Các trải nghiệm ảo trong mùa dịch COVID-19 cho phép khán giả trở thành bất kỳ nhân vật nào họ thích, cuốn theo các màn biểu diễn giống như trong các show diễn thực.
Rapper người Mỹ Travis Scott hóa thân thành một nhà du hành vũ trụ trong tựa game Fortnite. (Nguồn: finance.yahoo.com)
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 càn quét khắp toàn cầu, gây tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống, kinh tế, văn hóa và xã hội, trong đó hoạt động nghệ thuật cũng không ngoại lệ.
Không còn ánh đèn sân khấu, các nghệ sỹ vẫn tiếp tục làm say mê hàng triệu khán giả, chỉ có điều lần này là trên những sân khấu ảo.
Việc các nghệ sỹ đời thực xuất hiện trong các buổi biểu diễn ảo trên các nền tảng game trực tuyến dần trở nên phổ biến trong vài tuần qua, sau khi rapper người Mỹ Travis Scott hóa thân thành một nhà du hành vũ trụ đang phiêu trong cõi huyền ảo, thu hút đến 12,3 triệu người chơi tựa game đình đám Fornite theo dõi màn biểu diễn kéo dài 10 phút của rapper này trong game.
Theo nhà quản lý game, hơn 27,7 triệu khán giả đã xem buổi phát sóng đầu tiên và 4 buổi phát lại màn trình diễn của Travis Scott.
Hồi đầu tháng 5, Fornite lại mời người chơi tham gia một “bữa tiệc ảo” với sự tham gia của DJ deadmau5 và Steve Aoki, nhân dịp nền tảng này cán mốc 350 triệu game thủ.
Adam Arrigo, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty công nghệ giải trí Wave, nhận xét các buổi biểu diễn ảo đang “bùng nổ” trong thời điểm người dân trên khắp thế giới chịu tác động của các lệnh phong tỏa vì dịch.
Một nghệ sỹ phát trực tuyến chương trình lên mạng Internet. (Nguồn: The Verge)
Dịch COVID-19 đã trở thành cơ hội để chứng minh giá trị kinh tế và sáng tạo của loại hình trình diễn phi truyền thống này.
Bản thân Arrigo cũng là một nhạc sỹ. Anh cho rằng các trải nghiệm ảo cho phép khán giả trở thành bất kỳ nhân vật nào họ thích, cuốn theo các màn biểu diễn giống như trong các show diễn thực.
Tuy nhiên, điểm khác biệt là công nghệ đem đến cho người xem những trải nghiệm thị giác mới mẻ và khả năng tương tác trên mạng ảo, đồng thời cho phép các nghệ sỹ tiếp cận những người hâm mộ mà bình thường có thể không đi xem biểu diễn vì nhiều lý do, trong đó có chi phí vé, thời gian di chuyển hay đơn giản là ghét đám đông.
Dmitri Williams, một học giả nghiên cứu công nghệ truyền thông tại Đại học Nam California, cho rằng đây là tình huống đôi bên cùng có lợi. Các nghệ sỹ có thể thu hút các "fan" tiềm năng, trong khi các nhà phát hành game có thể kết hợp với một thứ gì đó “giải trí và đáng tin.”
Theo ông William, đại dịch COVID-19 đang tạo ra cơ hội vàng cho thị trường. Phần lớn các nhà phát triển game cho rằng giai đoạn này cũng giống như những thời điểm “gặt hái” khi thế giới ở trạng thái bình thường, chẳng hạn như các cơn sốt mua sắm dịp Giáng sinh.
Trong 2 thập kỷ qua, ngành công nghiệp âm nhạc liên tục ca bài ca “trải qua thời kỳ chưa từng có tiền lệ,” từ loay hoay đổi mới các mô hình kinh doanh trước sức ép cạnh tranh từ các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến (streaming), cho đến “cú sốc” mang tên COVID-19 khiến các nghệ sỹ phải hủy bỏ các hoạt động biểu diễn.
Adam Arrigo tin rằng các buổi diễn ảo là cú hích cho ngành âm nhạc, bên cạnh các show diễn thực, đem lại niềm vui cho người hâm mộ và thu nhập cho các nghệ sỹ.
Theo anh Arrigo, các nguồn thu online hiện nay đến từ các giao dịch mua đồ cho nhân vật trong game hoặc fan có thể tặng vật phẩm cho nghệ sỹ, đổi lại nghệ sỹ sẽ tương tác với người hâm mộ.
Ngoài ra, các buổi biểu diễn ảo có thể thu tiền vé với các mức giá khác nhau. Tuy nhiên, nhà đồng sáng lập Wave cho rằng các show diễn ảo sẽ không thể và không đặt mục tiêu thay thế các màn trình diễn “bằng xương bằng thịt,” bởi ở đó không có sự kết nối vật lý giữa người với người.
Dù sao đi chăng nữa, Arrigo nhấn mạnh, thực tế ảo sẽ luôn đồng hành cùng cuộc sống thực.
Theo Hồng Hạnh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nghe-sy-thuc-tren-san-khau-ao-xu-the-moi-thoi-dai-dich-covid19/640256.vnp