Ung thư cổ tử cung (UTCTC) đứng thứ 3 trong nhóm bệnh ung thư gây tử vong cao nhất ở nữ giới, sau ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Ai cũng có nguy cơ mắc UTCTC khi họ bắt đầu có quan hệ tình dục. Nhận biết bệnh từ giai đoạn sớm là rất quan trọng cho việc điều trị bệnh thành công.
UTCTC giai đoạn đầu, hầu như chưa có triệu chứng
UTCTC có 4 giai đoạn chính và giai đoạn đầu được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư chỉ mới hình thành ở lớp bề mặt, chưa phát triển vào sâu trong các mô, hầu như không có triệu chứng gì, do đó chị em không thể nhận biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa. Khi đã ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể có những biểu hiện như:
Xuất huyết âm đạo bất thường: Phụ nữ mãn kinh nhiều năm, bỗng nhiên xuất huyết âm đạo không lý do, lượng máu ít và không kèm theo các triệu chứng đau bụng, đau lưng.
Tiết dịch âm đạo nhiều: Lượng huyết trắng nhiều, thay đổi cả về tính chất, có mùi và kèm theo sự thay đổi trong màu sắc.
Đau vùng chậu và lưng: Khi bệnh chuyển biến nặng hơn, cơn đau sẽ tiếp tục lan xuống chân và gây ra hiện tượng sưng phù ở hai chân.
Chuột rút: bỗng nhiên cảm thấy đau ở quanh vùng chậu hoặc bị chuột rút ngay cả trong những ngày không có kinh nguyệt.
Bất thường trong tiểu tiện: cơ thể rò rỉ nước tiểu ngay cả khi hắt hơi, vận động mạnh, lẫn máu trong nước tiểu, đau buốt khi tiểu tiện...
Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: Trễ kinh, kinh nguyệt kéo dài, máu kinh có màu đen sẫm...
Yếu tố nguy cơ gây UTCTC
Nhiễm Human Papilloma virus HPV: là thủ phạm chính gây UTCTC (99,7%), lây truyền qua đường tình dục. Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. Chủng HPV 16 và HPV 18 là 2 chủng có khả năng gây UTCTC cao nhất, chúng được tìm thấy ở 70% trong tất cả các trường hợp UTCTC.
Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng, đặc biệt là trên 35 tuổi. Sinh con quá sớm (dưới 17 tuổi) khi cơ quan sinh sản chưa phát triển hết sẽ làm tăng nguy cơ UTCTC.
Sinh đẻ nhiều lần: Phụ nữ sinh nhiều con (từ 3 lần trở lên) thì tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với những phụ nữ sinh 1- 2 con.
Ức chế miễn dịch: thuốc hay các bệnh ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HPV dẫn đến UTCTC.
Ngoài ra béo phì, hút thuốc lá, quan hệ tình dục bừa bãi, sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài... cũng làm tăng nguy cơ UTCTC.
UTCTC được điều trị thế nào?
Hiện nay tại Việt Nam bệnh UTCTC đang được điều trị theo các phương pháp hiện đại và hiệu quả như phương pháp phẫu triệt căn, hóa xạ trị triệt căn, hóa xạ trị kết hợp phẫu thuật. Tùy vào giai đoạn của bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến đối với UTCTC giai đoạn sớm, thường có thể là phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung hoặc cắt tử cung toàn bộ, cắt tử cung triệt căn, vét hạch bằng mổ nội soi hoặc mổ mở.
Lời khuyên của chuyên gia: Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao. Phát hiện sớm UTCTC sẽ giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa. Vì vậy chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc UTCTC theo chỉ định của bác sĩ, cùng với tiêm phòng vắc-xin cho trẻ em gái, đây là cách phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh UTCTC”. Đặc biệt chị em không nên bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo căn bệnh này.
Lưu ý khi tầm soát UTCTC: Phụ nữ thăm khám, làm xét nghiệm này trong lúc không có kinh nguyệt. Không bôi kem hay đặt thuốc vào âm đạo và không nên sinh hoạt tình dục trong vòng 48 giờ trước khi xét nghiệm Pap.
Theo suckhoedoisong.vn