Cập nhật: 24/06/2020 10:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ths.BS Nguyễn Thị Thu Hằng, Bệnh viện Hữu Nghị cảnh báo, nắng nóng đỉnh điểm của miền Bắc như hiện tại rất nguy hiểm cho người bệnh tim mạch, huyết áp. Nguy cơ sốc, mất nước cũng xảy ra rất cao.

Diễn biến thời tiết mấy ngày qua tại miền Bắc và khu vực Hà Nội nắng nóng rất khắc nghiệt, với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-40 độ, có nơi trên 40 độ.

Thời tiết nắng nóng là một trở ngại lớn đối với sức khỏe con người, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh tim mạch như: tăng huyết áp, suy tim, hẹp động mạch vành…). Nếu những người bệnh này không lưu ý để có chế độ sinh hoạt phù hợp và tuân thủ điều trị có thể dẫn đến những hậu quả xấu.

Người cao tuổi, bệnh nhân tim mạch là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất khi trời nắng nóng.

Theo ThS. BS Nguyễn Thị Thu Hằng, Phụ trách Khoa Khám bệnh -Bệnh viện Hữu Nghị, trong những ngày nắng nóng cao điểm đến 40 độ như hiện nay, nguy cơ hiện hữu nhất là tình trạng mất nước và sốc nhiệt.

Sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức (thường trên 40 độ C), do kết hợp của việc tiếp xúc với nhiệt nóng từ môi trường và việc tăng thân nhiệt do cơ thể vận động quá mức, lại mất nước. Hậu quả là hoạt động chuyển hóa bình thường của cơ thể bị ngừng lại hoặc rối loạn, dẫn tới tổn thương rất nhiều cơ quan như hôn mê, co giật, trụy tim mạch, tổn thương gan, suy gan, rối loạn đông máu nội quản rải rác, tiêu cơ vân, suy thận…

Nguy cơ này càng gia tăng ở người cao tuổi, người già, do thân nhiệt không điều tiết kịp khi di chuyển giữa phòng điều hoà, nắng nóng, do không uống nước đầy đủ.

Vì thế, BS Hằng khuyến cáo, nếu không có việc gì cần thiết thì người cao tuổi nên ở nhà, nên thường xuyên ở trong môi trường có nhiệt độ càng ổn định càng tốt, hạn chế tối đa việc ra đường, nhất là trong thời gian từ 12h-16h hàng ngày.

Để tránh mất nước và rối loạn điện giải trong những ngày nắng nóng, người bệnh cần uống nhiều nước, trừ bệnh nhân suy tim. Uống nước nhiều lần trong ngày để giúp cơ thể không bị thiếu nước, không bị cô đặc máu. Người bệnh cũng không nên ăn quá no, ăn các thức ăn dễ tiêu, tăng cường ăn hoa quả và rau xanh, hạn chế muối, không sử dụng bia rượu. Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm mồ hôi.

Khi nắng nóng, huyết áp thường tăng, nhịp tim tăng, tim phải gắng sức, sẽ tăng nhu cầu tiêu thụ ôxy của tế bào cơ tim nên dễ dẫn đến gây cơn đau thắt ngực, khó thở, nặng hơn là nhồi máu cơ tim và tử vong. Vì vậy tránh làm các việc nặng, gắng sức hay tập thể dục quá nhiều và cần uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ đã kê. Nếu người bệnh có những dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt, huyết áp cao thì phải nhanh chóng được đưa đến khám tại các cơ sở y tế, đề phòng những biến cố tim mạch như: cơn tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ ... sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Xử lý khi sốc nhiệt

Ngay khi phát hiện người có dấu hiệu say nóng, say nắng với những biểu hiện choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt...cần đưa người bệnh đến ngay chỗ thoáng mát (có điều hòa là tốt nhất), sau đó cởi bớt quần áo, uống nước có pha muối (hoặc nước chanh, nước bột sắn dây...) và chườm mát cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng...

Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm nhanh được nhiệt độ cơ thể. Tiếp tục theo dõi, nếu thấy bệnh nhân đỡ thì có thể ăn uống để bổ sung dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe.

Nếu thấy người bệnh có tình trạng nặng như: buồn nôn, nôn, sốt cao hoặc hôn mê, cần gọi điện cho xe cấp cứu hoặc chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Trong quá trình di chuyển, nếu người bệnh có nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, đầu thấp để đề phòng sặc. 

Theo Hồng Hải/dantri.com.vn

Tệp đính kèm