Cập nhật: 03/08/2020 20:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bám biển để mưu sinh không chỉ là một nghề mà còn là một nét văn hóa truyền thống độc đáo của ngư dân Việt Nam, vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Xác định lực lượng Cảnh sát biển (CSB) là điểm tựa để ngư dân vươn khơi bám biển, Đảng ủy CSB và Thủ trưởng Bộ tư lệnh đã lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác dân vận, tăng cường mối đoàn kết gắn bó, đồng hành với bà con ngư dân.

Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng CSB đã tổ chức, triển khai thực hiện mô hình “CSB đồng hành với ngư dân” tại 13 xã, huyện đảo thuộc 11 tỉnh, thành phố ven biển. Toàn lực lượng tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật trên 10.300 lượt cán bộ, ngư dân; 11 cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” tại các trường trung học cơ sở của các xã, huyện đảo với hơn 6.500 lượt thầy, cô giáo, học sinh và cán bộ của cấp ủy, chính quyền các địa phương tham gia. Các cơ quan đã in ấn và cấp phát hàng chục nghìn tờ rơi; 1.250 sổ tay pháp luật nhằm nâng cao kiến thức về biển, đảo Việt Nam, về Luật Biển Việt Nam, luật biển của các nước có vùng chồng lấn, vùng biển giáp ranh, giúp ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài khi đánh bắt hải sản. Các đơn vị đã tổ chức 70 lượt phương tiện tàu, xuồng tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu kịp thời nhiều ngư dân gặp nạn trên biển, cung cấp nước ngọt, lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu, lai kéo phương tiện và đưa ngư dân trở về quê hương an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 phối hợp cùng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức khám, cấp thuốc cho ngư dân trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Ảnh: VIỆT ANH

Xác định việc tham gia củng cố và chăm lo đến đời sống của bà con ngư dân là một phần trách nhiệm của CSB, vì vậy lực lượng CSB đã triển khai tới các đơn vị, tích cực đóng góp công sức vào phong trào xây dựng nông thôn mới tại 13 xã, huyện đảo. Các đơn vị trong lực lượng đã huy động hơn 60 tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ về tài chính và cơ sở vật chất để tổ chức thăm, tặng quà 1.580 gia đình chính sách, ngư dân nghèo; tặng hai ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 145 xe đạp, 488 suất học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó; nhận đỡ đầu 20 học sinh nghèo học giỏi đến năm 18 tuổi với số tiền 500.000 đồng/cháu/tháng; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 1.860 lượt ngư dân; tặng 2.370 cờ Tổ quốc cho các ngư dân... giá trị hàng chục tỷ đồng.

Tiếp tục nâng cao hoạt động của mô hình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân", từ đầu năm 2019 đến nay, Đảng ủy CSB và Thủ trưởng Bộ tư lệnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các bộ tư lệnh vùng tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm hai năm thực hiện mô hình. Qua đó đã tiếp thu nhiều ý kiến từ các địa phương để bảo đảm cho mô hình hoạt động ngày càng hiệu quả, đồng thời ghi nhận sự đúng đắn về chủ trương, phù hợp về biện pháp khi thực hiện mô hình. Qua rút kinh nghiệm, đã mở rộng sự quan tâm của ngư dân đối với mô hình, khuyến khích các ngư dân tích cực tham gia, ủng hộ, mục tiêu cuối cùng là nâng cao nhận thức của toàn dân về khai thác biển an toàn bền vững, tham gia bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Từ thực tiễn cho thấy, việc tăng cường công tác dân vận và đẩy mạnh mô hình “CSB đồng hành với ngư dân” chính là từng bước tạo cơ sở để xây dựng "thế trận lòng dân", thế trận an ninh nhân dân trên biển ngày càng rộng khắp và vững chắc. Khi xây dựng được thế trận có nghĩa là chúng ta có điểm tựa vững chắc cho mỗi con tàu của ngư dân hoạt động trong vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, trở thành những cột mốc sống, tạo thành lũy thép nhiều tầng, nhiều lớp, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển, đảo của Việt Nam.

Thiếu tướng DOÃN BẢO QUYẾT (Phó chính ủy Cảnh sát biển)

Nguồn: Báo điện tử Quân đội nhân dân

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/sat-canh-cung-ngu-dan-629383

Tệp đính kèm