Trứng là một thực phẩm ngon, bổ dưỡng và tự nhiên, giá thành rẻ. Lượng protein trong trứng vô cùng dồi dào, lipid, carbohydrat, các hợp chất carbon, Ca, P, Fe, sinh tố A, B1, B2, PP, acid amin, nucleoflavin, cholesterol... Hơn nữa, trứng gà còn là vị thuốc quý phòng trị nhiều bệnh.
Trứng gà còn gọi kê đản. Theo Đông y, lòng trắng trứng (đản thanh) có vị ngọt, tính lương, nhuận phế, thanh nhiệt giải độc. Lòng đỏ trứng (đản hoàng) vị ngọt, tính bình, vào tâm, tỳ, phế thận. Tác dụng tư âm nhuận táo, bổ huyết, dưỡng tâm an thần, chủ yếu do lòng đỏ. Trứng gà rất tốt cho người bị sốt nóng ho khan, khản giọng nuốt đau, đau mắt đỏ; Phụ nữ động thai; Sau đẻ hoa mắt chóng mặt suy nhược cơ thể; Kinh nguyệt không đều; Hội chứng lỵ cấp xuất huyết. Mỗi ngày nên ăn 1-2 quả, bằng cách nấu chín (luộc, chưng...). Sau đây là một số thực đơn chữa bệnh có trứng gà:
Canh trứng gà sa sâm: Sa sâm 15-60g, trứng gà 2 quả. Nấu dạng canh trứng, nêm gia vị thích hợp, ăn ngày 1 lần. Dùng tốt cho người bị đau nhức răng.
Trứng gà chưng hồ đào nhân (hạt óc chó) rất tốt cho người bị giảm tiết dịch gây khô kết mạc mắt nhìn mờ.
Canh trứng gà tề thái: Trứng gà 1 hoặc 2 quả, tề thái tươi 200g. Tề thái rửa sạch cắt ngắn, cho vào nồi thêm nước lượng tùy ý nấu thành canh. Khi rau chín nhừ, đập trứng gà, thêm gia vị, ăn ngày 1 lần. Món này thích hợp cho người bị lao thận đái máu đại thể.
Canh trứng gà tân di: Trứng gà 2 quả, tân di 9g, nấu thành canh, ăn ngày 1 lần. Dùng rất tốt cho người bị viêm mũi, viêm xoang.
Trứng gà hầm rượu, tam thất ngó sen: Trứng gà 2 quả, tam thất tán mịn 3g, nước ép ngó sen 200ml, rượu nhạt 150ml. Đập trứng vào thố đựng nước ngó sen rượu và tam thất, đun cách thủy, khuấy đều cho tới khi chín. Ăn ngày 1 lần. Món này thích hợp với người bị ho ra máu, nôn ra máu, đại tiện ra máu, xuất huyết dạ dày, ruột.
Trứng gà hấp hồ đào: Trứng gà 2 quả, hồ đào nhân (hạt óc chó) 10g, thêm gia vị liều lượng thích hợp. Trứng gà bỏ vỏ cho vào vào bát đánh; hồ đào nhân nghiền vụn, khuấy với trứng gà và một chút nước, đem chưng cách thủy, thêm gia vị thích hợp là được. Ngày ăn 1 lần, liên tục 5-7 ngày. Món này rất tốt cho người bị giảm tiết dịch gây khô kết mạc mắt nhìn mờ.
Sữa bò chưng lòng đỏ trứng: Trứng gà 2 quả loại bỏ lòng trắng lấy lòng đỏ, khuấy với sữa bò tươi (hoặc sữa mẹ) đun sôi là được. Món này rất tốt cho trẻ còn bú sốt nóng kinh giật.
Bột bạch cập đánh trứng gà: Trứng gà 1 quả, bột mịn bạch cập 5g. Đập trứng vào bát, cho bột bạch cập vào khuấy đều, chiêu với nước sôi. Dùng tốt cho người bị lao phổi ho đờm lẫn máu.
Trứng gà hầm bối mẫu: Trứng gà 1 quả, xuyên bối mẫu 5g, đường phèn 5g. Ở đầu to của trứng gà đâm 1 lỗ nhỏ, cho đường phèn và bối mẫu (đã tán vụn) vào, lắc đều, dùng giấy hồ nếp dán lại hấp trên nồi cơm vừa cạn nước. Mỗi ngày làm 1 lần, chia ăn 2 lần trong ngày, đợt dùng liên tục 3 ngày. Dùng tốt cho trẻ lứa tuổi mẫu giáo bị ho gà, ho do viêm khí phế quản.
Chè trứng gà ngân nhĩ: Trứng gà 2 quả, ngân nhĩ (bạch mộc nhĩ) 10g, sa sâm 15g, đường trắng lượng thích hợp. Nấu dạng chè, để nguội cho ăn. Dùng tốt cho người bị ho khan, sốt nóng ít đờm (lao phổi, giãn phế quản, viêm khí phế quản).
Chè trứng gà hạt sen: Trứng 1 quả, hạt sen 30g, đường 30g, rượu 30ml. Hạt sen nấu chín với đường, thêm rượu và đập trứng vào đun sôi, ăn trước khi đi ngủ. Món này thích hợp cho người bị bệnh lâu ngày, người cao tuổi, phụ nữ sau đẻ cơ thể suy nhược.
Trứng gà luộc hầm nước ngũ gia bì: Trứng gà 1 quả, ngũ gia bì 9g cùng cho nước nấu kỹ, bóc bỏ vỏ trứng, vớt bỏ bã thuốc, đun sôi đều là được. Ăn trứng và uống nước sắc. Dùng cho trẻ em chậm biết đi.
Kiêng kỵ: Không nên ăn nhiều trứng gây đầy bụng không tiêu. Không ăn trứng gà sống dễ gây rụng lông tóc, viêm nhọt.
Theo suckhoedoisong.vn