Thị trường trong nước đã thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh là 1 trong những động lực để phát triển kinh tế trong thời kỳ mới.
Trước tình trạng diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu và nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ. Với quy mô gần 100 triệu người, thị trường nội địa là không gian cần thiết cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn và thách thức hiện tại để chinh phục người tiêu dùng trong nước.
Nhiều tháng qua, tại các Trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều ưu tiên dành những vị trí "đẹp" để trưng bày hàng hóa hoặc đặt bảng quảng cáo có thể thu hút quan tâm của người dân đến mua sắm. Theo đánh giá của người tiêu dùng, hàng hóa của Việt Nam đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, bán hàng đúng giá niêm yết, không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá…
Đây chính là những ưu điểm đã và đang góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, tạo làn sóng thay đổi xu hướng mua sắm.
Thị trường trong nước đã thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: KT)
Chị Mai Hoa ở Cầu Giấy bày tỏ: “Từ khi có cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt là mình đã chuyển sang sử dụng rất nhiều hàng Việt. Mình thấy là đợt này lượng hàng hóa của Việt Nam rất phong phú, chất lượng lại tốt mà giá cả thì rất hợp túi tiền, hàng hóa đầy đủ đáp ứng nhu cầu của dân”.
Trong nửa đầu năm 2020, thị trường nội địa đã “cứu” nền kinh tế, sản xuất nông nghiệp là trụ cột nền kinh tế trong mùa dịch. Đáng chú ý là thời gian vừa qua không có hiện tượng “khan hàng, sốt giá” là minh chứng rõ nhất cho sự vững mạnh của hàng Việt và hệ thống phân phối trong nước. Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm giảm 1,78% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng vẫn chiếm 80,3% tổng mức và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường trong nước đã thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; ngành phân phối là 1 trong những động lực để phát triển kinh tế trong thời kỳ mới vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
“Khi dịch với các đơn hàng xuất khẩu đã bị dừng hoặc hủy, doanh nghiệp chúng tôi chú trọng và ưu tiên hơn về thị trường nội địa, bình thường thì chúng tôi hằng năm vẫn ra những dòng sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ngày càng cao. Trong thời ảnh hưởng vì dịch khó khăn này doanh nghiệp chúng tôi cũng cơ cấu lại sản phẩm đó là do những dòng sản phẩm bình dân giá trung bình để đáp ứng mọi nhu cầu của người dân” - ông Hoàng Trọng Đông, Phó Giám đốc công ty Dệt may Vinatech cho biết.
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, hiện nay nhiều hệ thống, kênh bán lẻ trong nước đang đẩy mạnh việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong nước tiêu thụ được hàng hóa nhằm vượt qua khủng hoảng vì dịch Covid-19. Theo đó, việc thực hiện chương trình khuyến mãi "Tự hào hàng Việt" để đảm bảo giá tốt nhất, đồng thời, xây dựng các kênh phân phối có diện tích nhỏ, len lỏi đến tận các khu dân cư để phục vụ tận tay người tiêu dùng trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Thái Dũng- Tổng Giám đốc Công ty bán lẻ BRG cho biết, hệ thống 50 các siêu thị Minimart thuộc BRGMart tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng… đã liên kết và kết nối đưa nhiều mặt hàng Việt Nam chất lượng cao vào hệ thống phân phối.
“Chúng tôi cũng đã tích cực phối hợp với các nhà sản xuất Việt Nam để điều chỉnh lại quy cách sản phẩm, mẫu mã sản phẩm để phù hợp hơn với khách hàng Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã đưa được khá nhiều những sản phẩm đặc sản vùng miền của Việt Nam vào hệ thống của mình. Hiện tại hàng Việt Nam tại hệ thống chiếm khoảng trên 80%” - ông Nguyễn Thái Dũng nói.
Theo nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm khôi phục và tăng cường thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới. Các họat động chủ yếu là phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; Triển khai Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia áp dụng trên toàn quốc.
Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, ngành nghề, các đơn vị, tổ chức có liên quan trên địa bàn hưởng ứng, tham gia, đồng thời phát động các chương trình kích cầu tại địa phương, gắn các hoạt động kích cầu tiêu dùng với các hoạt động kích cầu du lịch và các dịch vụ khác; nghiên cứu, tổ chức các mô hình kinh tế đêm, hệ thống bán lẻ lưu động hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, các hệ thống bán lẻ sẽ triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng cũng chương trình khuyến mại từ nay đến cuối năm, góp phần hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
“Ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các hệ thống bán lẻ cũng đang hết sức cố gắng để đẩy mạnh việc bán hàng hóa ra và phục vụ người tiêu dùng và đã rất chú trọng đặc biệt đến các sản phẩm của Việt Nam. Các hệ thống bán lẻ cũng đang kết hợp với các nhà sản xuất đưa các sản phẩm đó đến tay người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng và giá cả một cách tốt nhất. Đối với các sản phẩm theo mùa vụ, các hệ thống bán lẻ cũng đã khai thác được rất nhiều và hỗ trợ kỹ thuật rất là nhiều tăng hơn so với năm trước là từ 20% - 25 %” - bà Vũ Thị Hậu cho biết.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh khó khăn này, các doanh nghiệp cần khai thác tốt thị trường nội địa, cũng là dịp khẳng định được vị thế, chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước. Đồng thời, gấp rút thực hiện sản xuất các sản phẩm để thay thế sản phẩm nhập khẩu, tạo thói quen cũng như tạo niền tin cho người tiêu dùng, đối tác, bạn hàng./.
Theo Nguyễn Hằng/VOV1