Cập nhật: 17/05/2020 20:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau ba ngày làm việc, với tinh thần làm việc hết sức khẩn trương, trách nhiệm và sự tập trung cao độ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc của Phiên họp thứ 45.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chiều 16/5, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 45.

Sau ba ngày làm việc (8/5 và 15-16/5), với tinh thần làm việc hết sức khẩn trương, trách nhiệm và sự tập trung cao độ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc của Phiên họp thứ 45.

Các nội dung đều được tiến hành thảo luận nghiêm túc để cho ý kiến toàn diện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạm dừng Phiên họp thứ 45 và sẽ bố trí thời gian thích hợp để tiếp tục xem xét các nội dung còn lại.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chỉ còn ba ngày nữa sẽ khai mạc Kỳ họp thứ chín của Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội sẽ có hình thức họp đặc biệt hơn so với thông lệ, họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung.

Để kỳ họp diễn ra thông suốt, đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, các đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội theo dõi chương trình, nắm rõ các hướng dẫn và chủ động triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ; Văn phòng Quốc hội tiếp tục chủ động kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị về mọi mặt điều kiện về cơ sở kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn mạng, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh,… bảo đảm sẵn sàng phục vụ kỳ họp an toàn, hiệu quả.

Cũng trong chiều cùng ngày, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là thúc đẩy cơ cấu lại đầu tư và cơ cấu lại các ngành, vùng lãnh thổ; tập trung nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối vùng miền, dự án có tính động lực, lan tỏa; bảo đảm tương quan hợp lý giữa phát triển kinh tế-xã hội và an sinh xã hội, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các địa phương, giữa các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác; tránh đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, bảo đảm tính minh bạch, công khai trong hoạt động đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tầm nhìn dài hạn; tiếp cận phương pháp tiên tiến của quốc tế.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội do Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải trình bày, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị xem xét ưu tiên bố trí vốn hợp lý cho miền núi, các tỉnh phía Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách vùng, miền, kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng; ưu tiên bố trí vốn để ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, ngoài 5 tiêu chí, định mức tính điểm về dân số, trình độ phát triển, diện tích, đơn vị hành chính cấp huyện và các tiêu chí bổ sung như báo cáo của Chính phủ nêu thì cần phải tính đến yếu tố thực trạng.

Có những nơi có nhiều đường giao thông, nhiều loại hình đường giao thông, người dân có nhiều sự lựa chọn, muốn đi đường nào cũng được. Có những địa phương chỉ có duy nhất một con đường, người dân muốn đi đâu cũng phải qua con đường đó, không có sự lựa chọn. Từ thực tế đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải bổ sung tiêu chí về thực trạng để bảo đảm tính công bằng giữa các địa phương, vùng miền...

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công cần rõ ràng hơn, tránh chung chung, nên xây dựng thành hệ số (như hệ số về vùng miền, hệ số về dân số, hệ số về điều kiện địa lý…). Bên cạnh đó, phải chú ý đến những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Các vùng có liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia, những vùng đã được bố trí vốn của nhiều giai đoạn trước thì lần này cần nhường cho các vùng khác, khắc phục tình trạng vùng này có nhiều đường giao thông nhưng vùng khác chỉ có con đường độc đạo.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuyển đổi hình thức đầu tư của 8 dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) từ nguồn ngân sách nhà nước./.

Theo Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/ubtv-quoc-hoi-cho-y-kien-toan-dien-ve-cac-noi-dung-trong-ba-ngay-hop/640607.vnp

Tệp đính kèm