Đến cuối giờ chiều ngày 8/6, nam phi công người Anh - bệnh nhân 91 đã có thể ngồi dậy, thực hiện y lệnh của nhân viên y tế, đung đưa cả hai chân. Đồng thời, nam bệnh nhân đã tự viết vào bảng và tự bấm nút điều chỉnh độ cao của giường bệnh.
Cuối giờ chiều ngày 8/6, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 thông tin, nam phi công người Anh- bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu.
Sau 5 ngày ngừng ECMO, hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sức cơ tay 4/5, sức cơ chân 2/5 (trước đó sức cơ tay là 3/5 và sức cơ chân là 1/5). Đặc biệt, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, thực hiện y lệnh của nhân viên y tế, đung đưa cả hai chân. Đồng thời, nam bệnh nhân đã tự viết vào bảng và tự bấm nút điều chỉnh độ cao của giường bệnh.
Bản thân PGS.TS Lương ngọc Khuê cho biết, khi xem những hình ảnh về sự phục hồi của bệnh nhân từ Bệnh viện Chợ Rẫy gửi ra, không chỉ cá nhân ông mà các thầy, các chuyên gia trong hội đồng chuyên môn và Tiểu ban Điều trị đều ngỡ ngàng, không thể tin bệnh nhân có thể tiến triển nhanh đến vậy. Đây là kết quả của sự phối hợp, sự tư vấn, trao đổi chuyên môn trong điều trị của Hội đồng chuyên môn, của Tiểu ban Điều trị; đồng thời là sự nỗ lực, cố gắng và tận tuỵ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh trước đó và tiếp theo là Bệnh viện Chợ Rẫy.
“Với những bệnh nhân khác, những tiến triển nhỏ về sức khoẻ đó là bình thường nhưng với bệnh nhân 91 là một nỗ lực lớn, là sự tiến bộ lớn của cả “team” điều trị và Hội đồng chuyên môn cũng như các chuyên gia của hai bệnh viện đã cố gắng chăm sóc, điều trị, đưa ra phương án điều bệnh nhân phù hợp với từng giai đoạn sức khoẻ”, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho rằng, quyết định chuyển bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 sang Bệnh Chợ Rẫy điều trị tích cực là quyết định cực kỳ đúng đắn của Hội đồng chuyên môn.
“Đây là một nỗ lực phi thường, bởi chúng ta đã có những lúc bi quan, nhưng đến hôm nay những tiến triển kỳ diệu của bệnh nhân như một lời đông viên, khích lệ các thầy thuốc, các chuyên gia để tiếp tục cố gắng, cống hiến sức lực để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất. Cái gì tốt nhất cho người bệnh, chúng ta cố gắng triển khai và làm tốt nhất”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Đến thời điểm hiện tại, mạch của bệnh nhân hiện dao động 90 - 120 lần/phút, huyết áp: 120/60 đến 150/70 mmHg. Phổi của bệnh nhân trao đổi oxy khá hơn, bệnh nhân đang được tập cai máy thở dần. Cùng với đó, bệnh nhân đáp ứng với kháng sinh, kháng đông, đã giảm sốt.
Tình trạng chướng bụng của bệnh nhân giảm, đã bắt đầu cho ăn qua đường tiêu hoá lại kết hợp dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Các bác sĩ cũng tiến hành tập vật lý trị liệu cho người bệnh 2 lần/ngày, điều chỉnh nước điện giải và săn sóc vết loét cùng cụt.
Kết quả cấy đàm Burkholderia cenocepacia của bệnh nhân đã âm tính nhưng mọc vi khuẩn Ralstonia pickettii (105CFU/ml đàm), đây là vi khuẩn không thường gặp. Đờm đã chuyển từ dạng mủ sang loãng trong.
Đặc biệt, phổi phục hồi được gần 60% (so với 10% vùng phổi hoạt động từ ngày 12/5, bệnh nhân đã có sự hồi phục "thần kỳ"). Chức năng thận hồi phục. Bệnh nhân đã ngưng lọc máu 12 ngày.
Mặc dù có những tiến triển kỳ diệu về mặt sức khoẻ, nhưng các chuyên gia tổ điều trị cho hay bệnh nhân hiện tiên lượng còn nặng (dù đã ngưng được ECMO), bệnh nhân vẫn còn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động, trong quá trình hồi phục có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.
Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 82 ngày điều trị (hiện là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta), trong đó quá trình điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/3- 22/5; tại Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều muộn ngày 22/5 đến nay. Bệnh nhân đã được ngưng ECMO từ sáng ngày 3/6, đồng thời cũng đã được hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế chỉ định ghép phổi.
Bộ Y tế đã quyết định thành lập ban chỉ đạo tổ chuẩn bị ghép phổi cho bệnh nhân 91, tổ chăm sóc sau ghép phổi cho bệnh nhân. Các thành viên sẽ tuỳ vào diễn biến của bệnh nhân để tìm các phương án ghép phổi như tìm nguồn hiến phổi.
Tuy nhiên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ, từ sự phục hồi kỳ diệu này của bệnh nhân, có thể nói phương án ghép phổi được đưa ra trước đây để có thể là một trong những giải pháp chính để “cứu” bệnh nhân, hiện đã có khả năng trở thành phương án dự phòng...
Theo chinhphu.vn