Mỗi người dân Việt Nam kiên quyết phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển của Việt Nam.
Quan điểm, đường lối chỉ đạo nhất quán của Đảng ta là phải giữ vững, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, cả trên đất liền và biển đảo, duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Đây cũng là tinh thần, truyền thống lịch sử thiêng liêng nghìn đời mà ông cha ta để lại, dù bất kỳ giai đoạn, thời kỳ lịch sử nào cũng không bao giờ thay đổi. Quân và dân sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cảnh sát biển Việt Nam thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo (Ảnh: Đức Hạnh)
Sẵn sàng hy sinh để giữ từng tấc đảo, mép nước chủ quyền
Trong không gian bao la của sóng gió biển khơi, trang nghiêm và thành kính, nhạc bài “Hồn tử sỹ” vang lên bi tráng và da diết. Trên hải trình thăm và làm việc ở quần đảo Trường Sa, mỗi đoàn công tác khi đi qua vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao đều dừng lại làm nghi thức tưởng niệm 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ngày 14/03/1988 để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Diễn văn của Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, đại diện đoàn công tác, đọc lời tưởng niệm anh linh các liệt sĩ bảo vệ Gạc Ma khiến ai cũng rưng rưng xúc động: “Hôm nay, đoàn công tác có mặt ở vùng biển Gạc Ma, nơi mà những người lính đầy nhiệt huyết và sức trẻ đã mãi mãi nằm lại biển sâu nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam. Máu của các anh đã hòa cùng biển sâu, nhắc nhở các thế hệ muôn đời sau nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ Tổ quốc.”
Cuộc chiến đấu tại đảo đá Gạc Ma ngày 14/3/1988 là cuộc chiến đấu hào hùng và bi tráng của những người lính Công binh – Hải quân, là cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, mà lịch sử mãi khắc ghi. Mặc dù lực lượng chênh lệch, phương tiện vũ khí hạn chế, các chiến sỹ Hải quân của chúng ta đã chiến đấu kiên cường, anh dũng, tuân thủ phương châm hết sức kiềm chế, chiến đấu tự vệ để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước nhà.
Với Đại tá Tống Xuân Quân, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân, (năm 1988 là Trung úy, quyền Chính trị viên tàu HQ 605), sự kiện năm ấy là một ký ức, một nỗi đau không bao giờ quên: “Tàu chiến của họ áp sát liên tục báo động chiến đấu, uy hiếp tinh thần của chúng tôi. Tuy nhiên, cán bộ chiến sĩ của chúng ta rất gan dạ, dũng cảm, kiên cường, kiên trì bám đảo, bám tàu, bảo vệ đảo, bảo vệ tàu. Sau khi không lay chuyển được ý chí của chúng tôi, các tàu hộ vệ tên lửa của họ đã ngang nhiên bắn cấp tập vào tàu của ta làm tàu cháy rất nhanh.”
Đại tá Vũ Huy Lễ
Để bảo vệ đảo, giữ cho lá cờ đỏ sao vàng được vẹn nguyên, hiên ngang tung bay trên điểm đảo, các chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, lập thành đội hình "vòng tròn bất tử”. Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Huy Lễ, nguyên thuyền trưởng Tàu HQ 505, người đã cho tàu ủi bãi giữ đảo Cô Lin năm 1988 luôn nhớ về những đồng đội trong trận chiến bi hùng năm xưa: “Hình ảnh anh em hy sinh nằm dưới xuồng mà chúng tôi đưa về là hình ảnh không bao giờ quên được. Khoảng 40 cán bộ, chiến sĩ, thương binh, tử sĩ rất thương tâm…”.
Ngày 7/5/1988, tại Lễ kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân, Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ra thăm cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa đã xin thề: "Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu khẳng định: Tinh thần “thà hy sinh chứ không chịu mất đảo” của các chiến sĩ trong trận chiến Gạc Ma năm 1988 càng thôi thúc thêm ngọn lửa ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ gìn biên cương lãnh thổ của quân và dân ta sau này. Điều đó một lần nữa thể hiện lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam, ý chí bất khuất và tự cường, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc. Chúng ta sẽ bảo vệ từng tấc đất của chúng ta. Chúng ta không sợ bởi vì chúng ta là chính nghĩa. Điều quan trọng nữa bởi vì chúng ta sẵn sàng hy sinh”.
