Cập nhật: 29/07/2020 10:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thật thích thú khi ngắm Gia Lai từ trên cao. Nhìn từ máy bay, vùng đất cao nguyên hiện ra huyền ảo và đầy kỳ bí. Người bạn gái rất yêu rừng của tôi nhắn: Hôm nào cùng khám phá những kỳ quan trên đỉnh Kon Ka Kinh nhé! Dường như ngay lập tức, tôi bắt đầu hò hẹn cùng nóc nhà của Gia Lai...   

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh cách TP Pleiku, Gia Lai khoảng 50km về phía đông bắc, nằm trong khu vực giữa đông và tây của dãy Trường Sơn. Kon Ka Kinh trở thành một trong  mười vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam được công nhận là vườn di sản ASEAN. Vườn có diện tích 41.780 ha với hơn 1.000 loài hệ thực vật, hàng trăm loài hệ động vật, trong đó có nhiều động vật quý hiếm, có tên trong sách đỏ.

Nơi đây có khoảng 2.000 ha rừng hỗn giao giữa các loài cây lá rộng và lá kim, cũng là khu vực duy nhất ở Việt Nam có kiểu rừng hỗn giao này. Bên cạnh đó còn có mặt các loài cây quý hiếm như pơ mu, trắc, chò đãi, kim giao... Ở Kon Ka Kinh, người ta có thể dễ dàng tìm thấy cây Gió đất núi cao hay còn gọi là Sơn Dương. Chúng chỉ mọc ở những nơi ẩm ướt có độ cao trên 1.000 m so mực nước biển. Loài thực vật này là một nguồn gen quý hiếm và độc đáo cho khoa học. Ngoài ra, chúng còn được sử dụng trong các bài thuốc dân gian nhằm bổ thận tráng dương được nhiều người săn lùng.

Lang thang trong rừng nguyên sinh, bạn có thể gặp muôn điều kỳ thú. Nếu may mắn có thể quan sát được loài bò sát Ôrô Natalia. Cho đến nay, nó mới chỉ được ghi nhận tại một số nơi tại Việt Nam và Lào. Ôrô Natalia chính là hình ảnh đại diện cho loài bò sát quý hiếm trong bộ tem bưu chính đặc biệt “Động vật vườn quốc gia Kon Ka Kinh”. 

Đi bộ trong rừng vào lúc sáng sớm và chiều tối là thời điểm có thể quan sát được loài voọc chà vá chân xám. Đây là loài đặc hữu của Việt Nam, ngoài ra không còn phân bố ở khu vực nào khác trên thế giới. Cùng các loài thú hoang dã vốn đang trên đường tuyệt chủng như mèo gấm, báo gấm, báo lửa, hổ..., tại đây còn có các loại mang (còn gọi là hoẵng) có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới cùng trú ngụ.

Kon Ka Kinh còn có một kiểu sinh cảnh trên cạn mà thảm thực vật chiếm ưu thế là cỏ và cây bụi. Đó là đồng cỏ savan. Quả là thế giới cỏ cũng đầy rẫy những kỳ quan. Khó có nơi nào mà bạn có thể nhìn thấy một lúc: cỏ thì mầu hồng, hoa lại mầu xanh…

Cùng cô bạn mê rừng lang thang mãi nơi đồng cỏ savan mà cả hai đều không dứt ra được. Những bụi cỏ hồng ngậm sương kim cương hay những con hươu mắt ướt đều làm tôi ngơ ngẩn.

Kon Ka Kinh có bao điều kỳ thú mà trong thời gian ngắn ngủi tôi không thể nào khám phá hết. Mọi thứ dường như bước ra từ câu chuyện cổ. Tôi thầm cảm ơn cô bạn đã cho tôi một lần được hò hẹn cùng nóc nhà của Gia Lai, để được may mắn chiêm ngưỡng những kỳ quan của sự sống.

Quả là nơi chứa bao điều kỳ thú mà tôi nhất định phải quay trở lại.

Theo LỤC BÌNH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm