Sản phẩm từ nghề truyền thống chịu sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, dẫn đến nguy cơ mai một.
"Sóng gió"
Hiện nay, sản phẩm từ nghề truyền thống chịu sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, dẫn đến nguy cơ mai một. Do đó, Bình Dương đã và đang nỗ lực “thức tỉnh” làng nghề sau một thời gian dài “ngủ quên” bằng các việc làm thiết thực như: xây dựng làng nghề tập trung, phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống… vừa lưu giữ vừa phát huy giá trị văn hóa.
Dù gặp khó khăn nhưng người làm nghề thớt cốt chày Phú Long vẫn cố gắng bám trụ.
“Ai về chợ Thủ bán hũ, bán ve, bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu....”, là một câu vè được người dân đất Thủ (nay là Bình Dương) truyền tai nhau từ đời này sang đời khác. Câu vè gợi lại cho người nghe nhớ về một làng nghề truyền thống của Bình Dương, trong đó có nghề thớt cối chày Phú Long ở thành phố Thuận An. Nghề này gắn bó với người dân nơi đây xấp xỉ gần 1 thế kỷ. Thương hiệu Thớt cối chày Phú Long đã vươn xa ra thị trường các nước như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nổi tiếng một thời nhưng nghề này cũng đang đứng trước nguy cơ mai một.
Bà Lê Thị Hòa, chủ cơ sở sản xuất Phương Quang tâm sự, nối nghiệp cha nên gia đình quyết tâm lưu giữ, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn. “Cái nghề này lúc phát triển mạnh, lúc trầm lắng, có khi hàng hóa bán đắt nhưng cũng có lúc do thị trường bão hòa nên không bán được. Gia đình đều là thợ thầy nên dù thăng trầm, lên xuống cũng không ngưng sản xuất” - Bà Hòa chia sẻ.
Tô màu heo đất tại làng nghề heo đất Lái Thiêu.
Chỉ cách đây 5 năm, đặt chân đến làng nghề heo đất Lái Thiêu, ở thành phố Thuận An đã nghe tiếng chà nhám, hay phảng phất mùi sơn phủ lên các sản phẩm thì nay lại vắng lặng. Hàng trăm hộ dân từng chọn nghề này làm điểm tựa mưu sinh nay chỉ còn vài chục hộ.
Theo các nghệ nhân làm heo đất, trước đây, mỗi hộ làm nghề thực hiện tất cả các công đoạn. Nhưng sau khi TP. Thuận An tiến hành di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, các hộ dân không còn tự nhào bột, đổ khung, nung heo. Thay vào đó, họ nhập heo thô từ thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương về để sơn, trang trí và bán lại cho thương lái. Công sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập không bao nhiêu khiến nhiều người đành phải bỏ nghề.
Ông Trịnh Ngọc Sơn, hơn 40 năm làm nghề heo đất tâm sự: “Ngày xưa, sản phẩm làm ra ngoài bỏ cho 5 bạn hàng thì còn bán cho những thương lái khác nhưng nay không còn người lạ đến mua. Hồi đó một con heo đất 10.000 đồng kiếm được 2.000-3.000 đồng, giờ lời chưa đến 1.000 đồng. Mặt hàng heo đất giờ bán chậm lắm, nếu không tìm được mối bán buộc phải nghỉ làm".
Từ hàng chục hộ, nay chỉ còn vài hộ bám trụ với nghề ở "Xóm Guốc"
Giữa trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương có một làng nghề truyền thống được hình thành cách đây hơn 100 năm, đó là nghề làm guốc gỗ. Theo tài liệu thống kê trong địa chí Thủ Dầu Một, những năm 1901, nơi đây có trên 80 hộ dân sống bằng nghề làm guốc theo kiểu cha truyền con nối. Người làm nghề này tập trung đông nhất tại phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một nên về sau nơi đây có hẳn một con đường mang tên “Xóm Guốc”.
Anh Nguyễn Văn Trung, một người làm guốc tại phường Phú Thọ cho biết, guốc làm từ các loại gỗ, qua nhiều công đoạn mới tạo ra được thành phẩm. Nhưng bây giờ guốc gỗ khó cạnh tranh với những chất liệu khác nên người theo nghề cũng gặp không ít khó khăn. Bởi vậy, “Xóm Guốc” nhộn nhịp, sôi động ngày nào chỉ còn vài gia đình giữ nghề. Cũng như các làng nghề khác, người làm nghề luôn phải thay đổi tư duy, đổi mới mẫu mã sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu thị hiếu.
