Bệnh vảy nến là một bệnh da mạn tính, có ban đỏ vảy dày trắng như sáp nến. Một số yếu tố thuận lợi khởi phát bệnh như: stress, nhiễm khuẩn, chấn thương thượng bì, một số thuốc, thức ăn, rượu tác động và tạo ra các kháng nguyên, tự kháng nguyên làm thay đổi đáp ứng miễn dịch, hoạt động một số tế bào và bệnh vảy nến xuất hiện.
Vì vậy, cần hiểu để phòng ngừa và điều trị sớm bệnh vảy nến sẽ tránh cho người bệnh khỏi những phiền toái trong cuộc sống.
Nứt nẻ khắp người do uống thuốc trị vảy nến trôi nổi
Nam bệnh nhân 64 tuổi (Đăk Lăk), nhập viện trong tình trạng toàn thân đau nhức, sưng phù, da đỏ, nứt, tróc vảy, đi lại rất khó khăn.
Người bệnh cho biết, ông bị bệnh vảy nến đã 4 năm nay, tuy nhiên, tình trạng sức khỏe tốt. Mấy ngày trước, ông nghe người thân chỉ loại thuốc dân tộc Dao có thể điều trị khỏi hẳn vảy nến. Người bệnh tìm hiểu và đặt mua thuốc trên mạng, tổng cộng hết 200.000đ/týp.
Sau khi bôi thuốc, người bệnh thấy da khô, đóng vảy. Hơn 2 ngày sau, da bị đỏ tấy, toàn thân sưng vù, nứt da, đóng vảy. Tình trạng bệnh nặng nên buộc phải chuyển lên Bệnh viện Da liễu TP.HCM để điều trị.
Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc trên nền bệnh vảy nến. Thời gian qua, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng nề sau một thời gian uống thuốc nam, thuốc bắc, tắm lá, chích corticoid... Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân dùng thuốc theo chỉ định, không tự ý mua thuốc vì có nhiều thuốc có thể gây ra tình trạng kích ứng tại chỗ, nặng nề hơn sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng, thậm chí nhiễm trùng huyết có thể dẫn đến tử vong.
Dùng thuốc trị vẩy nến phải có chỉ định của bác sĩ, tránh tai biến.
Vảy nến biểu hiện như thế nào?
Bệnh vảy nến có thể khởi phát ở giai đoạn sớm từ 16-22 tuổi hoặc ở giai đoạn muộn từ 50-60 tuổi. Bệnh có thể kéo dài suốt đời hay bộc phát với những đợt riêng lẻ. Bệnh có biểu hiện rất đa dạng, từ mức độ nhẹ mà người bệnh không nhận biết đến mức độ nặng ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người bệnh.
Khi mắc bệnh vảy nến hay gặp và điển hình nhất là các dát đỏ có vảy trắng phủ trên bề mặt, vảy dày, có nhiều lớp xếp chồng lên nhau rất dễ bong. Kích thước thương tổn to nhỏ khác nhau với đường kính từ 1-20cm hoặc lớn hơn. Vị trí điển hình nhất của các dát đỏ có vảy là khuỷu tay, đầu gối, rìa tóc, vùng xương cùng, mông. Tuy nhiên, sau một thời gian tiến triển, các thương tổn có thể lan ra toàn thân. Người mắc bệnh vảy nến thường không ngứa, tuy nhiên, một số có thể ngứa, châm chích, bỏng rát. Trường hợp nặng, người bệnh có thể xuất hiện nhiều mụn mủ hoặc đỏ da toàn bộ cơ thể.
Có khoảng 30-40% bệnh nhân vảy nến bị tổn thương móng tay, móng chân. Các móng ngả màu vàng đục, có các chấm lỗ rỗ trên bề mặt. Có thể móng dày, dễ mủn hoặc mất cả móng.
Tỷ lệ khớp bị thương tổn trong vảy nến tùy từng thể. Thể nhẹ, thương tổn da khu trú, chỉ có khoảng 2% bệnh nhân có biểu hiện khớp. Trong khi đó, ở thể nặng, dai dẳng có đến 20% bệnh nhân có thương tổn khớp. Biểu hiện hay gặp nhất là viêm khớp mạn tính, biến dạng khớp, cứng khớp, lệch khớp, bệnh nhân cử động, đi lại rất khó khăn... Một số bệnh nhân thương tổn da rất ít nhưng biểu hiện ở khớp rất nặng, đặc biệt là khớp gối và cột sống.
Các thể lâm sàng
Triệu chứng chung và đặc trưng của bệnh vảy nến là những mảng dày, đỏ được phủ bởi các vảy trắng hay bạc. Ngoài ra, tùy theo vị trí xuất hiện và đặc điểm của các tổn thương, còn có các triệu chứng riêng biệt theo từng dạng bệnh.
Vảy nến thể mảng: Các mảng da thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối và vùng dưới lưng. Đây là dạng thường gặp của bệnh vảy nến.
Vảy nến mụn mủ: Xuất hiện những mụn mủ ở vùng da tay và chân.
Vảy nến giọt: Các tổn thương có dạng giọt nước xuất hiện khắp cơ thể, thường gặp ở trẻ em sau một đợt viêm họng do nhiễm Streptococci.
Viêm khớp vảy nến: Sưng các khớp ngón tay, ngón chân hoặc xương sống, đầu gối...
Vảy nến móng: Móng dày và có những lỗ nhỏ trên bề mặt móng.
Vảy nến da đầu: Trên da đầu có vảy hay những mảng da dày màu trắng bạc.
Vảy nến nếp gấp: Thường gặp ở người bị béo phì với các tổn thương ở các vùng nếp gấp của da như: nách, háng, mông...
Những biến chứng
Vảy nến là một bệnh không ổn định, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng, người bệnh có thể bị các biến chứng sau: đỏ da toàn thân, vảy nến mủ, viêm khớp, nhiễm trùng da... Bệnh nhân cần chú ý phát hiện sớm biến chứng, cảnh giác với dấu hiệu viêm khớp như khớp cứng, đau, nhất là buổi sáng sau khi thức dậy. Biến chứng này thường gặp ở 10-30% bệnh nhân, cần điều trị sớm để phòng ngừa biến dạng khớp. Lưu ý đến móng, đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng bong móng, móng lõm, sần sùi mất bóng, đổi màu vàng cam...
Lời khuyên của thầy thuốc
Để tránh bệnh vảy nến khởi phát, cần lưu ý: Giữ vệ sinh da tốt, tránh làm tổn thương da và làm khô da, xem sang thương da mỗi ngày nhằm phát hiện tình trạng nhiễm trùng. Tránh lo lắng, giận dữ, xúc động mạnh. Không hút thuốc và uống rượu bia. Tắm nắng mỗi ngày khoảng 15-30 phút (trừ trường hợp vảy nến nhạy cảm ánh sáng). Sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Thông báo cho bác sĩ tất cả các thuốc mình đang sử dụng, kể cả thuốc không kê đơn. Tái khám đúng hẹn.
Không sử dụng thuốc không có trong chỉ định của bác sĩ. Không tự ý thoa thuốc có chứa corticosteroid mà không có ý kiến của bác sĩ; ngưng hay thay đổi thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ.
Theo suckhoedoisong.vn