Cập nhật: 09/09/2020 14:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Điện ảnh cách mạng Việt Nam vinh dự được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc, bởi vậy, hiếm có nền điện ảnh nào trên thế giới có thể bám sát từng bước đi, thậm chí ở trong lòng mọi sự kiện lịch sử của dân tộc như vậy.

Bác Hồ với các nhà điện ảnh tại chiến khu Việt Bắc. (Ảnh: TL)

Ngay từ những ngày đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của một Nhà nước mới giành được độc lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã tổ chức một bộ phận “Điện ảnh - Nhiếp ảnh”, nằm trong Bộ Thông tin tuyên truyền.

Theo Lịch sử điện ảnh Việt Nam (tập 1), ở miền bắc vào khoảng năm 1945-1946, bộ phận “Điện ảnh - Nhiếp ảnh” đã quay được những đoạn phim: Hồ Chủ tịch từ Pháp trở về (1946), Pháp tấn công phố Hàng Than (1946), Trận đánh tại Ô Cầu Dền (1946), nhưng tiếc là những thước phim này chưa in tráng đã bị thất lạc. Những người tiên phong gây dựng điện ảnh đã cùng nhân dân bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ, họ đã tháo chiếc máy chiếu cũ kỹ hiệu Patthé từ rạp chiếu phim cùng chiếc máy quay “Cine-sept” lên chiến khu, gây dựng cơ sở Điện ảnh cách mạng. 

Trong khi đó ở miền nam, ghi chép của nhà quay phim tiền bối Khương Mễ trong cuốn kỷ yếu Điện ảnh Bưng biền - Điện ảnh cách mạng có đoạn: “Ngày 15-10-1947, Bộ Tư lệnh Khu 8 quyết định Tổ Nhiếp ảnh phát triển thêm bộ môn điện ảnh do đồng chí Mai Lộc phụ trách, lấy tên là tổ Nhiếp - Điện ảnh trực thuộc Ban Tuyên truyền, Phòng Chính trị khu. Không bao lâu, Tổ đã tập hợp được một đội ngũ yêu thích điện ảnh… Không có phòng lạnh, anh em có sáng kiến đóng một cái hộp bằng gỗ đựng chậu thuốc và guồng quấn phim, rồi ướp nước đá chung quanh chậu thuốc để hạ nhiệt độ xuống 18 độ C (tiêu chuẩn bảo đảm phim không cháy)”.

Họ dùng ghe cơ động tránh địch, di chuyển ra vùng địch hậu lấy nước ngọt và mua nước đá, biến ghe thành buồng tối in tráng phim. Vừa đối phó với địch vừa vượt qua biết bao khó khăn, nguy hiểm giữa Đồng Tháp Mười ngập nước phèn, “làm điện ảnh mà không có điện”, ngày 24-12-1948 phim tài liệu Trận Mộc Hóa ghi lại trận đánh đồn Mộc Hóa của Tiểu đoàn 307 được chiếu ra mắt. Bộ phim do ông Mai Lộc thực hiện đã khiến cán bộ chiến sĩ và nhân dân Đồng Tháp nức lòng, thậm chí tiếng vang bay đến tận Sài Gòn.

Trận Mộc Hóa là bộ phim tài liệu đầu tiên của Điện ảnh Nam Bộ, cũng là bộ phim hoàn chỉnh đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Điện ảnh Khu 8 thực hiện những phim tài liệu lưu danh đến hôm nay như Chiến dịch Bến Tre, Chiến dịch Trà Vinh, Chiến dịch La Ban - Cầu Kè, Lễ xuất quân Trung đoàn 115, Công binh xưởng, Dân công đắp cản chống tàu chiến địch... Tháng 6-1949, Điện ảnh Khu 9 được thành lập với tên gọi Tổ Cine K9, và thực hiện những bộ phim tài liệu Nhà in kháng địch, Trại Thiếu sinh quân, Xưởng dệt chị Thơm, Chiến dịch Sóc Trăng, Vụ mùa, Xưởng quân giới Khu 9, Hoan nghênh Phái đoàn Chính phủ trung ương… Cuối năm 1949, Điện ảnh Khu 7 ra đời và hoàn thành các phim Chiến dịch Bến

Cát, Trận Bùng binh, Trận Trảng Bàng, Trận Rạch Đông, Trận Trảng Bom, Chiến khu Đ và phim khoa học Kỷ niệm một năm Philatop. Những bộ phim đầu tiên ngùn ngụt ý chí cách mạng và tinh thần chiến đấu là nguồn động viên tinh thần to lớn đến đồng bào và chiến sĩ, cho đến hôm nay vẫn là nguồn tư liệu quý giá không gì có thể thay thế. Đến tháng 10-1951 ba Khu 8, 9 và 7 sáp nhập thành Điện ảnh Nam Bộ, nay thường gọi là Điện ảnh Bưng biền - một trong hai cái nôi đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Làm phim ở Bưng biền - Đồng Tháp. (Ảnh: TL)