“Guốc là gỗ mỹ nghệ, nghề truyền thống cho nên cứ vậy là làm nhưng phải ra nhiều mẫu mã. Mẫu mã do mình nghĩ ra và do khách hàng đặt với mấy trăm mẫu đẹp, phải bắt mắt nên mới bán được, chứ làm giống xưa không làm được nữa” - Anh Nguyễn Văn Trung bày tỏ.
Lưu giữ nghề truyền thống, người làm guốc gỗ phải luôn thay đổi mẫu mã
Viết tiếp lịch sử làng nghề
Theo thống kê, Bình Dương hiện có 32 làng nghề và 9 nghề truyền thống. Các làng nghề truyền thống nổi tiếng khác ở Bình Dương như: gốm, sơn mài, chạm khắc, đan lát… có từ lâu đời và gắn với đặc trưng từng địa phương. Trong xu hướng phát triển theo cơ chế thị trường, nhiều làng nghề từng "vang bóng một thời" vẫn không bắt kịp thị hiếu, dần mất đi thị phần và cả sự quan tâm của người tiêu dùng.
Để bảo tồn, phát huy các làng nghề và nghề truyền thống, Bình Dương đã đưa ra các giải pháp, trong đó có việc xây dựng làng nghề tập trung cho nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp được quy hoạch xây dựng với diện tích hơn 54.000m2 và sẽ đưa vào hoạt động năm 2023, gồm: khu sản xuất tập trung, khu trưng bày sản phẩm, nhà thờ Tổ, cổng chào làng nghề... Nơi đây được kỳ vọng sẽ tạo đà cho nghề truyền thống đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Du khách đến mua sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp
Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh tâm sự, trước những “sóng gió” của nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, mọi người vui mừng khi Bình Dương quy hoạch một khu riêng biệt cho làng nghề. Cùng với chính quyền, những nghệ nhân nghề sơn mài Tương Bình Hiệp sẽ nỗ lực đào tạo đội ngũ kế thừa để nghề này không mai một.
Theo nghệ nhân Lê Bá Linh, “Bình Dương là nơi cạnh tranh lao động rất lớn. Do đó, làm sao có những đội ngũ kế thừa là điều các nghệ nhân rất lo lắng để giữ gìn, phát triển nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc và rất lâu đời để người ta biết đến Bình Dương là có nghề sơn mài".
Du khách được trải nghiệm cách làm ra một sản phẩm sơn mài
Hai năm gần đây, Bình Dương chú trọng phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống. Đây được xem là bước đi đúng đắn, không chỉ mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống mà quan trọng hơn là còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề ở Bình Dương.
Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Bình Dương cho biết, ngành du lịch Bình Dương đang phối hợp với các địa phương, cơ sở sản xuất tại các làng nghề xây dựng tour du lịch làng nghề. Du khách sẽ tham gia vào quy trình sản xuất để hiểu hơn về cách làm, giá trị của từng sản phẩm. Thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại, trung tâm sẽ tiếp tục trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề Bình Dương cho du khách, công chúng trong nước và quốc tế.
“Hiện nay các tour du lịch làng nghề được công ty lữ hành kết nối tốt như đưa du khách thăm làng nghề sơn mài, gốm sứ, mây tre đan... Một trong các tour du lịch trải nghiệm làng nghề truyền thống hiệu quả nhất ở Bình Dương là đưa du khách ghé thăm đường chợ khạp (lu) ở lò lu Tương Bình Hiệp” - Ông Nguyễn Đức Minh cho biết.
Bình Dương đang xây dựng các tour du lịch đến với làng nghề truyền thống
Song song đó, Bình Dương chủ trương phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Những làng nghề ít gây ô nhiễm như đan lát mây tre ở thị xã Tân Uyên, chạm khắc gỗ ở thành phố Thủ Dầu Một vẫn cho sản xuất, kinh doanh ở hộ gia đình. Còn làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như gốm sứ, heo đất…, một số khâu sản xuất phải di dời khỏi khu dân cư. Hướng tới, các địa phương ở Bình Dương có nghề truyền thống sẽ quy hoạch thành những khu riêng biệt để giải quyết "bài toán" ô nhiễm ở làng nghề.
Có thể thấy, trước những tác động của kinh tế thị trường, Bình Dương đã nỗ lực “đánh thức” làng nghề truyền thống để bắt kịp với xu thế. Việc làm này không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa mà còn góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương./.
Theo Thiên Lý/VOV-TPHCM