Cập nhật: 10/07/2020 15:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để trốn tránh hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật, thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Trần Mạnh Cường - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), Tổng cục Hải quan cho biết, trong thời gian qua, việc Mỹ đã chính thức áp đặt bổ sung các mức thuế lên nhiều mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc dẫn đến sự chênh lệch về thuế giữa hàng hóa từ Trung Quốc với hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường Mỹ. Để trốn tránh hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường nêu trên, thời gian qua, xuất hiện hiện tượng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ.

Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng KTSTQ và Cục Điều tra chống buôn lậu tiến hành thu thập thông tin, phân tích đánh giá các nguy cơ gian lận xuất xứ và thực hiện công tác điều tra, xác minh.

Các lô hàng trong vụ việc nhập khẩu linh kiện để lắp ráp thành xe đạp thành phẩm do Cục KTSTQ và Cục Hải quan Bình Dương phối hợp phát hiện

Theo đó, toàn ngành Hải quan đã thực hiện kiểm tra, điều tra xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về C/O hàng xuất khẩu; đặc biệt, phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ (C/O).

Qua đó, các đơn vị chức năng đã tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12.000 bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm; thu hơn 33 tỷ đồng (bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu).

Cụ thể, đối với nhóm mặt hàng xe đạp, xe đạp điện, qua thực hiện kiểm tra sau thông quan 4 doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu đi Mỹ, đã phát hiện vi phạm xuất xứ 4/4 doanh nghiệp.

Theo ông Trần Mạnh Cường, một số vi phạm của doanh nghiệp (DN) là nhập khẩu đầy đủ các bộ phận, linh kiện của xe đạp, xe đạp điện ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời về Việt Nam để lắp ráp thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh. Các bộ phận, linh kiện nhập khẩu không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào khác hoặc chỉ trải qua các công đoạn gia công đơn giản không làm thay đổi bản chất hàng hóa (như: gia công sơn khung, càng, ghi đông, tay lái, in Label cho một số sản phẩm) để trở thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Toàn bộ linh kiện của 1 chiếc xe đạp được nhập khẩu từ Trung Quốc

“Toàn bộ linh kiện trực tiếp chuyển hóa thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh không đủ điều kiện đạt xuất xứ “Việt Nam” theo tiêu chí chuyển đổi mã số (CTC, CTSH) và tiêu chí phần trăm của trị giá (LVC) quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP và Thông tư số 05/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương”, ông Cường cho biết.

Đối với nhóm mặt hàng pin năng lượng mặt trời, lực lượng hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 5 DN và 100% có vi phạm xuất xứ Việt Nam. Ở nhóm hàng này, DN xuất khẩu tấm module năng lượng mặt trời được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chính là các tấm tế bào quang điện được DN mua từ các nhà cung cấp sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài. Trong đó, các tấm Module năng lượng mặt trời xuất khẩu của DN được sản xuất từ các tấm tế bào quang điện nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài không đáp ứng tiêu chí xuất xứ CTSH để được công nhận là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam theo quy định.

Với nhóm mặt hàng gỗ, đồ gỗ nội thất từ gỗ, thực hiện kiểm tra sau thông quan 12 DN thì cả 12 DN đều vi phạm C/O Việt Nam. Trong đó, DN nhập khẩu (hoặc mua lại từ hàng nhập khẩu) dưới dạng linh kiện rời, đồng bộ hoặc nhập khẩu ở dạng bán thành phẩm về gia công đơn giản (khoan lỗ, chà nhám và sơn) để lắp ghép thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Theo ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan xác định hoạt động KTSTQ, điều tra xác minh hành vi gian lận C/O, chuyển tải bất hợp pháp là hoạt động trọng tâm của ngành trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Từ kết quả triển khai giai đoạn 1, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai kế hoạch định hướng giai đoạn 2 để mở rộng kiểm tra, xác minh hành vi gian lận xuất xứ đối với nhiều DN khác./. 

Theo Cẩm Tú/VOV.VN

Tệp đính kèm