Ở chiến khu Việt Bắc, bộ phận Điện - Nhiếp ảnh do ông Phan Nghiêm phụ trách nằm trong Nha Tuyên truyền và Văn nghệ (thành lập tháng 7-1950). Thu - Đông năm 1950, ông Phan Nghiêm trực tiếp “xuất quân” quay trận đánh mở đầu Chiến dịch Biên giới, vậy là phim Trận Đông Khê thành hình với những tư liệu quý chưa từng có: hỏa lực đại bác của ta bắn vào, đồn Đông Khê cháy rực, giặc kéo nhau ra hàng từ hầm ngầm… Ông Phan Nghiêm quay tiếp phim Trao đổi tù binh ở Thất Khê, và cả hai phim này đã được giới thiệu tại Liên hoan Thanh niên thế giới Berlin (CHDC Đức) như một sự ra mắt những thước phim nóng hổi khói súng từ đất nước Việt Nam non trẻ. Cùng với ông Phan Nghiêm, một nhà điện ảnh tiền bối là ông Nguyễn Hồng Nghi, sau này là đồng đạo diễn bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam Chung một dòng sông (1959) và cũng là Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Điện ảnh Việt Nam, đã quay bộ phim Dân công phục vụ tiền tuyến với những hình ảnh quý hiếm còn lưu lại: Từng đoàn dân công gồng gánh, từng đoàn xe thồ, xe trâu trên những con đường ngoằn ngoèo ra tiền tuyến.

Năm 1951, một số nhà điện ảnh Nam Bộ được cử mang phim ra bắc chiếu, gồm Mai Lộc và Nguyễn Phụ Cấn (từ Khu 8). Ông Mai Lộc là tác giả phim Chiến thắng Tây Bắc (1952) - phim 35 mm đầu tiên, đánh dấu bước tiến mới của điện ảnh Việt Nam; sau này ông đạo diễn phim truyện nổi tiếng Vợ chồng A Phủ. Ông đã cùng với ông Lê Minh Hiền (sau này đạo diễn bộ phim hoạt hình Việt Nam đầu tiên Đáng đời thằng cáo - 1960) và Nguyễn Thế Đoàn (từ Khu 9) là những người đã ghi lại những hình ảnh vô cùng quý giá của Bác Hồ tại Chiến khu Việt Bắc, gửi vào nam để đồng bào thỏa lòng mong nhớ Bác. Sau đó, có thêm 23 người từ Điện ảnh Bưng Biền tập kết ra Bắc, trong đó nhiều tên tuổi đóng góp nổi bật cho Điện ảnh cách mạng như Khương Mễ, Vũ Sơn, Cao Thành Nhơn, An Sơn, Nguyễn Đảnh, Hồ Tây, Trương Thành Hỷ…

Ở miền bắc, các nhà điện ảnh tiền bối chủ yếu xuất thân từ cán bộ tuyên huấn, nhiếp ảnh, với các tên tuổi còn lưu lại trong lịch sử Điện ảnh cách mạng như Phạm Văn Khoa, Phan Nghiêm, Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Đăng Bảy, Phan Trọng Quang, Nguyễn Ngọc Trung, Vũ Phạm Từ…

Các nhà điện ảnh hai miền nam, bắc quy tụ về Chiến khu Việt Bắc - cái nôi thiêng liêng của Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Một vinh dự đến với các chiến sĩ - nghệ sĩ điện ảnh: Ngày 15-3-1953, tại khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”, vậy là tổ chức Điện ảnh nhà nước chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành hình. Đạo diễn Phạm Văn Khoa, người được giao phụ trách “cơ ngơi” điện ảnh Đồi Cọ mô tả: “Thời kỳ này, khu điện ảnh nhộn nhịp hẳn lên. 65 căn nhà lá làm trên ba quả đồi ở rừng cọ Việt Bắc ngày cũng như đêm, không lúc nào ngớt tiếng động cơ phát điện. Các bộ phận in tráng, thu thanh, máy chiếu, máy nổ, máy phóng thanh thi đua với nhau góp sức xây dựng ngành điện ảnh” (theo Lịch sử điện ảnh Việt Nam tập 1).

Từ đó, chúng ta có những bộ phim tài liệu Việt Nam phản ánh cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu như Giữ làng giữ nước (1954), Điện Biên Phủ (1954) và rất nhiều tác phẩm điện ảnh vô giá khác, đánh dấu một chặng đường non trẻ nhưng hào hùng của Điện ảnh cách mạng Việt Nam những ngày đầu lập nước.

Theo TS NGÔ PHƯƠNG LAN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm