Dự án phim hoạt hình “Trưng Vương” được mở đầu bằng bảy phim hoạt hình ngắn về các nữ tướng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đang tạo được ấn tượng tốt đẹp với công chúng. Dự án đánh dấu sự kết hợp của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, Janet Ngô và đạo diễn Đặng Hải Quang để ra mắt sê-ri hoạt hình hành động lịch sử đầu tiên do Việt Nam sản xuất.
Tạo hình nữ tướng Thánh Thiên trong loạt phim hoạt hình “Trưng Vương”.
Dự án “Trưng Vương” mở đầu bằng loạt phim hoạt hình về bảy nữ tướng của Hai Bà Trưng: Thánh Thiên, Lê Chân, Bát Nàn, Ả Chạ, Phật Nguyệt, Hồ Đề, Quý Lan. Câu chuyện về mỗi nữ tướng với dung mạo, tài năng khác nhau được xây dựng tỉ mỉ, sinh động qua từng tập phim làm nổi bật tinh thần dũng cảm, kiên cường và vẻ đẹp đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử. Với thời lượng từ ba đến bốn phút, mỗi tập phim tạo nên lát cắt độc đáo dẫn nhập vào câu chuyện lịch sử về quá trình quy tụ các nữ tướng dưới cờ khởi nghĩa của chị em Trưng Trắc - Trưng Nhị.
Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cho biết, để truyền tải được cơ bản tinh thần của “Trưng Vương” trong mỗi tập phim hoạt hình là điều khó khăn với ê-kíp cho nên họ quyết định thực hiện loạt phim. Đây cũng là giải pháp hợp lý nhằm chuyển tải dữ liệu lịch sử đa dạng thời khởi nghĩa Hai Bà Trưng mà đến tận ngày nay vẫn mang đến nhiều cảm hứng cho hậu thế. Hiện nay, dự án đã công chiếu các tập phim trên in-tơ-nét và đều nhận được phản hồi tích cực từ khán giả, giới chuyên môn. Các chuyên gia điện ảnh đánh giá, “Trưng Vương” có nhiều ưu điểm nổi bật, trong đó cách xây dựng nội dung tinh gọn, dễ hiểu, đồ họa đẹp mắt. Để đạt được hiệu quả cao, suốt bốn năm kể từ khi khởi động dự án, ê-kíp sản xuất đã xây dựng đội ngũ cố vấn gồm các nhà sử học, văn hóa học. Ngoài ra, các yếu tố phụ như: nhạc phim, chi tiết hình ảnh… cũng được đầu tư công phu. Bảy tập phim với bảy bản nhạc phim được sáng tác riêng tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn; ê-kíp cũng làm việc với đội ngũ đông đảo họa sĩ để tìm tòi, sáng tạo về trang phục, hoa văn, hình tượng, vật dụng, vũ khí sao cho gần nhất với thời điểm lịch sử.
Dự án “Trưng Vương” ra mắt bước đầu chinh phục được khán giả đã phần nào thể hiện tinh thần bắt nhịp kịp thời với xu hướng phim hoạt hình đương đại. Những năm gần đây, phim hoạt hình đề tài lịch sử thường nhận được sự quan tâm, đầu tư của các hãng phim, nhà sản xuất và đoạt nhiều giải thưởng uy tín. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, bộ phim hoạt hình 3D “Người anh hùng áo vải” của đạo diễn Phùng Văn Hà có nội dung về anh hùng dân tộc Quang Trung đã giành giải Bông sen vàng. Đây là phim dài thứ ba về đề tài lịch sử do Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất, sau “Cậu bé cờ lau” và “Kim Đồng”. Trên thế giới, xu hướng phim hoạt hình đều đang dựa trên nền tảng công nghệ, phát huy cao nhất thế mạnh về hình khối, không gian, kỹ xảo để làm ra những tác phẩm hoành tráng, công phu. Tuy nhiên, để ứng dụng công nghệ vào phim hoạt hình luôn đòi hỏi đầu tư lớn về thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, đồng bộ, cho nên nhiều nhà làm phim trong nước vẫn đang băn khoăn “liệu cơm gắp mắm”. Nhưng đó vẫn chưa phải khó khăn lớn nhất. Đạo diễn Đặng Hải Quang chia sẻ, trăn trở nhất vẫn là khâu biên kịch và đạo diễn. Ê-kíp “Trưng Vương” đã phải nghiên cứu, cân nhắc rất kỹ lưỡng để chuyển tải nội dung chính sử sao cho vừa bảo đảm tính hình tượng, khái quát mà không bị khô cứng.
Phim hoạt hình đủ sức hấp dẫn khán giả, nhất là khán giả nhỏ tuổi thật sự là thách thức với các nhà làm phim. Đáng chú ý, những dự án phim hoạt hình gây ấn tượng như “Trưng Vương” hiện vẫn còn ít ỏi, chủ yếu được chiếu trên in-tơ-nét thay vì chinh phục khán giả qua chiếu rạp hoặc phát sóng truyền hình. Điều đó cũng phản ánh thực trạng phim hoạt hình chưa đi vào đời sống một cách sôi động hơn, tác động hiệu quả vào văn hóa, nhận thức, giáo dục cho khán giả trẻ. Trong tương lai, điện ảnh Việt Nam cần thêm nhiều sự dấn thân như dự án “Trưng Vương” để tác động mạnh mẽ hơn vào mảng phim giàu tiềm năng nhưng còn bị bỏ trống này.
Theo MINH GIANG/nhandan.com.vn