Trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các chính sách hỗ trợ về lao động - an sinh xã hội, giúp người dân từng bước vượt qua khó khăn của đại dịch này.
Gói hỗ trợ an sinh xã hội đến với người dân ở Hà Nam (Ảnh: Tống Giáp).
Dịch Covid-19 tác động sâu sắc tới lao động - việc làm toàn cầu
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đã gây thiệt hại chưa có tiền lệ về lao động và việc làm trên phạm vi toàn cầu. “Báo cáo nhanh số 3 của ILO: Đại dịch Covid-19 và thế giới việc làm” cho biết, dự kiến tình trạng số giờ làm việc bị giảm trong quý 2-2020 sẽ nhiều hơn với ước tính trước đây. Số giờ làm dự kiến bị cắt giảm sẽ là 10,5%, tương đương với 305 triệu lao động toàn thời gian ( với giả định lao động làm việc 48 giờ một tuần). Trong khi con số ước tính trước đây là 6,7% tổng số giờ làm bị cắt giảm, tương đương với 195 triệu lao động toàn thời gian. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các quốc gia tiếp tục áp dụng các biện pháp phong tỏa trong thời gian dài.
Những số liệu mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động cho thấy, đại dịch này ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức và hàng trăm triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới. Theo ILO, số giờ làm việc tiếp tục giảm mạnh trên toàn cầu do đại dịch Covid-19 sẽ khiến 1,6 tỷ người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, tương đương gần nửa lực lượng lao động toàn cầu, đứng trước nguy cơ bị mất sinh kế.
Số liệu của ILO cũng cho thấy, hơn 436 triệu doanh nghiệp toàn thế giới phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn hoạt động nghiêm trọng. Những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Những chính sách kịp thời của Việt Nam
Chi trả hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn trong dịch Covid-19 ở Thanh Hóa (Ảnh: Mai Luận).
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá, lao động và việc làm là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất xét cả về khía cạnh kinh tế và xã hội trong dịch Covid-19 ở Việt Nam. Với quy mô hơn 55 triệu lao động có việc làm, do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất. Điều nàyđã tác động không nhỏ tới vấn đề việc làm của người lao động.
Tính đến hết tháng tư năm nay, khoảng 670 nghìn lao động bị mất việc làm khoảng 670 nghìn người. 67% doanh nghiệp phải cho nhân viên chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm thời nghỉ việc hoặc bố trí việc làm luân phiên. Hơn 80% lao động trong khu vực phi chính thức phải tạm dừng hoạt động kinh doanh để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, tính đến giữa tháng 4 năm 2020, gần năm triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gần 85% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngay tại thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam trong giai đoạn đầu tháng ba, cả nước phải thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 1-4, nhưng ngay lập tức, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 42), với gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá hơn 62 nghìn tỷ đồng.
Nghị quyết dựa trên bốn nguyên tắc cơ bản.
Trước hết, hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hỗ trợ thêm một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.
Cùng với đó, Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong bảo đảm cuộc sống cho người lao động.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ hai chính sách trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
Cuối cùng là, ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách.
Nghị quyết 42 dành ngân sách hơn 62 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 2,7 tỷ đô-la Mỹ), nhằm hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc bảy nhóm đối tượng thụ hưởng gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trọng tâm của Nghị quyết nhằm hỗ trợ những người lao động và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, giữ được lao động và đứng vững trong giai đoạn hiện nay.
Gói hỗ trợ đặc biệt này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn nặng nề của đại dịch này.
Hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai giải ngân gói hỗ trợ an sinh xã hội này tới người dân. Đến thời điểm này, hầu hết các tỉnh, thành phố đã chi trả cho bốn nhóm đối tượng: người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo đạt khoảng 98%. Những trường hợp còn lại chưa chi trả được do một số vướng mắc về mặt thủ tục.
Đối với các nhóm đối tượng còn lại, hiện các địa phương cơ bản khảo sát xong và đang được Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách và kinh phí. Công tác chi trả thực hiện theo tinh thần đến đâu cấp đến đấy, phải khẩn trương hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài như: tăng cường thông tin, tuyên truyền về dịch Covid-19 để họ chủ động phòng, chống dịch; phối hợp chặt chẽ với nước sở tại và chủ sử dụng lao động để hỗ trợ y tế trong trường hợp bị nghi nhiễm, nhiễm bệnh; hỗ trợ kinh tế, việc làm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp theo hợp đồng của người lao động.
Theo thạc sĩ Phạm Chung, chuyên gia quan hệ lao động và quản trị nguồn nhân lực trường Đại học Sydney (Australia), các chính sách của Việt Nam đã bám sát ba trụ cột là hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động và tăng cường độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội. Chỉ sau năm ngày công bố, sáu đường dây nóng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về gói hỗ trợ an sinh xã hội thu hút hơn 46,6 nghìn lượt điện thoại. Hơn 12 nghìn lượt hỏi đã được giải đáp. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của người dân đối với chính sách hỗ trợ này.
Hy vọng, trong thời gian tới, việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội tại các địa phương sẽ bảo đảm đúng tiêu chí công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách. Qua đó, giúp chương trình phát huy tối đa tinh thần nhân văn vốn có.
Theo HÀ DUNG/nhandan.com.vn