Biển Đông không thôi “dậy sóng”.
Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014 khiến các lực lượng chấp pháp trên biển và ngư dân nước ta một lần nữa lại phải kiên cường, anh dũng chống chọi với những hiểm nguy; bình tĩnh, kiên trì, không mắc mưu khiêu khích của đối phương để giữ bình yên cho biển đảo Tổ quốc.
Những ngày đầu tháng 5/2014, trực tiếp chỉ huy biên đội tàu, Trung tá Nguyễn Văn Hưng, nguyên thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển 8003 (hiện là Phó Tham mưu trưởng Hải đoàn 11, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1) điều khiển đội hình tàu tránh các hoạt động đâm va, khiêu khích của tàu Trung Quốc. “Phía Trung Quốc ngày càng có nhiều thay đổi phương án ngăn cản tàu chấp pháp Việt Nam thực thi nhiệm vụ. Bài học kinh nghiệm chúng ta là luôn kiên trì, kiên cường bám trụ mục tiêu, tránh mắc mưu khiêu khích của tàu Trung Quốc. Tất cả một mục tiêu tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hoạt động trái phép trên vùng biển chủ quyền Việt Nam”. Trung tá Nguyễn Văn Hưng khẳng định.
Anh Tống Trần Thiện, nguyên thuyền trưởng tàu Kiểm ngư KN 629 (nay là Đội trưởng Đội Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư số 3) kể lại: trong những lần tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 để làm nhiệm vụ tuyên truyền, anh đã chỉ huy cán bộ, chiến sĩ trên tàu luôn bình tĩnh, khôn khéo, thoát khỏi vòng vây an toàn, giữ vững đối sách, bám trụ trên biển để kiên trì đấu tranh dài ngày. Anh em trên tàu đã xử lý đúng đối sách, phương châm chỉ đạo theo đúng phương án và giữ môi trường hòa bình, ổn định không để xung đột, đụng độ, gây điểm nóng ở trên biển.
Sau gần 3 tháng đấu tranh, tuyên truyền bằng nhiều biện pháp, giàn khoan và các tàu chiến Trung Quốc đã rút ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trả lại sự bình yên cho vùng biển Hoàng Sa vốn nhiều sóng gió.
Gần đây, Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động cả dân sự và quân sự ở khu vực Biển Đông, có thể kể ra một số vụ việc điển hình gần đây nhất. Đó là năm 2019, Trung Quốc đã cho tàu Hải Dương địa chất 08 cùng nhiều tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm phạm vùng biển của Việt Nam hơn 100 ngày. Ngày 18/4/2020, Trung Quốc lại có hành động vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam khi Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn thành lập cái gọi là "Quận Tây Sa" và "Quận Nam Sa" trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam.
PGS. TS. Vũ Thanh Ca
Theo PGS. TS. Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đây là điều không thể chấp nhận được: Đây là một trong những bước đi của Trung Quốc để hiện thực hoá chiến lược chiếm trọn Biển Đông. Trước đây Trung Quốc tuyên bố cái gọi là Đường lưỡi bò trên Biển Đông, nhưng mà cái Đường lưỡi bò của Trung Quốc đã bị vô hiệu hoá bằng Phán quyết của Toà trọng tài vào năm 2016. Sau đó Trung Quốc có chỉ đạo cho các học giả nghiên cứu để tìm ra những chiến thuật mới. Cuối năm 2019 và đầu năm 2020 Trung Quốc đã công bố yêu sách Tứ Sa của mình, bằng quyết định hành chính thành lập hai đơn vị đơn vị quản lý trên biển Đông.
Bà con ngư dân ta vươn khơi, bám biển, không chỉ đương đầu với sóng to gió lớn, với “hồn treo cột buồm”, mà nguy hiểm và lo ngại hơn là sự đe dọa từ những con tàu nước ngoài uy hiếp, cướp bóc, đánh đập, bắt bớ ngư dân một cách vô cớ khi bà con đang khai thác hải sản hợp pháp trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.
