Từ tên gọi bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức dàn dựng chương trình nghệ thuật đặc biệt Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 1-9 chào mừng Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Chương trình có sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật trung ương với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của dòng nhạc cách mạng.
Ca sĩ Phạm Thu Hà tham gia chương trình Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ.
Như một biên niên sử hào hùng trải dài qua năm tháng bằng âm nhạc, chương trình Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ đã tạo dựng và khắc họa sâu sắc bằng âm nhạc và nghệ thuật múa hình tượng Tổ quốc Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử, giàu bản sắc văn hóa và truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng, đã chiến thắng nhiều thế lực xâm lăng và ngày nay đang vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng hòa bình. Chương trình bao gồm nhiều tiết mục với những ca khúc cách mạng đi vào lòng người trong từng giai đoạn lịch sử, thấm đẫm niềm tin và tự hào về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, được sắp xếp theo chủ đề, từ thuở dựng nước cho đến những năm tháng đấu tranh quật cường, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập với dấu son chói lọi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cách đây 75 năm.
Chương trình có ba phần nội dung chính có chủ đề: Đất nước; Khát vọng hòa bình và Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ. Mở đầu là dàn hợp xướng hào hùng trình bày ca khúc Mười chín tháng Tám của cố nhạc sĩ Xuân Oanh, làm sống lại bầu không khí cách mạng sục sôi của Hà Nội và các địa phương trong cả nước trong những ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Rộn ràng tiếp nối là ca khúc Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà, thể hiện niềm xúc động, tự hào của mùa Xuân đại thắng năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Phần nội dung Đất nước mở ra như cuốn sử thiêng thời dựng nước với những hình ảnh thơ gần gũi và thân thuộc trong bài thơ cùng tên của tác giả Nguyễn Khoa Điềm, được các nghệ sĩ múa thể hiện, tái hiện truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, về các Vua Hùng, nhắc nhở truyền thống hướng về nguồn cội. Các ca khúc: Làng tôi (Hồ Bắc); Biển hát chiều nay (Hồng Đăng); Đêm thành phố đầy sao (Trần Long Ẩn), Hà Nội - Huế - Sài Gòn (nhạc Hoàng Vân, thơ Lê Nguyên)... sẽ làm nổi bật chủ đề về một Việt Nam tươi đẹp, trải dài qua những đại ngàn, non cao hùng vĩ cho đến các vùng biển, đảo khơi xa tráng lệ. Phần hai của chương trình Khát vọng hòa bình đưa chúng ta đi cùng chiều dài lịch sử của đất nước trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ gian khổ và hào hùng, ngời sáng niềm tin tất thắng và chủ nghĩa Anh hùng cách mạng qua các ca khúc: Trường ca sông Lô (Văn Cao), Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Giải phóng Điện Biên (Đỗ Nhuận), Bài ca hy vọng (Văn Ký), Dáng đứng Việt Nam (thơ Lê Anh Xuân, nhạc Nguyễn Chí Vũ), Anh vẫn hành quân (Huy Du), Bài ca thống nhất (Võ Văn Di)... Với chủ đề như tên gọi của chương trình Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, phần thứ ba bao gồm các ca khúc: Đất nước tình yêu (Lệ Giang), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Trên công trường rộn tiếng ca (Ngô Quốc Tính), Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (Nguyễn Văn Thương), Tình em biển cả (Nguyễn Đức Toàn), Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận)... tràn đầy chất tự sự và cảm hứng lãng mạn, say đắm, tự hào về một Việt Nam đang trên con đường hội nhập và phát triển, khẳng định vị thế vững vàng trên trường quốc tế.
Tham gia chương trình nghệ thuật đặc biệt Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ có các nghệ sĩ nổi tiếng đến từ các nhà hát, đơn vị nghệ thuật của Trung ương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh như: Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Dàn Quân nhạc Việt Nam...
Theo HÀ QUYÊN/nhandan.com.vn