Cập nhật: 04/09/2020 08:43:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ở nước ta hiện chưa có thống kê đầy đủ về tỷ lệ mắc bệnh tim mạch trong cộng đồng, nhưng thực tế bệnh tim mạch gia tăng hàng năm rất nhanh chóng. Hiện nay, mô hình bệnh tim không lây nhiễm bị trẻ hóa bởi lối sống hiện đại hóa.

Trước đây, các bệnh mạch vành, động mạch não, bệnh động mạch ngoại biên... thường chỉ gặp ở người có tuổi nhưng hiện nay gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, có thể chưa đến 40 và gần đây nhất liên tục ghi nhận những trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ở tuổi trên dưới 30, trong đó có ca mới 28 tuổi. Do đó, dù ở bất cứ lứa tuổi nào cũng nên quan tâm tới những biện pháp giảm bớt nguy cơ bệnh tim mạch.

Ở mọi lứa tuổi

Cần thực hiện các chế độ ăn khỏe mạnh và hoạt động thể lực phù hợp luôn có những lợi ích đáng kể. Cụ thể như sau:

Về chế độ ăn: Hạn chế ăn các thực phẩm có chứa các thành phần sau: chất béo bão hòa, muối, đường ngọt, thịt đỏ (như thịt bò hoặc thịt heo). Nếu có ăn thịt thì không nên ăn thường xuyên và chỉ nên ăn thịt nạc. Nên ăn nhiều rau quả và trái cây, ngũ cốc giàu chất xơ, cá (nếu được thì dùng dầu cá hơn 2 lần/tuần), các loại quả hạch (như hạnh nhân, đào,...), hạt đậu.

Về hoạt động thể lực: Nên vận động thể lực trung bình - nặng (ví dụ đi bộ nhanh) ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc vận động thể lực nặng (ví dụ chạy bộ) ít nhất 75 phút mỗi tuần, hoặc có thể kết hợp cả hai. Bên cạnh đó, nên dành tối thiểu 2 ngày trong tuần để hoạt động rèn luyện tất cả các nhóm cơ quan trọng (ở vùng chân, hông, lưng, bụng, ngực, vai).

Khi nhận thấy các dấu hiệu như đau ngực, khó thở, tê tay chân... cần đi khám ngay.

Ở độ tuổi 20-30

Nếu đang ở tuổi này thì ngoài việc có chế độ ăn lành mạnh việc hoạt động thể lực càng phải tích cực hơn. Ngoài ra, cần phải tránh xa thuốc lá do những tác hại của nó. Không những thế, nếu thấy có người khác hút thuốc lá thì nên tránh xa vì hít phải khói thuốc lá từ người khác còn độc hại hơn so với việc tự mình hút.

Ở độ tuổi 30-40

Ở độ tuổi này thường dành hầu hết thời gian cho gia đình và sự nghiệp, do đó cần lưu ý những điểm sau: Tạo thói quen lành mạnh cho gia đình, khuyến khích con hoạt động thể lực cũng như làm quen với chế độ ăn lành mạnh. Quản lý stress (về mặt tinh thần và thể chất) của bản thân do stress có thể gây tăng nhịp tim và tăng huyết áp dẫn tới tổn thương thành động mạch. Việc quản lý stress không những có lợi cho cơ thể mà còn tăng chất lượng sống.

Ở độ tuổi 40-50

Bắt đầu từ tuổi 40 trở lên dễ tăng cân do chuyển hóa cơ thể đang có xu hướng chậm lại và dĩ nhiên việc này không có lợi cho cơ thể. Để tránh tăng cân, cần giữ chế độ ăn khỏe mạnh và phải tập thể dục thường xuyên hơn nữa. Thời điểm này nên bắt đầu chú ý tới việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên về huyết áp, mỡ máu, đường máu. Từ năm 45 tuổi trở lên, nên được kiểm tra đường huyết đói mỗi 1 năm 1 lần.

Khi ngủ ngáy nhiều, nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra loại trừ tình trạng ngưng thở lúc ngủ, vốn là một nguyên nhân gây tăng huyết áp và có nguy cơ gây bệnh lý tim mạch.

Ở độ tuổi 50-60

Ở độ tuổi này, chúng ta có thể thấy bản thân có những dấu hiệu già đi. Do tuổi tác cũng có ảnh hưởng xấu lên tim mạch nên thời điểm này càng cần phải chú ý nhiều hơn: Giữ chế độ ăn có lợi cho tim mạch như đã mô tả ở trên. Nhận biết những dấu hiệu gợi ý bệnh lý tim mạch nguy hiểm như: đau ngực, khó thở, tê tay chân, yếu hoặc liệt nửa người đột ngột, nói ú ớ... Có thể tự tìm hiểu thêm các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ để có thể nhập viện sớm nhất khi có các dấu hiệu này. Nhập viện càng sớm thì càng có thể xử trí tốt hơn. Nếu đang điều trị các bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp hay rối loạn mỡ máu thì phải tuân thủ điều trị để giảm đáng kể nguy cơ biến cố bệnh lý tim mạch.

Ở độ tuổi từ 60 trở lên

Tuổi càng cao thì nguy cơ bệnh tim mạch càng lớn. Ở tuổi này càng cần phải chú ý tới những biện pháp giảm thiểu nguy cơ tim mạch như đã mô tả trước đó, đặc biệt là tuân thủ điều trị của bác sĩ, giữ chế độ ăn uống lành mạnh và vận động thể lực phù hợp.

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm