trên toàn Liên bang Nga có thể lên tới 915.000 người, nếu như tất cả các trường hợp này đều được trình báo với nhà chức trách. Trong khi đó, Chủ tịch Cơ quan Kiểm toán Nga, Alexey Kudrin cho rằng đại dịch do virus SARS-CoV-2 có thể đẩy số người thất nghiệp tại Nga lên tới 8 triệu vào cuối năm nay.
Ngay cả trước khi dịch bệnh Covid-19 trở thành vấn nạn toàn cầu, một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) từ cuối tháng 1 đã khuyến cáo số người thất nghiệp trên thế giới vào thời điểm cuối năm 2019 là 188 triệu người và sẽ tăng thêm 2,5 triệu người vào năm 2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh tê liệt trên hầu khắp thế giới hiện nay, gia nhập thêm “đội quân thất nghiệp” chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 2,5 triệu nói trên. Tờ báo kết luận: Tỷ lệ thất nghiệp với tốc độ gia tăng chóng mặt, chắc chắn sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong lịch sử nhân loại hiện đại.
QUẾ ANH/Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga
Theo nhan.com.vn