Ngư dân Nguyễn Bé, Quảng Ngãi cho biết: Bây giờ đi ra các vùng biển đi lại rất là khó khăn, liên tục bị các tàu nước ngoài uy hiếp gây khó khăn cho ngư dân mình. Chúng tôi chỉ có ngư lưới cụ đánh bắt hải sản chứ có trang bị gì khác đâu.
Đầu tháng 4/2020, tàu Hải cảnh mang số hiệu 4301 của Trung Quốc đã cố tình đâm chìm tàu cá QNg90617 TS của ngư dân Trần Hồng Thọ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi khi tàu cá này đang hoạt động tại ngư trường vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phân tích về vụ việc này, ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Ban Biên giới chính phủ cho rằng: “Đây rõ ràng là vi phạm đến chủ quyền Việt Nam. Theo Công ước Luật biển 1982 thì mọi ứng xử đối với vi phạm của người hoạt động trên biển, đặc biệt trong vùng đặc quyền kinh tế nghiêm cấm sử dụng vũ lực, các hành vi bạo lực và mọi hành xử cần theo đúng quy trình thủ tục của luật pháp quốc tế. Nhưng đằng này họ lại vô cớ phá hoại chìm tàu, gây ra tai họa đau khổ cho những ngư dân vô tội”.
Bên cạnh đó, Trung Quốc gần đây cũng đơn phương đề ra quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 8 hàng năm với phạm vi trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông cho đến 12 độ vĩ bắc, bao gồm một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Từng đoàn tàu của ngư dân Quảng Ngãi nối nhau ra ngư trường.
Những hành động của Trung Quốc đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và các quốc gia, ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không cũng như các hoạt động kinh tế tại khu vực Biển Đông.
Trước hàng loạt tuyên bố chính trị, những hành động ngang ngược và biện pháp hành chính sai trái trên Biển Đông của Trung Quốc thời gian qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên tục đưa ra các tuyên bố khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai".
Trước những hành động sai trái, những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, mỗi người dân Việt Nam đều hướng lòng về biển đảo, thể hiện tình yêu biển đảo và kiên quyết phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Cựu chiến binh ở Hoàng Mai, Hà Nội nêu quan điểm: Việt Nam lúc nào cũng luôn hòa hiếu với tất cả các bạn bè thế giới. Tất cả đồng bào nhân dân cả nước, trong đó có tôi cũng là một cựu chiến binh, chúng tôi hoàn toàn phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Sinh viên Nguyễn Thanh Tâm, Đại học Luật Hà Nội bày tỏ: Chúng tôi mong muốn, kêu gọi chính phủ Trung Quốc hãy dừng lại những hành động vi phạm về Công ước luật biển mà Liên Hợp Quốc đã đưa ra.
Chị Nguyễn Thu Thủy người dân tỉnh Khánh Hòa mong muốn: Người dân Việt Nam rất mong muốn hòa bình, chúng tôi muốn rằng người dân Trung Quốc, đất nước Trung Quốc hiểu được điều này và không xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Gần 500 trước, Nguyễn Bỉnh Khiêm, một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến lịch sử và văn hóa Việt Nam thế kỷ XVI, đã đưa ra dự báo chiến lược về Biển Đông: “Biển Đông vạn dặm giăng tay giữ/ Đất việt muôn năm vững trị bình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm lực lượng Hải quân năm 1961 cũng đã căn dặn: “Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời dạy của các bậc tiền nhân đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trên Biển Đông, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục nâng cao cảnh giác, ngăn ngừa nguy cơ xung đột từ sớm, từ xa, kiên quyết không để mất dù là một sải biển, một tấc đảo, giữ trọn lời thề giữ biển với cha ông. Đây cũng là nội dung bài 3 trong loạt bài: “Sắt son lời thề giữ biển” với nhan đề “Tự cường để giữ biển”./.
Theo Thu Lan, Hà Phương, Hương Lan/VOV1