Hàng nghìn người phải thực hiện cách ly sau khi phát hiện ổ dịch bạch hầu tại Đắk Nông. Bộ Y tế đã vào cuộc khẩn trương để tiến hành điều tra dịch tễ, tiến hành điều trị dự phòng bằng kháng sinh và triển khai kế hoạch tiêm vaccine bổ sung tại một số địa bàn trọng điểm.
Tiêm chủng là biện pháp dự phòng duy nhất phòng bệnh bạch hầu.
Cơ bản ổ dịch bạch hầu đã được kiểm soát, tránh lây lan ra cộng đồng
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Hằng năm, chúng ta vẫn ghi nhận rải rác các ca bệnh ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên… nhưng năm nay, bệnh bạch hầu ghi nhận thêm ở một số địa phương trong đó có Đắk Nông. Đến nay, tại địa phương này đã có 12 ca dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, tập trung ở hai huyện Krông Nô và Đắk Glong và đã có một ca tử vong tại huyện Đắk Glong. Sau khi các ổ dịch xuất hiện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông đã cách ly hơn 1.200 người có tiếp xúc và liên quan tới các bệnh nhân.
Ngành y tế Đắk Nông đã thành lập hai đội phản ứng nhanh để lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp tiếp xúc với hai trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu để gửi đi xét nghiệm và tiến hành khử khuẩn 100% các hộ gia đình chung quanh khu vực ổ dịch.
Ngay sau khi địa phương này phát hiện liên tiếp các ca bạch hầu, Bộ Y tế đã chỉ đạo địa phương triển khai điều tra xử lý ổ dịch. Đặc biệt là tiến hành cách ly những ca bệnh nhằm chống lây nhiễm, giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời, hiệu quả, không để dịch lây lan và bùng phát ra cộng đồng.
Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xuống địa bàn chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn công tác vệ sinh, xử lý môi trường phòng, chống bệnh bạch hầu theo hướng dẫn Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn có bệnh và khả năng bùng phát bệnh cao.
"Bệnh bạch hầu quan trọng nhất là phải phát hiện sớm. Việc điều trị dự phòng cho những trường hợp tiếp xúc bằng kháng sinh cũng đã được triển khai và có kết quả tốt, chưa có loại nào kháng. Cơ bản đến nay ổ dịch đã được kiểm soát", TS Tấn nói.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch tiêm bổ sung, triển khai tại một số tỉnh trọng điểm trong đó có Đắk Nông. Hiện tại, Đắk Nông đang chuẩn bị tiêm vaccine phòng, chống dịch cho nhóm đối tượng trong độ tuổi từ 7 đến dưới 40 tuổi.
Ngành y tế tập trung mọi nguồn lực khống chế, ngăn chặn sự lây lan của bệnh bạch hầu tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong.
Tiêm phòng đầy đủ là biện pháp dự phòng duy nhất
Về việc hàng trăm người phải cách ly y tế khi sống trong ổ dịch, có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bạch hầu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Vì thế, việc cách ly y tế để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Theo TS Đặng Quang Tấn, nguyên nhân số ca bệnh tại Đắk Nông gia tăng thời gian gần đây là do không tiêm chủng đầy đủ bốn mũi theo lịch tiêm chủng. “Theo đúng quy định, trẻ cần tiêm đủ bốn mũi nhưng trẻ em tại khu vực này, chủ yếu là dân tộc Mông thì mới chỉ tiêm một mũi, miễn dịch kém nên trẻ dễ mắc bệnh và mắc sẽ có diễn biến nặng hơn”, TS Tấn nói.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch. Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
“Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế”, TS Đặng Quang Tấn nói.
Với các bệnh truyền nhiễm, ngoài bạch hầu, hiện nay có nhiều trường hợp không tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đúng lịch, không tiêm nhắc lại đã khiến trẻ mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sởi, viêm não Nhật Bản… Vì thế, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh, để phòng tránh bệnh bạch hầu, biện pháp tốt nhất là tiêm vaccine. 100% trẻ sinh ra được tiêm đủ ba mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván (DPT) hoặc vaccine DPT - viêm gan B - Hib 2-3-4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại từ 18 tháng tuổi. Cha mẹ phải tiêm phòng đầy đủ cho con. Nếu khu vực có dịch phải tiêm nhắc lại khi trẻ lên 11, 12 tuổi. Đặc biệt, tại những vùng lõm về tiêm chủng cần phải đặc biệt chú ý để đôn đốc, vận động trẻ chưa tiêm đến tiêm chủng đầy đủ.
Theo THIÊN LAM/nhandan.com.vn