Với mục tiêu không xa, cùng với Hàm Tiến-Mũi Né, tuyến du lịch Thuận Quý-Kê Gà sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Bình Thuận, trở thành động lực phát triển du lịch phía Nam của tỉnh.
Mũi Kê Gà, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) có vẻ đẹp hoang sơ, bình dị, với bãi đá nhấp nhô chạy dài ven biển; đặc biệt có ngọn hải đăng cao 70m được xây dựng từ thời Pháp, được xem là cao nhất Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Cùng với loại hình du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) đang hướng tới đa dạng hóa các loại hình du lịch, trong đó chú ý phát triển du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng.
Với mục tiêu không xa, cùng với Hàm Tiến-Mũi Né, tuyến du lịch Thuận Quý-Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam) sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Bình Thuận, trở thành động lực phát triển du lịch phía Nam của tỉnh.
Nằm tiếp nối với thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch như: bờ biển dài hơn 23km với những bãi cát trắng đẹp hoang sơ, những bãi đá ven biển nhiều hình thù độc đáo, ngọn hải đăng Kê Gà lâu đời, Khu du lịch núi Tà Cú với chùa Linh Sơn Trường Thọ và tượng Phật nằm dài 49m…
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng của Dự án xây dựng cảng nước sâu Kê Gà, đến nay nhiều dự án du lịch đã hoạt động trở lại.
Các khu du lịch, resort, trung tâm thương mại… đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng với quy mô lớn, sôi động hơn.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam, những năm gần đây, hoạt động du lịch trên địa bàn có bước phát triển mới, loại hình du lịch ngày càng đa dạng hơn, thu hút nhiều dự án đầu tư mới.
Năm 2019, huyện thu hút thêm 4 dự án mới, trong đó có các dự án có quy mô lớn như Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, dân cư cao cấp và thể thao biển của Tập đoàn Tân Á-Cường Thịnh Thi với tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng, tổng diện tích 227ha; dự án Thanh long Bay tại xã Tân Thành với diện tích trên 90ha…
Đến nay, toàn huyện có 71 dự án du lịch được tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Điển hình như tuyến đường ĐT 719, ĐT 712, đường Hàm MinhThuận Quý và hệ thống điện chiếu sáng công lộ Thuận Quý-Kê Gà đã được sửa chữa.
Việc đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được quan tâm.
Năm 2019, huyện Hàm Thuận Nam đón hơn 470.000 lượt khách với tổng doanh thu đạt khoảng 200 tỷ đồng.
Bà Mai Thị Ngọc Ảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Nam, cho biết trong 5 năm trở lại đây, nhờ đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư cùng với việc đảm bảo an ninh trật tự và môi trường biển, du lịch huyện Hàm Thuận Nam đã có nhiều khởi sắc, nhiều hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, lượng khách cũng tăng so với trước đây. Cùng với du lịch, các loại hình dịch vụ, hoạt động kinh tế khác cũng phát triển.
Bay trên đồi cát Bình Thuận tại Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế - Phan Thiết, Bình Thuận lần thứ nhất. (Ảnh: Quang Hải/TTXVN)
Là địa phương có thế mạnh nông nghiệp, là “thủ phủ” cây thanh long, thời gian tới, huyện Hàm Thuận Nam đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng kết hợp quảng bá các sản phẩm chế biến từ thanh long như: nước ép thanh long, rượu vang thanh long…
Để đa dạng hóa các loại hình du lịch, huyện chú trọng kết nối các hoạt động du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng biển và du lịch nhà vườn, tạo nên một “tour” du lịch đặc trưng, hút du khách đến với huyện Hàm Thuận Nam.
Huyện cũng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự ở các khu du lịch; giữ gìn và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa.
Song song đó, tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; hỗ trợ đẩy nhanh việc triển khai đầu tư của các dự án du lịch đã được chấp thuận, kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai./.
Theo Hồng Hiếu (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/cho-don-diem-den-hap-dan-cua-du-lich-phia-nam-binh-thuan/658290.vnp