Một lần nữa, một nghiên cứu khác lại cho thấy thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine không giúp ích gì trong điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona.
Nghiên cứu mới từ các nhà nghiên cứu ở New York cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong giữa những bệnh nhân dùng hydroxychloroquine (ảnh), azithromycin, cả hai thuốc này hoặc không dùng thuốc nào.
Các nhà nghiên cứu New York cho biết bệnh nhân không nhận được lợi ích nào cho dù họ chỉ dùng thuốc đơn thuần hay kết hợp với kháng sinh azithromycin.
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy hydroxychloroquine có thể có tác dụng kháng virus và chống viêm có thể giúp ích những người bị bệnh do virus corona.
Điều này đã thúc đẩy một loạt các nghiên cứu, sự ủng hộ của Tổng thống Donald Trump và quy định khẩn cấp từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã biết rằng loại thuốc này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về tim, đặc biệt là khi dùng chung với azithromycin.
Nghiên cứu mới đã khẳng định lại điều này, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những bệnh nhân sử dụng kết hợp hai thuốc dễ bị ngừng tim hơn so với những người chỉ dùng một thuốc hoặc không dùng thuốc nào,
Nghiên cứu, được công bố trên tờ Journal of the American Medical Association, đã xem xét 1.438 bệnh nhân COVID-19 tại 25 bệnh viện ở New York.
Đây là một nghiên cứu là quan sát, chứ không phải một thử nghiệm so sánh những người được điều trị bằng thuốc với những người dùng giả dược, vốn là tiêu chuẩn vàng của các thử nghiệm.
Bệnh nhân được điều trị bằng hydroxychloroquine, azithromycin, kết hợp cả hai thuốc này hoặc không dùng thuốc nào.
Những người dùng thuốc dễ là người mắc đái tháo đường, có nồng độ oxy thấp và khó thở.
Khoảng 25% số bệnh nhân điều trị hydroxychloroquine và azithromycin đã tử vong so với khoảng 20% những người chỉ điều trị hydroxychloroquine và 10% những người chỉ điều trị azithromycin.
Khoảng 12%số bệnh nhân không dùng thuốc nào trong số này bị tử vong.
"Điều trị bằng hydroxychloroquine, azithromycin hoặc cả hai, so với không điều trị, không liên quan đáng kể với sự khác biệt về tỷ lệ tử vong trong bệnh viện", các nhà nghiên cứu viết.
Tổng thống Trump đã nhiều lần thúc giục sử dụng hydroxychloroquine, loại thuốc thường được sử dụng cho bệnh lupus và viêm khớp dạng thấp.
Thuốc có khả năng gây tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm thay đổi nhịp tim có thể dẫn đến đột tử, và FDA đã cảnh báo không sử dụng để điều trị nhiễm virus corona ngoại trừ các nghiên cứu chính thức.
Cảnh báo của cơ quan này được đưa ra sau khi người Mỹ bắt đầu tích trữ thuốc và một số nghiên cứu báo cáo tỷ lệ đáng báo động của rối loạn nhịp tim nguy hiểm - tác dụng phụ đã biết của hydroxychloroquine - ở bệnh nhân virus corona được điều trị bằng thuốc này.
Nghiên cứu mới được tiến hành nối tiếp một nghiên cứu khác của Đại học Columbia, trong đó nhóm nghiên cứu đã so sánh hơn 800 bệnh nhân được điều trị bằng hydroxychloroquine với hơn 560 người được chăm sóc hỗ trợ
Trong số gần 1.400 bệnh nhân trong nghiên cứu quan sát, có 181 cần thở máy và 232 người chết, không thấy sự khác biệt giữa các nhóm.
Thuốc được bắt đầu sử dụng trong vòng hai ngày sau khi nhập viện ở gần như tất cả những bệnh nhân được dùng thuốc. Một số người chỉ trích các nghiên cứu trước đó đã nói rằng điều trị có thể đã bắt đầu quá muộn để mang lại hiệu quả tốt.
"Thật đáng thất vọng khi vài tháng sau đại dịch, chúng ta vẫn chưa có kết quả" từ bất kỳ thử nghiệm nghiêm ngặt nào về thuốc”, các tác giả viết.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới “cho thấy phương pháp điều trị này không phải là thần dược”.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Sức khỏe quốc gia, nơi đã phát động hai thử nghiệm riêng so sánh hydroxychloroquine với giả dược.
Một nghiên cứu bao gồm bệnh nhân Covid-19, còn nghiên cứu kia nhằm xem liệu thuốc này có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng ở các nhân viên y tế phơi nhiễm với virus hay không. Cả hai đều bắt đầu vào tháng Tư.
Trong khi đó, remdesivir, một thuốc chống virus ban đầu được phát triển để điều trị Ebola, đã tiếp tục cho thấy triển vọng cải thiện tỷ lệ sống của bệnh nhân virus corona, đã nhận được quy định sử dụng khẩn cấp của FDA và thúc đẩy sản xuất toàn cầu.
Theo Cẩm Tú/dantri.com.vn