Đang đáp ứng tốt với điều trị ung thư phổi tại BV Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân đột ngột ngừng điều trị để ăn kiêng và tập "giáo phái lạ" theo lời mách bảo.
Bệnh nhân N.T.T.H. (46 tuổi, quê ở Nghệ An) phát hiện ung thư phổi từ tháng 4/2019. Ban đầu chị có dấu hiệu chân đau như viêm khớp nên đến các bệnh viện khác kiểm tra. Ban đầu, chị H. được chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm, dùng thuốc 2 tháng không đỡ, gia đình đã đưa chị đến BV TWQĐ 108 khám.
Phát hiện tình trạng bệnh nhân bất ổn, bác sĩ đã chỉ định đi kiểm tra kỹ các xét nghiệm và phát hiện ra chị có khối u ở phổi khả năng là ung thư và đã di căn xương. Chị được chuyển lên khoa Nội Hô hấp của Bệnh viện để thực hiện xác chẩn và điều trị.
Thời gian đầu điều trị, chị T.H. đã đáp ứng rất tốt với điều trị hóa chất, cân nặng tăng, các triệu chứng giảm rõ rệt, khối u trên phim chụp cắt lớp vi tính cũng xóa gần hết.
Đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19, rồi gánh nặng kinh tế khiến chị H. tự mày mò trên mạng tìm các phương pháp điều trị bệnh. Trong số các thông tin trôi nổi, chị tìm hiểu và tin tưởng vào phương pháp chỉ ăn rau xanh thải độc kết hợp tập theo "giáo phái lạ".
Bệnh nhân đang trong quá trình nâng đỡ thể trạng để tiếp tục điều trị ung thư sau khi sút 8kg trong 3 tháng vì ăn thanh lọc và tập theo "giáo phái lạ".
Với phương pháp này, chị đã gặp gỡ trao đổi và tập cùng với một nhóm người tại địa phương 1 tuần 1 lần. Phương pháp chữa bách bệnh được truyền miệng rất đơn giản, đó là luyện tập và chỉ ăn rau xanh sẽ có thể thanh lọc giải độc.
Sau 3 tháng áp dụng ăn rau thanh lọc và tập theo giáo phái lạ, chị bị gầy 8kg thịt, bệnh trở nên trầm trọng phải quay lại viện cấp cứu.
Chị H. chia sẻ, chị lựa chọn phương pháp ăn kiêng, chỉ ăn rau xanh "thanh lọc" bởi thấy có hơn ngàn người cùng tham gia vào nhóm. Rất nhiều người chia sẻ về hiệu quả một cách nhiệt tình.
Bác sĩ Bùi Thị Thanh, Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân H. cho biết, bệnh nhân ung thư thường có tâm lý "vái tứ phương", nghe bất cứ thông tin gì cũng dễ dàng tin tưởng và làm theo. Có rất nhiều thông tin tràn lan, không có cơ sở khoa học nhưng lại viết rất thuyết phục khiến nhiều người sẵn sàng từ bỏ tây y để đi theo, dù bác sĩ thuyết phục.
Như trường hợp chị H. chị đã bỏ qua 3 tháng điều trị, tình trạng sức khoẻ suy kiệt, suy dinh dưỡng. Để bắt đầu quá trình điều trị lại khó khăn hơn nhiều do phải nâng đỡ thể trạng kết hợp điều trị.
BS Thanh cảnh báo, nắm bắt tâm lý người bệnh thường tin tưởng vào các phương pháp điều trị cổ truyền nên có những người lừa lọc tiền bạc và bán thuốc giả, gây nên hậu quả lớn, làm mất cơ hội điều trị hiệu quả của người bệnh.
Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên Thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo Globocan năm 2018, tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ 2 sau ung thư gan với 23,667 ca mắc.
Dù có nhiều tiến bộ vượt bậc trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị, nhưng vẫn có đến 80% bệnh nhân ung thư phổi nhập viện khi đã ở giai đoạn cuối của bệnh với các triệu chứng như ho dai dẳng, ho ra máu, đau ngực, khó thở, sút cân hay triệu chứng của các cơ quan bị di căn như não, xương, gan, thượng thận…Khi đó, điều trị toàn thân bằng hóa chất, điều trị đích hay điều trị miễn dịch có hay không có kết hợp với xạ trị được xem xét sử dụng nhằm cải thiện triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh.
Hiện nay điều trị đích là thuốc có khả năng tác dụng vào tế bào ung thư nhưng không gây hại tế bào lành. Đây là biện pháp có thể được chỉ định dù thể trạng của bệnh nhân kém nhưng chi phí đắt đỏ. Điều trị miễn dịch cũng là một biện pháp điều trị đắt tiền với đa số bệnh nhân ung thư tại Việt Nam và chưa được bảo hiểm y tế chi trả.
Vì vậy, hóa trị liệu vẫn là một biện pháp được sử dụng nhiều hơn cả, khi đó, đòi hỏi bệnh nhân cần có một thể trạng tốt để có thể dung nạp được liệu pháp này.
Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh theo trào lưu ăn thanh lọc khiến cơ thể suy kiệt, rất khó đáp ứng điều trị. Theo thống kê, có đến 30% bệnh nhân ung thư tử vong vì suy kiệt, suy dinh dưỡng trước khi tử vong vì căn bệnh ung thư.
Theo Hồng Hải/dantri.com.vn